Giao lưu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
VOV.VN - Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức chương trình Giao lưu các điển hình tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Sáng nay (12/5), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức chương trình Giao lưu các điển hình tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh 2016-2017. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương và các điển hình tiên tiến tiêu biểu tham dự.
Các điển hình giao lưu tại chương trình. |
Qua câu những câu chuyện xúc động từ các tấm gương này cho thấy, với lòng thành kính, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là động lực, để mỗi người quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Giảng viên trẻ Trần Hữu Lộc, ở trường Đại học Nông – Lâm thành phố Hồ Chí Minh được mệnh danh là “Tiến sĩ tôm” vì đã có những nghiên cứu thiết thực giúp cho người nuôi tôm Việt Nam vượt qua khó khăn trong giai đoạn 2010-2013. Đối với anh, việc học theo Bác chính là học tư tưởng tiến bộ của quốc tế để áp dụng linh hoạt khắc phục những khó khăn trong nước.
“Tôi học hỏi từ Bác Hồ chính là tư tưởng quốc tế. Quá trình mình nghiên cứu, làm việc thì không chỉ với nông dân Việt Nam mà còn cả nông dân thế giới. Không chỉ làm viêc với các nhà khoa học Việt Nam mà còn cả với các nhà khoa học, công ty, cơ quan nghiên cứu quốc tế. Trên cơ sở đó, tạo mối liên kết giúp việc chia sẻ thông tin khoa học, công nghệ, ngay cả nguồn lực, từ đó giúp cho khoa học phát triển” - anh Lộc nói.
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tặng hoa các điển hình tiêu biểu. |
Bà Nguyễn Thị Xuân Oanh chia sẻ: “Việt kiều Thái Lan có truyền thống yêu nước, yêu Bác Hồ. Udon chính là mảnh đất mà Bác Hồ đã dừng chân trong một thời gian. Trong 40 năm, con cháu người Việt mang dòng máu Việt nhưng không biết tiếng Việt. Đây chính là trăn trở của kiều bào. Tôi cũng thấy rằng, nếu không biết tiếng Việt thì không thể biết được về cội nguồn. Cho nên, tiếng nói, văn hóa của Việt Nam sẽ dẫn các cháu đến tình yêu quê hương đất nước, tổ quốc, nhất là Bác Hồ”./.