Vụ nữ sinh bị đánh dã man: Mầm mống côn đồ chốn học đường

VOV.VN - Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường là do các mâu thuẫn trong học sinh
chưa được nhà trường và gia đình phát hiện và giải quyết từ đầu.

Vụ việc một nữ sinh lớp 7 ở trường THCS Lý Tự Trọng, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, do không làm theo ý của lớp trưởng đã bị 7 bạn đánh hội đồng dã man gây nhiều phản ứng trong dư luận. Thực tế cho thấy đây là sự việc đáng quan tâm không chỉ riêng của một trường học nào mà là mối quan tâm chung của các bậc cha mẹ, nhà trường và xã hội.

Qua sự việc này, ông Nguyễn Anh Hoàng, Hiệu trưởng trường THCS-THPT dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thành phố Cần Thơ, cho rằng vấn đề cần được đưa ra là hiện tượng bạo lực mang mầm mống côn đồ đang tràn vào cả chốn học đường. Ở đây, một học sinh nữ bị chính lớp trưởng – người có uy tín được các bạn trong lớp bầu lên cầm đầu một nhóm học sinh khác đánh những đòn dã man. Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm và đoàn thể, Ban giám hiệu nhà trường không hề hay biết. Chính vì thế, một vấn đề nêu ra là người phải có một phần trách nhiệm lớn trong sự việc này chính là giáo viên chủ nhiệm.

“Người sát với lớp nhất là giáo viên chủ nhiệm. Ở đây, giáo viên không theo sát lớp để cho sự việc xảy ra rồi lấp đi đến khi có 1 em quay clip tung lên mạng thì cả xã hội mới biết. Nếu không có clip này thì sự việc sẽ chìm luôn. Tôi nghĩ là vấn đề ở chỗ sợ khi làm lớn chuyện thì ảnh hưởng đến tai tiếng nhà trường. Đó cũng là nguyên nhân giấu nhẹm thông tin”, ông Nguyễn Anh Hoàng nhận định.

Clip vụ nữ sinh bị đánh hội đồng ở Trà Vinh

Có thể thấy, thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường trong trường học có xu hướng tăng lên. Thực tế ở tỉnh Tiền Giang, mỗi năm học, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm vụ học sinh đánh nhau, phải bị xử lý kỷ luật. Tình trạng bạo lực học đường ở tỉnh Tiền Giang không chỉ xảy ra ở khu vực đô thị mà cả ở vùng thôn quê; không chỉ có ở cấp trung học phổ thông mà xảy ra đối với cấp trung học cơ sở. Tại sân trường hay trước cổng trường ở thành phố Mỹ Tho đã có nhiều học sinh tụ tập băng nhóm thanh toán nhau kiểu “xã hội đen” gây nhức nhối đối với xã hội.

Đơn cử như năm 2012, một học sinh lớp 8, trường THCS Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang dùng dao đâm chết một học sinh lớp 7 cùng trường ngay trong giờ ra chơi chỉ vì tranh chấp chiếc điện thoại. Hay trước đó, 2 nữ sinh trường Trung học phổ thông Tân Hiệp, huyện Châu Thành dùng dao đâm chết một nữ sinh trong trường chỉ vì mâu thuẫn nhỏ...

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường là do các mâu thuẫn trong học sinh chưa được nhà trường và gia đình phát hiện và giải quyết từ đầu; một số học sinh nghiện các trò chơi online, phim ảnh bạo lực; sự quản lý, quan tâm giữa nhà trường và gia đình chưa chặt chẽ; những biện pháp xử lý kỷ luật trong trường chưa đủ sức răn đe học sinh vi phạm. Ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh Tiền Giang đã có nhiều công tác, biện pháp phòng chống bạo lực học đường, nhưng hiệu quả chưa cao.

Về kinh nghiệm phòng chống bạo lực học đường, ông Dương Văn Phương, Phó Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Xuân Diệu, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Đối với một trường học nhất là THCS, chúng ta phải hết sức cẩn thận trọng vấn đề theo dõi, uốn nắn các em; trong vấn đề giáo dục đạo đức thì phải sâu sát, nhất là công tác giám thị, công tác chủ nhiệm, phối hợp với gia đình để nắm bắt tâm lý các em. Những biểu hiện gì xảy ra thì phải có những giải pháp nhất quán, giải quyết liền. Đối với gia đình khi các em có những biểu hiện đó phải phối hợp với nhà trường ngay, mời vào để trao đổi để cùng giáo dục các em”.

Ngôi trường nơi xảy ra vụ nữ sinh bị đánh (Ảnh: Sa Oanh)

Trở lại sự việc xảy ra tại trường THCS ở Trà Vinh cho thấy trước mức độ nghiêm trọng của vụ việc đã khiến lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh đã phải triệu tập cuộc họp với trường và lãnh đạo sở giáo dục để có những chấn chỉnh nghiêm. Tuy nhiên, vấn đề kỷ luật bằng cách đuổi học, đình chỉ một năm... đối với những em học sinh tham gia vụ việc cũng đang gây những tranh luận trái chiều. Bởi, vấn đề cuối cùng là làm sao  để các phương pháp đều mang tính kỷ luật tích cực nhưng để các em học sinh thấy được cái sai và sửa sai.

Thầy Nguyễn Anh Hoàng, Hiệu trưởng trường THCS-THPT dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thành phố Cần Thơ đề nghị: “Nên có cuộc họp giữa phụ huynh, học sinh và nhà trường. Cuộc họp công khai để học sinh nói lên tâm tư và cái gì mâu thuẫn ở đây. Chứ nói họp Hội đồng kỷ luật là học sinh nín hết, không dám nói gì đâu. Bởi người có lỗi thì không khai, người bị đánh thì không dám vì thấy bạn bị kỷ luật thì sợ sau này bị ảnh hưởng nữa. Còn đối với các học sinh tham gia đánh bạn thì nên có hình thức kỷ luật về hạnh kiểm chứ không nói vấn đề đuổi học”.

Từ sự việc gây nhiều bức xúc trong xã hội cho thấy, đã đến lúc không thể quá chú trọng vào việc dạy và học kiến thức mà xem nhẹ giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường; đồng thời với đó, sự quan tâm của gia đình đối với con em mình cũng cần phải có sự sát sao hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên