Tuyển sinh vào lớp 6 và lớp 10 của Hà Nội năm 2018 có gì mới?
VOV.VN-Trong tuyển sinh vào lớp 6, Hà Nội sẽ khảo sát để có phương án phù hợp nhất. Còn thi vào lớp 10 trong những năm tới, học sinh có thể thi thêm môn tổ hợp.
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Theo đó, Bộ dự kiến cho phép một số trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 có số lượng học sinh đông hơn dự kiến theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực, thay vì cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức như hiện nay.
Tháng 3/2018, Hà Nội sẽ có phương án tuyển sinh vào lớp 6 (ảnh minh họa) |
Tháng 3/2018 sẽ có phương án tuyển sinh vào lớp 6
Là thành phố có nhiều trường ngoài công lập có lượng học sinh đăng ký tuyển sinh lớn hơn chỉ tiêu, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, tháng 3/2018, Hà Nội sẽ công bố phương án thi tuyển sinh vào lớp 6 ở những trường này. Nếu Bộ GD-ĐT cho áp dụng việc đánh giá năng lực ở một số trường, Sở sẽ khảo sát, đánh giá để có phương án phù hợp nhất.
Việc Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo cho phép một số trường có số học sinh đăng ký vượt quá so với chỉ tiêu được tổ chức đánh giá năng lực là phù hợp. Với quan niệm học- thi, nhiều người cho là quá tải. Tuy nhiên, nếu học mà không tổ chức thi sẽ kém hiệu quả. Khi một trường có số lượng học sinh đăng ký vượt quá so với chỉ tiêu, bản thân các trường cần lên các phương án để kiểm tra, xét tuyển.
Trước vấn đề cho phép một số trường được tổ chức thi đánh giá năng lực vào lớp 6 sẽ dẫn đến tình trạng luyện thi, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, hiện các trung tâm dạy và học ở Hà Nội vẫn diễn ra bình thường, kể cả có tổ chức thi đánh giá năng lực hay không bởi nhu cầu học là có thật. Đó cũng là nguyện vọng của phụ huynh học sinh nên không phải vì như thế mà các trung tâm luyện thi nhiều hơn. Cũng có thể có trường hợp các trung tâm luyện thi sẽ nhiều hơn bởi khi có phương án thi, người ta sẽ hay học theo để thi.
Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội |
Đề cập đến việc hiện một số trường có kiểm tra Ngoại ngữ trong khi quy định, học sinh tiểu học không được khảo sát. Ông Đại khẳng định, cấp Tiểu học không được thi cử, khảo sát gì cả, chỉ được xét tuyển. Theo đó, căn cứ nhu cầu của trường để nhà trường có cách này hoặc cách khác để xét tuyển, còn Sở không thể áp đặt.
Hà Nội có thể thi môn tổ hợp vào lớp 10 THPT
Xung quanh vấn đề tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019, ông Phạm Văn Đại khẳng định, trong năm 2018, Hà Nội vẫn duy trì việc tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên như các mùa thi trước
Theo đó, việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ bằng hình thức thi kết hợp với xét tuyển học bạ. Thành phố tổ chức một kỳ thi chung với hai môn thi Ngữ văn và Toán. Học sinh có nguyện vọng thi vào lớp chuyên của 4 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An, Sơn Tây thi thêm môn Ngoại ngữ và các môn chuyên.
Hà Nội có thể thi môn tổ hợp vào lớp 10 THPT thay vì thi Ngoại ngữ (ảnh minh họa)
Năm học tới, học sinh Hà Nội tuyển sinh vào lớp 10 dự kiến tăng khoảng 21.000 em. Vì thế, ngành GD-ĐT thủ đô đang lên các phương án để đảm bảo 62% học sinh được học trường công lập.
Dự kiến năm tới, sĩ số lớp học sẽ tăng bằng với quy định chung là 45 học sinh/lớp thay vì trước kia chỉ khoảng 40 em. Mặt khác, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở GD-ĐT Hà Nội rà soát quy hoạch mạng lưới các trường học để xây dựng cơ sở mới, đảm bảo nhu cầu học tập của học sinh. Điều này, Sở khẳng định có thể làm được.
Trao đổi về việc có thông tin Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổ chức thi thêm môn Ngoại ngữ vào lớp 10 THPT ngoài 2 môn Ngữ Văn và Toán, ông Phạm Văn Đại cho biết đó là thông tin sai sự thật.
“Đề xuất có thêm môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đang được Sở GD-ĐT Hà Nội nghiên cứu, khảo sát cho tuyển sinh những năm tiếp theo.
Nhưng cũng có thể, môn thi thứ 3 không phải là Ngoại ngữ mà là môn học khác hoặc có thể sẽ thi nhiều môn hoặc thi môn Tổ hợp để hướng tới việc thúc đẩy học tập toàn diện, hạn chế việc học sinh tập trung vào các môn chính chỉ để thi. Bất cứ sự thay đổi nào cũng sẽ được thông báo sớm để học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh chủ động. Hà Nội sẽ phải tính toán và thực hiện rất cẩn thận nên không thể vội vàng được”, ông Phạm Văn Đại nhấn mạnh.
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Theo đó, Bộ dự kiến cho phép một số trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực, thay vì cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức như hiện nay.
Theo các trường THCS, việc tuyển sinh dựa trên học bạ có thể không chính xác. Điều đó được thể hiện khi việc kiểm tra kiến thức đầu năm học lớp 6, nhiều học sinh có học bạ đẹp nhưng kiến thức thực sự không như vậy. Mặt khác, có một số trường lại cho rằng, việc đánh giá kết quả học ở các trường Tiểu học rất khác nhau. Vì vậy, với việc bổ sung quy định trên, lãnh đạo nhiều trường THCS đã bày tỏ vui mừng vì có thể chọn lựa được học sinh giỏi vào trường.
Tuy nhiên, cách thức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh như thế nào để hạn chế tình trạng “học thêm, dạy thêm” tràn lan và các trường THCS có số lượng thí sinh đăng ký đông vẫn tuyển chọn được học sinh một cách khoa học, thực chất lại là điều mà ngành Giáo dục và các trường vẫn còn đang loay hoay tìm lời giải.