Vùng cao Yên Bái gặp khó trong triển khai dạy học trực tuyến
VOV.VN - Khó khăn nhất bây giờ là phía gia đình phụ huynh không có máy tính, không có điện thoại thông minh, không có mạng interne, không có điện.
Do dịch Covid-19, cùng với cả nước, học sinh các cấp ở Yên Bái phải nghỉ học dài ngày. Hiện, Sở GD-ĐT Yên Bái đang chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức việc học trực tuyến cho học sinh. Tuy nhiên, các trường học ở khu vực vùng cao Yên Bái rất khó thực hiện phương pháp này.
Sở GD-ĐT Yên Bái tích cực chỉ đạo các nhà trường thực hiện dạy trực tuyến cho học sinh. |
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu có 423 học sinh ở 15 lớp. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh tạm nghỉ học, do vậy, trong tháng 2, giáo viên nhà trường phải đến tận nhà học sinh giao bài và hướng dẫn các em cách làm bài, sau đó thu sản phẩm của các em về chấm, chữa bài hàng ngày. Với cách làm này, 100% số học sinh được hướng dẫn làm bài và ôn tập.
Tuy nhiên, sau đó có công văn của ngành giáo dục về việc không giao bài trực tiếp cho học sinh, mà khuyến khích các trường có điều kiện tổ chức dạy học cho học sinh qua một số phần mềm như: Zoom, Bigben… Việc triển khai các phương pháp sử dụng phần mềm này thì nhà trường không thể thực hiện được.
Cô giáo Hoàng Thị Thúy Vân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Khó khăn nhất bây giờ là phía gia đình phụ huynh không có máy tính, không có điện thoại thông minh, không có mạng internet, có những nơi không có điện nữa… Đành để chờ khi học sinh trở lại trường, các cháu ăn ở, học tập, sinh hoạt tại trường thì việc sắp xếp dạy theo chương trình hay là bố trí dạy thêm, dạy bù chương trình cho các cháu thì chắc chắn là sẽ thực hiện tốt. Chúng tôi sẽ sắp xếp vào thời gian các cháu ra học trở lại".
Việc triển khai mới chỉ phát huy được ưu điểm ở khu vực trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn. |
Ông Hoàng Văn Đồng, Trưởng phòng Giáo dục huyện vùng cao Mù Cang Chải cho biết, huyện đã cố gắng thực hiện theo sự chỉ đạo chung về việc triển khai tổ chức dạy học trên internet, qua truyền hình. Nhưng hiện nay, do điều kiện ở vùng cao đặc biệt khó khăn, nên tỷ lệ học sinh được theo học đối với hình thức này đạt kết quả rất thấp.
"Học qua phần mềm Zoom thì được 1 lớp, học qua truyền hình thì được 4,9%, học qua mạng Zalo được 6,1%, Email 6,1%, qua Video thì được 1,5%, còn qua các hình thức khác là 24,4%" .
Hiện nay, có 3 hình thức đang được Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái chỉ đạo áp dụng tại các nhà trường là: dạy học qua hệ thống trực tuyến, dạy học qua kênh truyền hình và giao bài ôn tập qua mạng cho học sinh.
Tuy vậy, các hình thức này mới chỉ phát huy ưu điểm ở các trường có điều kiện thuộc các khu vực vùng thấp như trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn. Còn ở khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, các em học sinh bị hạn chế trong việc tiếp cận với công nghệ thông tin thì còn rất nhiều bất cập, khó khăn. Qua khảo sát, toàn tỉnh chỉ có hơn 11% học sinh cấp tiểu học, trên 42% học sinh cấp THCS, gần 85% học sinh THPT và gần 51% học viên giáo dục thường xuyên có thiết bị đáp ứng điều kiện dạy học trực tuyến.
Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tạo tỉnh Yên Bái cho biết: "Một bộ phận học sinh, nhất là ở vùng cao thì chưa có các thiết bị để đáp ứng với điều kiện học trực tuyến. Căn cứ vào tình hình thực thế, hiện nay trong việc thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học thì Sở GD-ĐT Yên Bái cũng đã có kịch bản đối với số học sinh mà không thực hiện được các hình thức dạy học như trên thì sẽ có kế hoạch tổ chức dạy bù, đảm bảo chương trình cũng như chất lượng ".
Dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp và kéo dài. Trong khi đó, thực hiện việc dạy và học trực tuyến đối với các nhà trường vùng cao thực sự là một bài toán khó, rất cần những giải pháp đồng bộ, khoa học và phù hợp với thực tiễn của từng địa bàn./.