Tỷ lệ “chọi” vào chuyên cao, phụ huynh và học sinh “căng như dây đàn“
VOV.VN- Để tham dự kỳ thi vào lớp 10 trường chuyên, nhiều phụ huynh và học sinh phải "căng như dây đàn" từ nhiều năm nay vì áp lực học tập, đưa đón.
Để có một suất vào lớp 10 các trường THPT chuyên ở Hà Nội, học sinh phải cạnh tranh rất quyết liệt. Năm nay, nhiều ngành học của các trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, ĐH Sư phạm Hà Nội, tỷ lệ "chọi" dao động từ 1/14 đến 1/16.
Tỷ lệ "chọi" thực tế còn cao hơn
Thống kê của trường THPT chuyên Ngoại ngữ có 4.476 thí sinh đăng ký dự thi, trong khi trường chỉ có 339 chỉ tiêu vào các lớp tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc (hệ không chuyên có 320 chỉ tiêu). Như vậy, tỷ lệ "chọi" vào trường là 1/14.
Dưới cái nắng từ 38-40 độ C, nhiều học sinh căng thẳng tham dự vào lớp 10 trường THPT chuyên Ngoại ngữ. |
Năm nay, số thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 của trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội là 5.045, giảm hơn 2.300 so với năm ngoái. Năm nay, nhà trường tuyển 350 chỉ tiêu hệ chuyên và 180 em hệ cận chuyên.
Như vậy, tỉ lệ "chọi" vào trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội là 1/9,6. Nếu tính riêng hệ chuyên, tỷ lệ này lên tới 1/14,5, tức là một thí sinh phải cạnh tranh với 14 em. Trường còn dành không quá 10% chỉ tiêu vào các lớp chuyên để tuyển thẳng học sinh có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập ở bậc THCS. Điều này khiến tỷ lệ "chọi" thực tế cao hơn.
Chỉ một địa điểm thi tại trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, hàng trăm phụ huynh đứng đợi con thi trong niềm hy vọng các cháu sẽ làm bài tốt.
|
Tuy nhiên, có một bất cập đáng quan tâm là do những trường THPT chuyên trên tuyển sinh vào lớp 10 phổ rộng là học sinh tốt nghiệp THCS ở trên phạm vi toàn quốc nên chỉ trong có 4 ngày thi (26-29/5), hàng nghìn học sinh và phụ huynh từ khắp các tỉnh, thành đã đổ dồn lên Hà Nội.
Lên Hà Nội thi chỉ để trải nghiệm
Từ huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, anh Phạm Quang Liêm đưa con trai và cháu lên Hà Nội thi vào lớp 10 ở cả 2 trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên và trường chuyên THPT ĐH Sư phạm Hà Nội từ 1 tuần nay.
Con trai và cháu của anh Phạm Quang Liêm đã ở nhà nghỉ 1 tuần nay để thi vào 2 trường chuyên của Hà Nội. |
Để có chỗ ngủ ổn định, anh Quang Liêm phải thuê nhà nghỉ với giá 400.000 đồng/ngày (chưa kể tiền ăn uống hàng ngày). Thế nhưng, điều anh quan tâm nhất là phải giữ gìn sức khỏe và đảm bảo việc ăn uống sạch sẽ, ngủ nghỉ khoa học cho các cháu.
Mặc dù học lực của 2 cháu chỉ ở mức khá và đã đăng ký vào trường THPT chuyên ở Thái Bình nhưng anh Liêm vẫn vượt hàng trăm km đưa con và cháu lên Hà Nội dự thi với hy vọng có thêm cơ hội đỗ lớp 10 trường chuyên ở thành phố.
Không hề biết về tỷ lệ "chọi" vào từng ngành học của các trường chuyên của Hà Nội nhưng theo anh Liêm, điều đó không quan trọng bằng việc để các cháu được cọ sát, trải nghiệm ở môi trường thi vào trường chuyên ở Hà Nội.
Khi được hỏi về quyết định lên Hà Nội dự thi vào 2 trường chuyên, con trai và cháu của anh Quang Liêm đều bảy tỏ mong muốn được giao lưu, tìm hiểu về cách học tập, ôn luyện của các bạn ở thủ đô.
Tuy nhiên, trong 1 tuần lên Hà Nội, cả 2 em đã thấy mệt mỏi về áp lực thời gian khi thi 2 trường chuyên liền nhau.
Anh Nguyễn Sĩ Trung |
Cũng giống như trường hợp của anh Phạm Quang Liêm, mặc dù đã đăng ký vào 2 trường chuyên ở tỉnh Phú Thọ nhưng anh Nguyễn Sĩ Trung vẫn cho con lên Hà Nội dự thi vào lớp 10 trường THPT chuyên ĐH Sư phạm.
Biết sức học của con chỉ ở mức khá và tỷ lệ chọi vào các ngành của trường rất cao nhưng anh Trung vẫn quyết đưa con ra thủ đô thi với mong muốn được cọ sát và trải nghiệm cách thi vào trường chuyên ở đây.
Ra Hà Nội từ hôm 27/5 và may mắn được ở nhà người quen nhưng phải tự đi mua thức ăn về nấu cho con ăn, anh Trung cảm thấy rất thế là đã may mắn, mong cháu sẽ đỗ vào một trường chuyên ở thủ đô.
Áp lực đè nặng để có được “tấm vé” vào lớp 10 trường chuyên
Cũng đưa con đi thi trong dịp này, anh Nguyễn Văn Thanh ở xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội cảm thấy việc đưa đón cháu đi thi khá căng thẳng, mệt mỏi là vì nhiều tuyến phố dẫn đến địa điểm thi luôn bị tắc nghẽn.
Anh Nguyễn Văn Thanh |
Không chỉ có riêng con anh đăng ký thi 3 trường chuyên mà có hàng trăm học sinh khác cũng đăng ký như vậy nên áp lực để có được “tấm vé” vào lớp 10 trường chuyên đè nặng lên cả học sinh và phụ huynh.
Anh Thanh cho biết, tỷ lệ chọi của các trường chuyên cao chóng mặt nhưng nhiều học sinh chỉ có lực học Trung bình khá đến Khá cũng đăng ký thi. Nhiều phụ huynh từ các tỉnh, thành khác như Hà Giang, Sơn La, Thái Nguyên cũng đưa con lên Hà Nội thi.
Điều đặc biệt là phụ huynh cũng chiều theo nguyện vọng của con mà không quan tâm đến sức học, năng lực của con có phù hợp để học ở trình độ cao như thế nào. Điều này vô tình đã tạo nên áp lực học tập, ôn luyện, thi cử rất lớn cho các cháu.
Thấm thía được sự vất vả, mệt mỏi khi đưa con đi thi, anh Nguyễn Văn Thanh cho rằng, phụ huynh không nên chạy đua cho con thi vào trường chuyên lớp chọn mà hãy xem thực lực sức học của con mình như thế nào rồi hãy đăng ký.
"Không đi học thêm, khó mà đỗ chuyên"
Chị Lê Hoài Tú, ở Hà Đông, Hà Nội cho biết, vì đề thi mỗi năm một khác, độ khó và yêu cầu kiến thức toàn diện đối với học sinh càng cao nên để con có kết quả tốt khi thi vào trường chuyên, con chị phải đi học thêm là chính.
Năm nay, thi vào lớp 10 có 4 môn cộng với 1 môn thi chuyên là Hóa học nên hầu hết con chị Tú phải học thêm 2 buổi/môn/tuần. Vì phải học thêm nhiều môn nên lịch học của con đã kín hết tuần.
Chị Lê Hoài Tú |
Ngoài cách thức học theo nhóm khoảng 5 người và mời cô giáo đến giảng dạy, có môn chị phải đưa con đi đến nhà thầy cô giáo, rồi lại chờ đợi hay đi đâu đó trong 2 tiếng rồi mới quay lại đón con. Việc lo lắng cho con học như thế này đã diễn ra từ cuối năm lớp 8 cho đến nay.
Cũng trong tình trạng lo lắng cho con vừa thi vào lớp 10 các trường công lập và trường chuyên, chị Đỗ Minh Hòa, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng phải cho con học thêm các môn thi và tìm thầy cô giáo phù hợp để con dễ hiểu bài và hứng thú với học tập.
Tuy nhiên, có nhà của thầy cô ở xa nhà từ 4-5 km nên hôm nào có thời gian thì vợ chồng chị có thể thay phiên nhau đưa đón. Còn hôm nào bận rộn, chị phải thuê lái xe ôm đưa con đi và đón về. Cả tiền học và tiền xe đi lại, mỗi buổi học trung bình từ 200.000 đồng/buổi. Tính ra, chỉ tính riêng tiền học thêm cho cháu đi ôn thi, gia đình chị phải chi trả từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Áp lực học tập, thi cử liên tiếp với học sinh
Câu chuyện ôn thi vào lớp 10 không chỉ gây lo lắng cho phụ huynh mà ngay cả học sinh cũng thấy áp lực và căng thẳng.
Có bố đi làm xa nhà, mẹ lại lên Hà Nội công tác nên năm lớp 9 này, Nguyễn Phương Thảo, quê ở Thái Bình chủ yếu sống cùng ông bà nội. Mặc dù được ông bà nấu ăn cho nhưng việc học hành và chăm sóc bản thân, Phương Thảo đều tự túc hết.
Để đỗ vào lớp 10 trường chuyên, nhiều học sinh đã phải căng thẳng học tập, ôn luyện (ảnh minh họa) |
Mong muốn đỗ vào khoa Toán của trường chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội nên ngoài việc tự ôn tập thì hàng ngày, Thảo vẫn đạp xe đi học thêm vào buổi chiều và tối. Lịch học của em đã kín hết tuần ngay từ đầu năm học lớp 9 cho đến nay nên chẳng có thời gian nào nghĩ đến đi chơi vào dịp cuối tuần.
Không chỉ căng thẳng trong học tập, ôn luyện, học thêm nhiều môn cho kỳ thi vào lớp 10 công lập và vào các trường chuyên, các em học sinh còn bị áp lực rất lớn khi đến Hà Nội dự thi.
Năm nay, Nguyễn Tùng Lâm, ở Thái Bình đăng ký 2 trường chuyên Khoa học tự nhiên và ĐH Sư phạm Hà Nội nên em chưa quen với việc ăn uống, lên thành phố có nhiều người; xung quanh địa điểm thi, nhiều phố bị tắc nghẽn giao thông.
Điều đặc biệt hơn là em cảm thấy khá căng thẳng khi thời gian thi vào 2 trường chuyên sát gần nhau, không có thời gian cho em nghỉ ngơi.
Có thể nói, để tham dự kỳ thi vào lớp 10 trường chuyên, nhiều phụ huynh và học sinh phải "căng như dây đàn" từ nhiều năm nay vì áp lực học tập, đưa đón./.