Xét tuyển đại học 2021: Điểm chuẩn tăng chóng mặt, thí sinh điểm cao vẫn... trượt
VOV.VN - Việc điểm trúng tuyển tăng cao trong đó có một số ngành đạt mốc kỷ lục 30 hoặc trên 30 điểm (theo thang điểm 30) là tình huống các trường không mong muốn, bởi điểm chuẩn cao nhưng chưa chắc đã tuyển được thí sinh xuất sắc nhất.
Đến thời điểm này, các trường đại học trên cả nước đã hoàn thành công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 theo kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Các thí sinh trúng tuyển cũng đang thực hiện xác nhận nhập học đợt 1.
Tuy nhiên điểm trúng tuyển của các trường tăng mạnh từ 3-4 điểm, cá biệt có ngành tăng gần 10 điểm so với năm 2020, nhiều thí sinh có điểm thi cao không trúng tuyển đợt 1, hoặc không trúng tuyển vào những nguyện vọng mong muốn…vẫn là những vấn đề gây hoang mang trong dư luận xã hội những ngày này.
Với điểm thi khối D04 (Toán, Văn, tiếng Trung Quốc) đạt trên 27 điểm (chưa tính điểm ưu tiên khu vực), Phạm Thị Ánh Dương, Trường THPT Việt Trì, tỉnh Phú Thọ tự tin sẽ trúng tuyển vào các ngành ngôn ngữ của một số trường top đầu. Thế nhưng kết thúc xét tuyển đợt 1, Ánh Dương chỉ trúng tuyển nguyện vọng 6 vào Trường Đại học Thương mại. Đăng ký 10 nguyện vọng, nhưng những nguyện vọng yêu thích nhất đều không trúng tuyển làm Ánh Dương rất thất vọng và không tránh khỏi hoang mang, lo lắng vì điểm thi tăng quá cao so với dự kiến.
"Cháu thích vào Trường Đại học Ngoại thương hoặc Đại học Hà Nội tại vì những trường đấy so với điểm các năm trước thì cháu đều thừa điểm, rất tự tin năm nay có thể đỗ. Nhưng đến lúc xem điểm thì lại tăng 3 điểm so với năm ngoái, làm cháu rất bất ngờ. Cháu cảm thấy rất là buồn vì năm nay đề không có tính phân hóa", Ánh Dương cho biết.
Đạt 26, 27 điểm nhưng không trúng tuyển những nguyện vọng ưu tiên hàng đầu không phải là câu chuyện hi hữu trong đợt xét tuyển đại học theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua. Thực tế có nhiều thí sinh điểm cao (từ 25 đến trên 29 điểm) còn trượt tất cả các nguyện vọng đã đăng ký, bởi điểm chuẩn trúng tuyển tăng đột biến ngoài dự đoán, trong khi thí sinh điểm cao lại quá tự tin đăng ký ít nguyện vọng, hoặc chỉ đăng ký ở các trường top đầu.
Câu chuyện điểm chuẩn trúng tuyển năm nay được xã hội quan tâm khi đều tăng mạnh ở hầu hết các nhóm ngành, trung bình từ 3 đến 4 điểm, có ngành tăng tới gần 10 điểm so với năm 2020. Thậm chí ở một số khối ngành, mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển, thí sinh phải đạt 10 và có thêm điểm ưu tiên, mới có hy vọng trúng tuyển.
Lý giải cho hiện tượng này, cả Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đều cho rằng, có 3 nguyên nhân khiến điểm chuẩn đại học tăng. Thứ nhất, phổ điểm bài thi tiếng Anh tăng cao hơn năm trước- điều này là hợp lý. Thứ hai, số lượng thí sinh đăng kí xét tuyển đại học tăng mạnh (tăng 152.000 so với năm 2020), trong khi số chỉ tiêu tuyển sinh của các trường chỉ tăng khoảng 10.000 nên việc tăng điểm trúng tuyển là điều tất yếu xảy ra. Thứ ba, xu hướng chọn ngành của thí sinh (tác động của nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh).
Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phân tích: "Năm ngoái ngành Giáo dục công dân của trường chỉ 17-18 điểm, Giáo dục công dân năm nay lên 26 và hơn 27 điểm, chúng ta thấy một mặt là chính sách, một mặt nữa khi mà có vị trí việc làm rõ ràng thì số sinh viên sẽ quan tâm hơn nhiều".
Còn theo Phó Giáo sư Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương, điển hình ngành ngôn ngữ Trung thì điểm chuẩn lên mức rất là cao 39,35/40 điểm. Điểm của các tổ hợp có mức từ 26-27 trở lên thì thấy rằng số bạn có mức điểm từ 26-27 trở lên thì tăng gấp đôi so với năm 2020.
"Do vậy nó cũng là lý do để các ngành có ngôn ngữ, các tổ hợp xét có môn ngoại ngữ thì đều có mức điểm chuẩn tăng so với năm trước", Phó Giáo sư Vũ Thị Hiền nói.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong xét tuyển đợt 1, số ngành giữ nguyên hoặc tăng, giảm điểm trúng tuyển tới 3 điểm là hơn 3.200 mã ngành, chiếm 86%. Số ngành tăng từ 5 điểm trở lên là 8%, trong đó tăng từ 9 đến 11 điểm là 30 ngành, chưa tới 1%. Việc điểm trúng tuyển tăng cao trong đó có một số ngành đạt mốc kỷ lục 30 hoặc trên 30 điểm (theo thang điểm 30) là tình huống các trường không mong muốn, bởi điểm chuẩn cao nhưng chưa chắc đã tuyển được những thí sinh xuất sắc nhất.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, những thí sinh có điểm cao nhưng không trúng ở bất cứ nguyện vọng nào trong đợt xét tuyển vừa qua là điều rất đáng tiếc, bởi xét tuyển đại học luôn là việc cạnh tranh giữa các thí sinh. Qua phân tích các dữ liệu trong mùa tuyển sinh năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ có những điều chỉnh để kỳ thi năm sau đi vào thực chất hơn, các trường đánh giá được năng lực thí sinh tốt hơn.
"Những năm tới thì phụ thuộc điều kiện dịch bệnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những phương án, có thể các trường đại học sẽ tăng quyền tự chủ mình để tổ chức kỳ thi, phối hợp với nhau, liên kết nhau để bổ sung vào kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, đảm bảo nhẹ nhàng, nhưng đánh giá tốt năng lực thí sinh, thí sinh không phải đi dự thi nhiều lần mà các trường chọn được những người phù hợp với ngành nghề của mình. Quan trọng nhất là làm gì thì làm không để tăng áp lực cho cả thí sinh xã hội và cũng không thay đổi nhiều cách tổ chức thi hiện nay. Chúng ta chỉ làm sao cải tiến để làm tốt hơn việc tuyển sinh thôi", ông Sơn nói.
Những thí sinh dù đạt điểm thi cao vẫn chưa trúng tuyển đợt 1 hiện đang phải chờ tới đợt xét tuyển bổ sung, hoặc đăng ký xét tuyển đại học theo các phương thức khác. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cả nước có 130 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên nhưng vẫn không đỗ nguyện vọng 1 mà các em đăng ký do các trường, ngành này đều có điểm chuẩn rất cao, trong đó có 69 em đã đỗ ở các nguyện vọng sau và 61 em không đỗ nguyện vọng nào./.