Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói về "cúng dường online"
VOV.VN - “Công đức hay cúng dường là sự tự nguyện phát tâm công đức chứ không phải việc bắt buộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thử nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc công đức là hình thức phù hợp với tình hình mới”.
Công đức online hay cúng dường online (thông qua ví điện tử MoMo) là cụm từ khá lạ lẫm với đại đa số người dân Việt Nam. Để làm rõ hơn vấn đề này, chiều 23/2, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký GHPGVN đã trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh việc GHPGVN triển khai thử nghiệm hình thức công đức mới này trong dịp xuân Tân Sửu.
Cầu an online: Phục vụ đời sống tâm linh, đảm bảo phòng dịch Covid-19
Chia sẻ với báo chí, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, đầu xuân Tân Sửu, trước sự bùng phát mới của dịch bệnh, đại đa số các cơ sở tự viện của GHPGVN đã chấp hành nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của các địa phương trong việc phòng chống dịch, phát huy tinh thần chống dịch như chống giặc.
Ngay những ngày sát Tết, GHPGVN kịp thời có những văn bản hướng dẫn tăng ni, Phật tử, các cơ sở tự viện bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân vẫn phải đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Nhiều chùa đã thực hiện tốt các khóa lễ cầu an online, ổn định đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người dân trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
“Thời gian qua, GHPGVN đã ứng dụng thành công CNTT trong quản lý điều hành, tổ chức các đại lễ lớn như Đại lễ Vesak LHQ, trong công tác hoằng pháp, tổ chức các khóa lễ cầu an đầu năm theo hình thức trực tuyến... Việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động của GHPGVN đã được triển khai một cách bài bản và cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của GHPGVN”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Công đức thông qua ví điện tử MoMo- hình thức công đức phù hợp tình hình mới
Cùng với việc thực hiện các khóa lễ trực tuyến, GHPGVN cũng thử nghiệm hình thức công đức thông qua ứng dụng ví điện tử MoMo. Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định: “Việc công đức, cúng dường là sự tự nguyện phát tâm công đức chứ không phải việc bắt buộc. Để tạo điều kiện thuận lợi, tránh việc tập trung đông người tại các chùa, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, GHPGVN đã phối hợp với ứng dụng ví điện tử MoMo mở cổng đăng ký cầu an trực tuyến tại địa chỉ https://cauan.butta.vn (mạng xã hội trực thuộc GHPGVN), tạo điều kiện cho những Phật tử và người dân có mong muốn cầu an, phát tâm công đức để thỏa mãn tâm nguyện của mình.
Sự thử nghiệm này dự kiến thực hiện trong dịp xuân Tân Sửu, hiện có 12 chùa thí điểm ứng dụng ví MoMo, đã có sự thống nhất giữa GHPGVN và trụ trì các chùa này. Tới đây, GHPGVN sẽ họp đánh giá ưu nhược điểm, các vấn đề phát sinh, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, tìm hiểu văn hóa đi lễ chùa, văn hóa công đức của người dân để có cái nhìn tổng quát. Sau khi có kết luận đánh giá, nếu được thường trực HĐTS GHPGVN thống nhất thông qua thì mới triển khai chung”.
Trước ý kiến cho rằng sự thử nghiệm mới này có thể chưa phù hợp với các cơ sở tự viện thuộc GHPGVN, với đa số người dân, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho rằng: “GHPGVN đặt vấn đề thử nghiệm công đức qua ví điện tử MoMo cũng là sự đón đầu, đối diện với cái mới. Những thử nghiệm mới bao giờ cũng sẽ có những ý kiến nhiều chiều, đồng thuận hoặc không. Chúng ta cần có tâm thế để đón nhận và giải quyết vấn đề, nếu không có sự đổi mới thì không có sự tiến bộ. Việc thay đổi hành vi, thói quen là quá trình khó khăn và lâu dài.
Trước mắt, chúng ta có thể thấy rõ những ưu điểm của việc này là tránh tập trung đông người trong bối cảnh dịch bệnh, minh bạch tiền công đức, lợi ích nữa là có thể đi đến xóa bỏ việc đặt tiền lẻ trên tay tượng- vấn đề mà báo chí đã đề cập rất nhiều, Thủ tướng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã có ý kiến. Đây cũng là bước thử nghiệm để tiến tới đạt được mong muốn tốt đẹp trong văn hoá đi lễ chùa và cầu an đầu năm”./.