Giáo viên có thể dạy tích hợp nếu được đào tạo kiến thức, phương pháp

VOV.VN - Hiện giáo viên đang yếu về phương pháp giảng dạy theo chương trình mới, cộng với tâm lý ngại đổi mới chính là lực cản.

Bộ GD-ĐT vừa công bố báo cáo tổng hợp và tiếp thu, giải trình ý kiến của các tổ chức, cá nhân về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Nhìn chung, các ý kiến đều cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo về mục tiêu, định hướng dạy và học ở từng cấp học. Riêng nội dung dạy học tích hợp liên môn, nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên phải được tập huấn, hoặc đào tạo lại về kiến thức và phương pháp thì mới có thể giảng dạy được theo chương trình mới.

Nếu không xây dựng kế hoạch tập huấn, đào tạo lại giáo viên thì sẽ khó đảm đương được việc dạy học tích hợp liên môn.

Qua nghiên cứu dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nhiều giáo viên tại Hà Tĩnh cho rằng, chương trình tổng thể đã định hướng khá rõ ràng các chương trình môn học về vị trí, mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đánh giá học sinh. Tuy nhiên, để triển khai dạy học thì đa số giáo viên sẽ gặp khó khăn cả về kiến thức các môn học và phương pháp giảng dạy. Hiện nay, tất cả giáo viên được đào tạo và khi giảng dạy đều là đơn môn, nên kiến thức các môn khác thuộc nhóm Khoa học xã hội hay Khoa học tự nhiên sẽ không chuyên sâu.

Cô Nguyễn Thị Bích Hà, giáo viên trường THCS Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, đã có 30 năm dạy môn Vật lý nêu thực tế: “Bây giờ nếu như giáo viên dạy tích hợp bắt buộc, tức là một giáo viên bộ môn Khoa học tự nhiên dạy được tất cả các chuyên đề của sách khoa học tự nhiên đấy là khó vì một số kiến thức trong bộ môn Sinh, bộ môn Hóa là tôi không đi sâu vào bộ môn đó. Trong một thời gian rất dài như thế, tôi chuyên sâu vào bộ môn Vật lý rồi thì những bộ môn khác tôi không thể chuyên sâu, không thể nắm hết được, cho nên tôi gặp khó khăn trong vấn đề giải quyết kiến thức để truyền tải đến học sinh. Trong tích hợp của Bộ thì rõ ràng tôi muốn dạy được thì tôi phải được đào tạo thêm bộ môn Sinh và môn Hóa nữa”.

Theo cô giáo Đinh Thị Hằng, dạy môn Địa lý, Trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, hiện nay các trường phổ thông cũng đang thực hiện đổi mới dạy và học theo hướng lồng ghép kiến thức các môn học để bài giảng sinh động hơn, học sinh dễ tiếp thu. Thế nhưng, việc dạy học có lồng ghép kiến thức không giống hoàn toàn với dạy học tích hợp liên môn theo chủ đề mà Bộ xây dựng trong Dự thảo nên giáo viên có rất nhiều thời gian để củng cố lại kiến thức các môn ngoài bộ môn đang dạy: “Ví dụ trước đây chúng tôi tích hợp về bảo vệ môi trường, tích hợp về tiết kiệm sử dụng năng lượng, chúng tôi đều làm tốt. Nhưng mà nếu sử dụng liên môn, tức là giữa đưa vào Lịch sử và Địa lý thì tôi thấy khi học Địa lý thì được đào tạo chuyên về Địa lý, còn Lịch sử thì đào tạo sâu về Lịch sử. Muốn làm tốt cả 2 môn học này trong cùng môn Khoa học xã hội thì tôi nghĩ là mỗi giáo viên phải được học tập, phải được nghiên cứu kỹ hơn nữa thì mới làm tốt được. Phải được tập huấn, ít ra phải được tập huấn cả kiến thức và phần kỹ năng”.

Một số ý kiến cũng cho rằng, hiện giáo viên đang yếu về phương pháp giảng dạy theo chương trình mới, cộng với tâm lý ngại đổi mới chính là lực cản đối với quá trình triển khai. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không xây dựng kế hoạch tập huấn, đào tạo lại giáo viên cả về phương pháp và kiến thức thì sẽ khó đảm đương được việc dạy học tích hợp liên môn theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Riêng đối với bậc tiểu học, cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi. 

Cô giáo Phạm Thị Phương Lê, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ cho biết: “Khó khăn đó là đội ngũ giáo viên về số lượng, chất lượng, rồi khó khăn lớn nhất đối với nhà trường đó là cơ sở vật chất. Để thực hiện được các nội dung đổi mới giáo dục đó đòi hỏi phải đầy đủ các cơ sở vật chất, tuy nhiên hiện nay các nhà trường chỉ có mỗi lớp học, chỉ có ít trường có thư viện, có nhà giáo dục thể chất. Có cơ sở vật chất, có đội ngũ giáo viên thì việc thực hiện đổi mới đó tôi chắc chắn sẽ thành công”.

Thực tế đội ngũ giáo viên hiện nay không đồng đều về chất lượng, một số giáo viên ở Hà Tĩnh cũng kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức phân loại theo từng nhóm đối tượng để tổ chức tập huấn, hoặc đào tạo lại cho phù hợp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Giáo viên nào cũng có thể dạy tích hợp
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Giáo viên nào cũng có thể dạy tích hợp

VOV.VN -Theo Thứ trưởng, tất cả giáo viên của ta đều có thể dạy tích hợp được, vấn đề chính là biết sử dụng kiến thức tổng hợp để dạy thế nào cho tốt.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Giáo viên nào cũng có thể dạy tích hợp

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Giáo viên nào cũng có thể dạy tích hợp

VOV.VN -Theo Thứ trưởng, tất cả giáo viên của ta đều có thể dạy tích hợp được, vấn đề chính là biết sử dụng kiến thức tổng hợp để dạy thế nào cho tốt.

Đổi mới giáo dục: 3 tháng bồi dưỡng giáo viên không thể dạy tích hợp
Đổi mới giáo dục: 3 tháng bồi dưỡng giáo viên không thể dạy tích hợp

VOV.VN -Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cần bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên.

Đổi mới giáo dục: 3 tháng bồi dưỡng giáo viên không thể dạy tích hợp

Đổi mới giáo dục: 3 tháng bồi dưỡng giáo viên không thể dạy tích hợp

VOV.VN -Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cần bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên.

Dạy học tích hợp: Khó nhất là đội ngũ giáo viên
Dạy học tích hợp: Khó nhất là đội ngũ giáo viên

VOV.VN -Để thực hiện dạy học tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông, khó khăn nhất là đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng ngay được với phương pháp mới.

Dạy học tích hợp: Khó nhất là đội ngũ giáo viên

Dạy học tích hợp: Khó nhất là đội ngũ giáo viên

VOV.VN -Để thực hiện dạy học tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông, khó khăn nhất là đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng ngay được với phương pháp mới.