Vụ gian lận điểm ở Hà Giang: Nên thay đổi quy trình chấm thi
VOV.VN -Qua vụ sai phạm trong chấm thi ở Hà Giang, Bộ GD-ĐT phải xem xét lại và hoàn chỉnh công nghệ tổ chức thi như bài thi phải được dọc phách.
Ngay sau khi biết điểm thi THPT Quốc gia năm 2018, trên mạng xã hội hiện xuất hiện những thông tin đặt ra nghi vấn về điểm thi bất thường ở nhiều môn học tại Hà Giang. Để làm sáng tỏ vụ việc này, Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và đã phát hiện ra có gian lận trong công đoạn chấm thi.
Cán bộ có thể chịu áp lực từ lãnh đạo cấp trên
Theo đó, kết quả chấm thẩm định cho thấy, có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Đặc biệt, có hàng trăm bài thi bị chấm chênh từ 8 điểm trở lên.
Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT nhận định, kỳ thi THPT Quốc gia (2 trong 1) với mục đích vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa lấy làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ đã tạo áp rất lớn để có người phải thực hiện hành vi gian lận.
Một cán bộ giáo dục ở Hà Giang có thể chịu nhiều áp về đồng tiền hoặc áp lực từ lãnh đạo về thành tích học tập ở địa phương nên mới có hành động gian lận táo tợn đến thế.
Vụ việc này cần phải tiếp tục được điều tra, làm rõ một sâu rộng và không khoan dung thì mới có thể lấy lại được niềm tin của nhân dân vào sự phát triển giáo dục và thi cử.
TS Hoàng Ngọc Vinh
Bài thi phải được dọc phách
Vụ việc sai phạm trong chấm thi ở Hà Giang cũng khiến Bộ GD-ĐT phải xem xét lại và hoàn chỉnh công nghệ tổ chức thi.
TS Hoàng Ngọc Vinh nêu ví dụ như bài thi trắc nghiệm phải được dọc phách để những giáo viên khi quét bài thi không thể biết được số báo danh và số phách của thí sinh. Điều này cũng hạn chế được việc nhân viên hay cán bộ quản lý giáo dục bị ép từ cấp trên xuống khi có sự nhờ vả, yêu cầu gian lận trong khi tẩy xóa dữ liệu bài thi của thí sinh.
Ngoài ra, tại các Hội đồng chấm thi cần tăng cường sử dụng camera giám sát 24/24h các hành vi của cán bộ làm công tác thi cũng quá trình chấm bài của thí sinh.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu lại kỳ thi “2 trong 1”. Ví dụ như việc thi và công nhận tốt nghiệp THPT Quốc gia nên được giao về địa phương tổ chức. Bộ GD-ĐT có thể cung cấp bộ đề thi chuẩn để các địa phương tổ chức thi ở những thời điểm khác nhau. Còn Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện việc giám sát việc tổ chức và công nhận tốt nghiệp THPT cũng như đối chiếu, so sánh chất lượng học sinh ở các địa phương sau khi có kết quả thi.
Còn việc chọn lọc thí sinh phù hợp với ngành nghề nào thì nên giao cho các trường ĐH, CĐ thực hiện tuyển chọn. Luật Giáo dục ĐH cũng đã cho phép các trường được tự chủ trong tuyển sinh nên họ có thể tự lựa chọn phương thức lấy kết quả thi THPT để xét tuyển hoặc có thể tổ chức thi riêng./.
Kết luận thẩm tra bài thi THPT Quốc gia 2018 ở Hà Giang cho thấy, có 102 bài thi Toán đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm).
Có 85 bài thi Vật lý đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 8,75 điểm);
Có 56 bài thi Hóa đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 0,75; điểm đã công bố là 9,5 điểm); Có 08 bài thi Sinh đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 4,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 4,75; điểm đã công bố là 9,0 điểm);
Có 09 bài thi Lịch sử đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 2,5; điểm đã công bố là 9,75 điểm);
Có 03 bài thi Địa lí đã chênh lên từ 1,25 điểm đến 3,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 6,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm);
Có 52 bài thi tiếng Anh đã chênh lên từ 1,4 điểm đến 7,8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,2; điểm đã công bố là 9,0 điểm);
Có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Qua chấm thẩm định cũng cho thấy một số bài thi có điểm tăng hơn so với điểm đã công bố từ 0,2 đến 1,0 điểm. Cá biệt có 3 bài thi môn GDCD có điểm chấm thẩm định tăng hơn 5,75 điểm so với điểm đã công bố.
Nhiều thí sinh ở Hà Giang được nâng tổng chênh lệch hơn 20 điểm
Sai phạm thi ở Hà Giang: Hàng trăm bài thi đã bị nâng “khống” từ 1 đến 8,75 điểm
Sai phạm trong chấm thi THPT ở Hà Giang: Tổ chức thi lại hay chỉ chấm lại?