Viết tiếp câu chuyện về Petrolimex

Câu chuyện Petrolimex dễ dàng “qua mặt” liên bộ, liên tục kêu lỗ kể cả khi giá xăng dầu trên thế giới giảm mạnh để được tăng giá thực sự “nóng” trên diễn đàn báo chí tuần qua.

Đặc biệt, năm 2009- thời điểm người dân vừa trải qua năm 2008 vô cùng khó khăn, kinh tế thế giới suy thoái, còn trong nước giá cả tăng phi mã. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2008 tăng so với năm 2007 là 22,97%. Đời sống nhân dân chồng chất khó khăn, Chính phủ thì tìm mọi cách để thực hiện các biện pháp an sinh xã hội. Thì cũng lại chính là năm liên bộ cho phép điều chỉnh giá xăng dầu nhiều lần nhất (tính đến nay). Với 11 lần điều chỉnh, trong đó có tới 9 lần tăng giá với mức tăng kỷ lục (48,2%) và chỉ 2 lần giảm giá.

Năm 2008 là một trong những năm giá dầu thô tăng cao và biến động khôn lường, đỉnh điểm của năm này là giá xăng dầu trong nước tăng đến 30% vào giữa tháng 7. Để kiềm chế lạm phát, không cho tăng giá xăng dầu, Nhà nước dù thắt lưng buộc bụng vẫn phải chi hàng nghìn tỉ đồng bù lỗ dầu và hỗ trợ mặt hàng xăng.

Câu chuyện lại chẳng có gì đáng bàn và dư luận có lẽ vẫn tin rằng, lâu nay các đầu mối kinh doanh xăng dầu bị lỗ vì giá trong nước phải kềm giữ, để “đảm bảo an sinh xã hội” thì nay với công bố lãi “khủng” tới 2.660 tỷ đồng năm 2009; 913,73 tỷ đồng năm 2008; 81,1 tỷ đồng năm 2010… khiến cho nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.

Trên các diễn đàn báo chí, người dân bày tỏ bức xúc vì bị doanh nghiệp "lừa" và cho rằng Petrolimex đã không sòng phẳng khi gần như là đơn vị độc quyền (chiếm tới trên 60% thị phần) cung cấp xăng dầu, đã “ăn lãi” vẫn kêu lỗ để hưởng khoản hỗ trợ từ Nhà nước- thực chất là tiền thuế do dân đóng góp.

Bên cạnh đó, nhiều độc giả gửi thư tới VOVOnline bày tỏ rất không đồng tình với cách “làm ăn” của Tổ giám sát Liên bộ Tài chính - Công Thương trong vấn đề này. Nhiều câu hỏi được độc giả đặt ra:

Độc giả Thanh Hải- haithanh_bct@yahoo.com viết:Trên mặt báo, liên tục thấy các tập đoàn kinh tế của nhà nước kêu lỗ mà toàn lỗ khủng. Liên bộ cũng thật hay, khi ăn lương để làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về mặt hàng hóa, giá cả hàng hóa, bảo vệ quyền hợp pháp của người tiêu dùng, bảo vệ quyền kiểm soát thực thi của nhà nước đối với giá cả thị trường nhưng không làm tròn chức trách. Có hai dấu hỏi lớn đặt ra là: Liên bộ chịu trách nhiệm như thế nào khi bị Petrolimex qua mặt một cách đáng xấu hổ như vậy? Thứ 2 là số tiền lãi đến 2.660 tỷ đồng từ việc "làm xiếc" của Petrolimex năm 2009 sẽ được xử lý như thế nào?

Độc giả Bình Bình- b2nx@gmail.com: “Các tập đoàn Nhà nước khi kêu lỗ vẫn được Nhà nước hỗ trợ bù lỗ vì phải kềm giữ giá vì mục đích "an sinh xã hội". Nay kiểm toán công bố lãi liệu số tiền bù lỗ đó có phải hoàn lại?

Thậm trí, có độc giả đặt câu hỏi nghi ngờ về sự trung thực của Petrolimex: Độc giả Cao Tay- caotay_ptr@yahoo.com: “Trên thực tế, có lẽ Petrolimex chưa nhận được tiền hứa bù lỗ của Nhà nước. Nay vì mục đích bán cổ phiếu, Petrolimex đã cân nhắc lợi ích giữa việc chọn báo cáo lỗ thực hay lãi thực. Chắc xét về lâu dài, việc bán cổ phiếu quan trọng hơn là việc báo lỗ để nhận tiền bù lỗ từ Nhà nước nên Petrolimex công bố lãi?”

Độc giả Hùng Râu- dautu_ck@gmail.com yêu cầu: “Để làm rõ vấn đề này, việc cần làm là kiểm toán của bên chứng khoán phải vào cuộc và truy trách nhiệm rõ kết quả kiểm toán để cổ đông có ý định đầu tư yên tâm”.

Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế - Viện nghiên cứu phát triển Xã hội -  Kinh tế Hà Nội cho rằng: “Petrolimex bỗng dưng báo lãi khủng có thể vì Petrolimex sắp bán cổ phiếu. Khi lên sàn, một doanh nghiệp không thể báo cáo là kinh doanh lỗ lớn, không ai muốn bán cổ phiếu của mình mà lại kêu thua lỗ”.

TS Phong nhận định, việc thay đổi doanh thu 100% như vậy có thể Petrolimex dùng mẹo kế toán, mẹo về nghiệp vụ khác tạo ra bức tranh lãi suất đẹp.

Về trách nhiệm trung thực của Petrolimex trong bản báo cáo tài chính, theo TS Phong, có thể Petrolimex nói dối nhưng khó xử phạt. Trong trường hợp kiểm toán thực sự là lỗ, vẫn chưa có chế tài phạt tội nói dối với Petrolimex. Nếu kiểm toán lỗ thực, người mua cổ phiếu phải chịu. Việc mua cổ phiếu Petrolimex hay không do người mua tự nguyện xem xét. Nếu cảm thấy là lãi thật người mua sẽ mua nhiều, lãi ít mua ít. Điều này do thị trường quy định.

Vấn đề họ báo lãi, Nhà nước nên xem xét lại xem lãi đó là đúng hay sai. Nếu lãi đúng, Petrolimex cần phải hạ giá xăng dầu để người dân đỡ khổ, có thể bình ổn thị trường hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên