Việt Nam sẽ tiếp cận giáo dục khai phóng thế nào?

VOV.VN - "Sản phầm" của giáo dục khai phóng sẽ là những con người đa tài, có nền tảng kiến thức rộng, tự do làm những gì mà mình mong muốn. 

Tại hội thảo về giáo dục khai phóng (Liberal Arts Education) nhằm tìm hướng đi mới cho giáo dục đại học Việt Nam, do Đại học Fulbright Việt Nam và Đại học Việt Nhật (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức mới đây, các chuyên gia giáo dục đã trao đổi về vấn đề này.

Du học Mỹ thực chất đã là chấp nhận giáo dục khai phóng?

Bà  Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, hiện rất nhiều phụ huynh cho con em sang du học tại Mỹ, mà không biết rằng khi học tại quốc gia này, đồng nghĩa với việc đang theo đuổi giáo dục khai phóng.

Bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam. (Ảnh: Vietnamnet)

Giáo dục khai phóng không chỉ giới hạn với những nghề mang tính nghệ thuật, mà còn rất hữu dụng với những ngành tự nhiên, bởi sản phẩm của cách giáo dục này sẽ là những con người hành nghề tự do, trở thành những con người tự do, làm những gì mà mình mong muốn. 

“Vấn đề của giáo dục khai phóng không phải là học môn gì mà là học như thế nào. Đây cũng là đặc trưng quan trọng nhất của giáo dục khai phóng. Điều này giúp các em có thể học liên tục cả đời thay vì dừng lại ở việc học một số môn trong trường”, bà Thủy nói.

Kể về câu chuyện thực tế, bà Thủy cho biết, bà đã có một người bạn luôn mơ ước trở thành kiến trúc sư khi đang làm công việc của một nha sỹ với mức lương cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, người bạn đó của bà đã lựa chọn trở thành nha sỹ  vì cha mẹ muốn vậy.

Từ những quan sát thực tế, bà Đàm Bích Thủy cho rằng: “Khi 17-18 tuổi,  nhiều em chưa biết mình thích gì. Vì vậy buộc phải lực chọn nghề nghiệp, thì sau này rất nhiều em nuối tiếc. Giáo dục phải giúp các em sau này không phải nói từ “giá như” trong vòng 10-15 năm sau”.

Còn theo GS. TS Lâm Quang Thiệp, Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học cho biết, ngay từ đầu thế kỷ 20, con người dần nhận thấy có những điều thực sự cần thiết ngoài kiến thức, ví dụ như kỹ năng mềm…  cần được đưa vào các chương trình đại học.

“Xã hội hiện nay với công nghệ số hóa, thì vòng đời của mọi nghề nghiệp không ổn định, vòng đời khoa học công nghệ rất ngắn, nếu học chuyên môn hẹp thì tới khi ra trường ngành nghề đó rất dễ đã bị thay đổi. Vì vậy, nếu sinh viên được trang bị kiến thức rộng, trang bị năng lực tư duy, năng lực diễn đạt ... thì sẽ thành công hơn trong cuộc đời”, GS Thiệp nói.

Tuy vậy, GS.TS Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật (VJU), ngay cả ở Nhật cũng còn rất nhiều lãnh đạo đang nghi ngờ về giáo dục khai phóng.

Ông Furuta Motoo cho rằng để đánh giá hiệu quả của lối giáo dục này không phải dễ dàng. Từ thực tế, chuyên gia này nhận thấy rằng có những nhân viên học theo các chuyên ngành hẹp, sẽ được đánh giá cao lúc ban đầu hơn những người được đào tạo cơ bản. Tuy nhiên, đến 10 - 15 năm sau, khi đã trở thành những nhân viên chủ chốt, thì những người có tầm nhìn rộng của giáo dục khai phóng sẽ phát triển tốt hơn, mang lại nhiều giá trị hơn.

Một trường hợp điển hình cũng được bà Đàm Bích Thủy đưa ra như một minh chứng cho hiệu quả to lớn của giáo dục khai phóng là ông chủ Facebook Mark Zuckerburg. Thực tế, Mark Zuckerburg đã học chuyên ngành Tâm lý tại Đại học Harvard chứ không phải khoa học máy tính. Mark luôn nói rằng môn tâm lý đã giúp anh hiểu về tâm lý người tiêu dùng. Chính môn tâm lý đã giúp anh nhiều hơn trong việc lập ra mạng xã hội có sức lan tỏa toàn cầu như hiện nay hơn là khoa học về máy tính.

Từng học tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ), Ngô Thùy Ngọc Tú, người đồng sáng lập học viện Yola chia sẻ khi tham gia lớp học của Liberal Arts, bài học đầu tiên của cô là ý nghĩa của cuộc sống và cái chết. Khi được nhận chủ đề đó, cô đã phải đọc rất nhiều sách từ khoa học tự nhiên, y học, sinh học, đến những sách về tâm lý, triết học, nhân văn, tôn giáo…

Cần xây dựng lại chương trình đào tạo?

GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá cao mô hình giáo dục khai phóng. Ông Minh cho rằng, khác với cách đào tạo chuyên sâu như của Liên Xô (cũ),  Liberal Arts cung cấp cho người học những kiến thức toàn diện, cơ bản, các kỹ năng cần thiết để người học sau khi ra trường có thể thích ứng với thị trường lao động đầy biến động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng, các trường đại học không cần thiết phải xây dựng một chương trình mới dạy theo phương thức này, bởi khi áp dụng ở Việt Nam vẫn rất khó và không cần thiết. Thay vào đó, theo GS Phạm Quang Minh các trường đại học hiện nay cần thay đổi lại phương thức giáo dục hiện tại, xây dựng lại các chuyên ngành đơn điệu như hiện nay. 

GS.TS  Phạm Quanh Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. 

Đơn cử như với ngành Lịch sử: “Thay vì dùng 120 tín chỉ dạy các môn liên quan đến Lịch sử như hiện nay, ta chỉ cần lấy 70-80 tín chỉ Lịch sử, số còn lại, có thể cho sinh viên học thêm về các kiến thức khác như ngoại ngữ, thậm chí kinh tế...”

Ngoài ra Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng cho rằng, Việt Nam là trường hợp hiếm có đưa môn giáo dục thể chất vào đào tạo trong chương trình đại học khi đáng ra việc rèn luyện thân thể phải được tự thân thực hiện bởi mỗi cá nhân. Các trường cũng phải dành quá nhiều thời gian cho 3 học phần Giáo dục quốc phòng,  Giáo dục thể chất, Lý luận, chiếm đến gần 1 năm đào tạo cử nhân. Đặc biệt, với các môn lý luận hiện nay cần thay đổi cách dạy sao cho phù hợp với tâm lý người học, trách kiểu dạy khô cứng. “Nếu không thay đổi cách dạy các môn về lý luận, chính trị, sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn”.

Trước tiên người thầy phải khai phóng

Bàn luận về giáo dục khai phóng, TS Giáp Văn Dương, người sáng lập Giapschool cho rằng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 xuất hiện và đang yêu cầu lực lượng lao động có nhiều kỹ năng. Do đó, giáo dục khai phóng có cơ hội phát triển.

Song bên cạnh đó, TS Dương đặc biệt lưu ý muốn làm giáo dục khai phóng, trước tiên phải có người thầy khai phóng. Tuy nhiên, hiện nay các giảng viên thường chỉ dạy một môn, không có trải nghiệm nhiều ngành nghề khác nhau. Do đó, ông Dương đặt ra câu hỏi lớn về người thầy trong giáo dục khai phóng nếu triển khai ở Việt Nam.

Ngoài ra, TS Giáp Văn Dương cũng bày tỏ sự thất vọng về giáo dục theo tín chỉ của các trường đại học hiện nay, khi không phát huy được sự chủ động của người học, vẫn chỉ là bình mới rượu cũ./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ Giáo dục lên tiếng về cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học
Bộ Giáo dục lên tiếng về cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học

VOV.VN -Bộ GD-ĐT sẽ cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học trên cơ sở xem xét lại số lượng sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở các trường…

Bộ Giáo dục lên tiếng về cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học

Bộ Giáo dục lên tiếng về cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học

VOV.VN -Bộ GD-ĐT sẽ cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học trên cơ sở xem xét lại số lượng sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở các trường…

Tăng cường kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học
Tăng cường kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học

VOV.VN - Dự thảo Thông tư Quy định về Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế

Tăng cường kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học

Tăng cường kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học

VOV.VN - Dự thảo Thông tư Quy định về Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế

Bộ trưởng GD-ĐT đưa ra 5 nhóm giải pháp cấu trúc lại giáo dục đại học
Bộ trưởng GD-ĐT đưa ra 5 nhóm giải pháp cấu trúc lại giáo dục đại học

VOV.VN - Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, những yếu kém của chất lượng giáo dục đại học bộc lộ ngày càng rõ khiến xã hội lo ngại và bức xúc.

Bộ trưởng GD-ĐT đưa ra 5 nhóm giải pháp cấu trúc lại giáo dục đại học

Bộ trưởng GD-ĐT đưa ra 5 nhóm giải pháp cấu trúc lại giáo dục đại học

VOV.VN - Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, những yếu kém của chất lượng giáo dục đại học bộc lộ ngày càng rõ khiến xã hội lo ngại và bức xúc.