Tự chủ tuyển sinh đại học: đừng như quản lý hệ Tại chức!
VOV.VN-Việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ phải có sự kiểm soát chặt chẽ để các trường ý thức được trách nhiệm đào tạo vì người học
Năm 2014, các trường đại hoc, cao đẳng (ĐH, CĐ) chính thức được tự chủ tuyển sinh. Ngay sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra chủ trương trên, nhiều nhà quản lý giáo dục đã bày tỏ ý kiến đồng tình. Bởi vì điều này có nghĩa là các trường được ra đề thi riêng, thi chung, chấm thi, tuyển chọn sinh viên vào trường học phù hợp với khả năng tài chính, cơ sở vật chất và nguồn lực giáo viên thực tế của mình.
Năm 2014, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội thi tuyển, xét tuyển vào ĐH, CĐ (Ảnh minh họa) |
Từ trước đến nay, trong các kỳ thi tuyển sinh, xét tuyển ĐH, CĐ, nhiều trường không tuyển được đủ sinh viên theo vì “vướng” vào quy định điểm sàn do Bộ GD-ĐT đưa ra. Nhiều học sinh có điểm cao nổi bật ở 1 môn nhưng 2 môn còn lại không đạt tiêu chuẩn do tiêu chí điểm sàn của Bộ cũng không được tuyển chọn vào học. Vì thế mà trường ĐH, CĐ muốn lấy thí sinh này vào học cũng không được.
Với những lý do trên, khi nhận được thông tin các trường ĐH, CĐ sẽ được tự chủ tuyển sinh, nhiều cán bộ lãnh đạo ở các trường đã rất phấn khởi, đặc biệt là các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa hạy thậm chí là “phá sản” vì không có sinh viên học.
Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận quan tâm là khi Bộ GD-ĐT để cho các trường ĐH, CĐ được tự chủ tuyển sinh thì liệu có kiểm soát được hoạt động của các trường không và chất lượng giáo dục sẽ như thế nào?
Nghi ngại trên hoàn toàn có cơ sở khi mà bài học về quản lý hoạt động đào tạo hệ Tại chức, liên thông, văn bằng 2 ở các trường ĐH, CĐ vẫn còn đó. Cho đến nay, hệ lụy của thực trạng buông lỏng chất lượng đào tạo các hệ đào tạo trên vẫn là nỗi ám ảnh đối nhiều người khi mà trong thời gian gần đây, hàng loạt các tỉnh, thành phố “quay lưng” không chấp nhận tuyển chọn những người học các loại hình đào tạo này.
Hàng nghìn sinh viên sau vài ba năm ngồi trên giảng đường đại học đành phải “ngậm ngùi” không xin được việc làm. Điều này đã gây thất thoát lớn đến nguồn lực tài chính quốc gia và lãng phí tiền bạc của nhiều gia đình sinh viên.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến |
“Giáo dục là ngành đặc thù, ảnh hưởng rất lớn đến cả một thế hệ trong tương lai nên phải coi trọng tới chất lượng đào tạo con người. Giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ không có nghĩa là kinh doanh giáo dục”- ông Nhật Tiến nói.
Để thực hiện việc tự chủ tuyển sinh, Hội đồng, ban quản trị trường ĐH, CĐ phải kiểm soát được trách nhiệm và quyền hạn việc tự chủ của Hiệu trưởng trường đó thực thi. Bên cạnh đó, các trường phải làm tốt việc giải trình quá trình ra đề thi, chấm thi, xét tuyển với Bộ GD-ĐT và trước công chúng.
Ngoài trách nhiệm giải trình, ngành giáo dục phải làm tốt công tác kiểm soát các tiêu chí về nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, giáo viên của các trường ĐH, CĐ trước khi cho họ được tuyển sinh. Trong quá trình các trường hoạt động, Bộ hay các đơn vị có thẩm quyền quản lý cũng phải có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ. Trường nào vi phạm các tiêu chuẩn đã quy định thì phải bị xử lý, thậm chí là đình chỉ hoạt động.
Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập nêu ý kiến, để quản lý hoạt động của các trường, Bộ GD-ĐT không nên ôm đồm quản lý nhiều trường ĐH, CĐ mà chỉ nên quản lý những trường trọng điểm, còn những trường còn lại nên thành trường ngoài công lập và để cho các Hội đồng quản trị của các trường ĐH, CĐ ngoài công quản lý, chịu toàn bộ trách nhiệm hoạt động. Việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường phải gắn với trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân cụ thể, không thể chung chung. Trách nhiệm đó phải gắn bó mật thiết với quyền lợi của người học, vì nguồn nhân lực của quốc gia.
Không chỉ có các trường, ngành GD cũng phải có trách nhiệm
Đồng ý với những quan điểm trên, GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, giáo dục không thể đem ra kinh doanh mà phải lấy chất lượng đào tạo đặt lên hàng đầu. Trách nhiệm cam kết đảm bảo chất lượng không chỉ đứng từ phía các trường ĐH, CĐ mà Bộ GD-ĐT cũng phải tăng cường quản lý và chịu trách nhiệm trước xã hội nếu để cho những trường không đủ tiêu chí tự chủ mà vẫn cho thực hiện. Vì thế, cần quy định trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị một cách cụ thể.
Để tránh những tổn thất cho xã hội và về phía người học, Bộ phải cương quyết, không ngần ngại cho giải thể trường nào không đảm bảo chất lượng. Chúng ta chỉ nên để tồn tại những trường ĐH, CĐ chất lượng, vì nguồn lực xã hội, vì lợi ích của người học, chứ không thể để các trường tồn tại bằng mọi giá.
GS.TSKH Đào Trọng Thi |
Theo GS.TSKH Đào Trọng Thi, việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH phải dựa trên sự quản lý, năng lực, chất lượng hoạt động thực sự của các trường như thế nào. Như vậy là trường nào có chất lượng giáo dục tốt, khả năng tài chính thì sẽ được giao quyền tự chủ nhiều hơn và ngược lại.
Thực tế đã cho thấy, những trường không tuyển đủ thí sinh hoặc không có người học đã cho thấy, xã hội, người học không thừa nhận chất lượng giáo dục của họ. Bởi vậy, những trường này cần phải nghĩ tới việc phải tự đổi mới, cải tiến chất lượng. Nếu không họ tự bị sàng lọc một cách tự nhiên, chứ không cần các cơ quan quản lý về giáo dục phải giải quyết.
Hiện tại, chúng ta không thể đổ đồng giao quyền tự chủ cho các trường ngay cùng một lúc vì phải xem xét quá trình hoạt động cho các trường như thế nào. Có như thế thì các trường mới tự cạnh tranh để tồn tại và nâng cao chất lượng vì người học. Quá trình giao quyền tự chủ cho các trường phải có quá trình và sẽ không phải theo cơ chế xin-cho nữa.
Chất lượng của các trường ĐH sẽ được đánh giá thông qua việc kiểm định chất lượng. Hiện nay, Việt Nam có trên 400 trường ĐH, CĐ nên cần phải những cơ sở kiểm định chất lượng giáo dục ĐH độc lập, ngoài ngành Giáo dục. Các cơ sở này sẽ có những đánh giá toàn diện, khách quan về chất lượng của các trường. Như vậy, trường nào hoạt động tốt, được xã hội thừa nhận thì sẽ được giao quyền tự chủ nhiều.
Việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ nằm trong lộ trình Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam nói riêng và Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nói chung. Đây là sự thay đổi tác động lớn đến toàn thể xã hội, từng người học và nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai nên cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, để tránh vấp phải những sai lầm mà chúng ta đã vấp phải trong buông lỏng quản lý một số hệ đào tạo mà bị thị trường lao động “quay lưng”, để rồi thiệt hại và tổn thất lớn nhất là về thế hệ trẻ của đất nước./.