Tự chủ tuyển sinh đại học, cao đẳng – mới chỉ là 1 phương án
6 trường đại học được chọn thí điểm đều tỏ ra bất ngờ
Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi công văn đến 6 trường Đại học trọng điểm của cả nước, giao quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh năm 2011 đang làm dư luận xã hội băn khoăn vì hầu hết các trường đại học, ngay cả các trường được chọn làm thí điểm cũng tỏ ra khá bất ngờ về phương án này. Vậy, kết luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng năm tới ra sao?
Lãnh đạo 6 trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn thí điểm nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tự chủ tuyển sinh là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Y hà Nội và Đại học Ngoại thương đều tỏ ra khá “bất ngờ” và băn khoăn trước công văn giao quyền tự chủ tuyển sinh năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cho rằng, mặc dù Bộ đã lấy ý kiến góp ý sửa đổi quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng từ các trường đại học, nhưng không có nội dung nào liên quan đến thí điểm tự chủ tuyển sinh trong năm tới. Các trường cho rằng, năm 2011, vẫn tuyển sinh hệ chính quy theo hình thức “3 chung” như hiện nay.
Riêng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hiệu trưởng Nguyễn Viết Thịnh cho biết: Trường sẽ thực hiện hình thức này trong năm 2011 nếu được Bộ đồng ý. Với những trường đại học đặc thù như Đại học Sư phạm,… thì tự chủ trong tuyển sinh sẽ giúp nhà trường lựa chọn thí sinh chính xác và hợp lý nhất. Ông Nguyễn Viết Thịnh: “Nếu trong cải cách tuyển sinh, tăng quyền tự chủ các trường đại học, nên giao cho các trường đại học lớn, đặc thù tự chủ trong tuyển sinh. Đã gọi là tự chủ thì các trường phải ra được phương án. Thi lệch ngày rất tốt đối với thí sinh, các em sẽ tăng thêm được sự lựa chọn. Hiện nay sự lựa chọn của các em chỉ là các em thi 1 trường và bị xét tuyển vào trường khác. Hơn nữa cũng sẽ giảm áp lực cho thành phố, không bị tắc đường chỉ trong có mấy ngày thi”.
Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Cảnh Lương tiết lộ: Nhà trường đang xây dựng đề án để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Một số trường đại học khác thì ủng hộ chủ trương tự chủ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên cần phải có lộ trình cụ thể để nhà trường có thời gian chuẩn bị cho những bước thay đổi hình thức tuyển sinh sao cho phù hợp.
PGS.TS Hà Thanh Toàn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, một trường đại học không thuộc danh sách thí điểm nêu ý kiến: “Tự chủ về các trường đại học phải có lộ trình rõ ràng, và muốn có lộ trình rõ ràng phải thông báo ngay từ đầu. Trên cơ sở đó, dư luận xã hội có sự chuẩn bị, và có cái chuẩn chung cho tất cả các trường chuẩn bị đề thi đó, để làm thế nào sinh viên đầu vào là của từng trường nhưng các em có thể sử dụng kết quả đó để đi các trường khác. Do đó cần có sự chuẩn bị một cách đồng bộ”.
Trước những thông tin nhiều chiều, trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Bộ chỉ giao cho 6 trường này nghiên cứu xây dựng phương án tự chủ tuyển sinh. Đây cũng chính là việc thực hiện Nghị quyết số 37 và số 50 của Quốc hội, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012. Trước mắt, việc tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2011 vẫn giữ ổn định như các năm trước.
Tự chủ tuyển sinh chỉ là 1 trong nhiều phương án mà Bộ đang nghiên cứu và chưa có quyết định cuối cùng. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: Việc tuyển sinh đại học, cao đẳng phức tạp ở chỗ ảnh hưởng đến việc thay đổi cách học, cách dạy ở phổ thông và đại học, cao đẳng. Hơn nữa, một phương án tuyển sinh gồm rất nhiều khâu chứ không chỉ có ra đề thi và tổ chức tuyển sinh.
Hiện, Bộ đang trong quá trình nghiên cứu, khi nào có phương án chính thức mới đưa ra xin ý kiến dư luận xã hội, các nhà khoa học giáo dục và công bố công khai.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói: “6 trường này là Bộ muốn các trường giúp Bộ để xây dựng phương án, đưa lên Bộ để xem xét nghiên cứu chứ không phải giao như vậy là các trường làm. Cho nên khi nào phương án đó thật hoàn chỉnh, cảm thấy thật sự yên tâm, đúng với chỉ đạo của Bộ cũng như chủ trương của Chính phủ, Quốc hội mới được triển khai. Sau này nếu như phương án đó tốt thì không chỉ mấy trường này áp dụng mà nhiều trường khác cũng có thể áp dụng”.
Đây mới chỉ là chủ trương thăm dò về phương án tuyển sinh theo hướng gọn nhẹ được thí điểm ở 6 trường đại học, chứ chưa phải là chủ trương được thực hiện ngay trong mùa thi năm 2011. Tuy nhiên, không thể phủ nhận là với nội dung “Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT dự kiến trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2011 giao một số trường ĐH trọng điểm, đủ năng lực và kinh nghiệm quản lý tốt thực hiện chịu trách nhiệm toàn diện tất cả các khâu của công tác tuyển sinh: ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi, phúc khảo, xét tuyển, triệu tập thí sinh trúng tuyển và giải quyết các khiếu nại tố cáo có liên quan”, công văn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã gây nên nhiều cách hiểu khác nhau cho các trường đại học và dư luận./.