Tự nguyện hay ép buộc?

Năm học nào cũng vậy, cùng với niềm vui của trẻ trong ngày khai trường thì nhiều bậc cha mẹ lại méo mặt vì phải xoay xở lo đóng góp vô số các khoản thu “tự nguyện”...

Phụ huynh “chóng mặt” trước 1.001 khoản thu

Một phụ huynh có con học trường tiểu học H.D (quận Ba Đình) choáng váng cho biết: Năm nay con chị vào lớp 1, hơn nữa còn được vào lớp chất lượng cao của trường. Nhưng niềm vui chưa được trọn vẹn thì ngay buổi đầu đến trường, chị đã nhận được thông báo mỗi phụ huynh phải đóng một khoản tiền tới gần 7 triệu đồng. Chỉ tính riêng tiền học tiếng Anh cả năm đã mất tới 250 USD, còn lại là tiền mua bàn ghế mới cho giáo viên, học sinh, mua điều hòa, máy chiếu… “Việc trang bị mỗi lớp 1 một máy chiếu là quá xa xỉ, lãng phí, trong khi trước đây học ở đại học, cả trường cũng chỉ có vài ba máy chiếu” - vị phụ huynh này bức xúc. Chị băn khoăn, liệu việc trang bị các trang thiết bị tối tân đó có giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn không, hiệu quả học tập có cao không hay đó chỉ là “vỏ bọc” mang tên chất lượng cao?

Một phụ huynh có con học trường mầm non C.E (quận Long Biên) cho hay: Mặc dù đã học ở trường được 2 năm nhưng cứ vào đầu năm học chị lại phải đóng tiền trái tuyến tự nguyện, với mức đóng cũng được “ngầm” quy định từ lớp bé là 500.000 đồng, lớp nhỏ là 300.000 đồng. Trước khi vào năm học, các phụ huynh lớp con chị lại phải đóng tiền, chỉ tính riêng tiền điều hòa mỗi cháu phải đóng là 400.000 đồng. Chị nhẩm tính, một lớp có 60 cháu, như vậy, số tiền thu được để mua điều hòa sẽ vào khoảng 24 triệu đồng. Chưa hết, đóng tiền xong, con chị mới được hưởng điều hòa mát mẻ vài hôm thì lại phải chuyển sang một lớp học khác… không có điều hòa (?!). 

Bộ yêu cầu các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương tăng cường kiểm tra xử lý, chấm dứt tình trạng lạm thu trong các nhà trường, những khoản đã thu không hợp lý, trái quy định thì phải trả lại cho cha mẹ học sinh.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT)

Một phụ huynh khác có con vào lớp 1 kể: Lúc đóng tiền trái tuyến, nhân viên thu tiền niềm nở nói, đóng bao nhiêu là tùy phụ huynh, nhưng đến khi chị đưa 1 triệu đồng thì nhân viên thu tiền sầm mặt và không thu. Cực chẳng đã, chị đành hỏi ở trường mức đóng tự nguyện là bao nhiêu, thì chị này cho biết là 2 triệu đồng. Không đủ tiền đóng, chị đành tá hỏa đi vay tiền.

Một số phụ huynh có con học lớp 1, Trường tiểu học Ngọc Khánh (quận Ba Đình) cho biết: “Đầu năm học, ngoài những khoản thu theo đúng quy định thì còn phải đóng góp tự nguyện là 4 triệu đồng để con được học trong lớp học tương tác”.

Lý giải về khoản thu trên, bà Hoàng Thị Sinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngọc Khánh cho biết: “Chủ trương này hoàn toàn là sự tự nguyện và thỏa thuận của phụ huynh học sinh với mong muốn con em mình được tiếp cận môi trường học tập hiện đại, trang bị đầy đủ phương tiện dạy học hiện đại như máy vi tính, máy chiếu đa vật thể, máy điều hòa… Mức đóng 4 triệu đồng là do những phụ huynh có nguyện vọng tự tính toán với nhau rồi thống nhất mức đóng, chứ trường không đề ra”(!?)

Cần có quy định cụ thể…

Theo công văn của Sở GD - ĐT Hà Nội mới đây, ban giám hiệu các trường cần niêm yết công khai các khoản thu - chi tới từng cha mẹ học sinh; không thu gộp các khoản vào đầu năm học, để tránh gây những khó khăn cho cha mẹ học sinh. Riêng việc thu học phí có thể thu theo học kỳ hoặc theo từng tháng, tuỳ theo khả năng và nguyện vọng của cha mẹ học sinh. Đối với các khoản thu khác như: Quỹ Đoàn, Đội, quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp và các loại tiền bảo hiểm... do các tổ chức thu. Ngoài các khoản thu theo quy định, tuyệt đối không được đặt ra các khoản thu khác. Đơn vị, trường học nào tự ý đặt ra các khoản thu trái với quy định sẽ bị xử lý nghiêm khắc, đồng thời phải hoàn trả cho phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, những quy định trên của Sở dường như chỉ nằm trên giấy, trong khi các trường vẫn đua nhau vẽ ra các khoản thu tự nguyện để thu tiền của phụ huynh. Các khoản thu tự nguyện phải được sự đồng thuận của phụ huynh, nhưng liệu có thể không đóng các khoản tự nguyện này không khi chính phụ huynh được “gợi ý” là nên đóng bao nhiêu tiền tự nguyện? Thường họ chỉ bấm bụng đóng tiền cho xong, vì sợ rằng nếu lên tiếng thì con mình sẽ bị giáo viên “chú ý”. Mặt khác, liệu với nhiều khoản đóng góp như thế thì chất lượng có tương xứng hay không? 

Nhiều phụ huynh lo ngại, nếu tình trạng này trở thành luật bất thành văn và núp dưới bóng những khoản thu hợp lý thì e rằng, càng ngày càng đẻ ra nhiều khoản tự nguyện hơn. Vì vậy, nên có một quy định rõ về vấn đề thu phí dịch vụ, tạo điều kiện cho các trường hoạt động một cách quy củ, công khai hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên