Gieo mầm thiện bằng những “bữa cơm gia đình”
VOV.VN - Khơi dậy phần “người” trong mỗi phạm nhân bằng việc tạo nên môi trường sống thân thiện; gieo mầm lương thiện bằng những “bữa cơm gia đình”.
Đó là cách mà Trung tá Phan Hồng Lam đang làm tại Trại giam Sông Cái, trại giam thuộc quản lý của Bộ Công an đóng trên địa bàn xã miền núi Phước Tân, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Những biện pháp trong giáo dục phạm nhân của Giám thị Phan Hồng Lam đã giúp nơi này có nhiều thay đổi trong cách quản lý, giáo dục phạm nhân.
Xây dựng vườn hoa nhân ái
Ít ai biết rằng, trong khuôn viên khang trang, sạch sẽ của Trại giam Sông Cái với những khóm cúc trắng, hoa hồng, hoa ngọc anh… đang khoe sắc thì cách đây 4 năm là bãi đất khô cằn sỏi đá cỏ mọc um tùm. Với nếp nghĩ muốn giáo dục được người phạm tội trở về nẻo hoàn lương thì phải khơi dậy được nét đẹp trong tâm hồn mỗi con người nơi đây. Bởi vậy, ngay từ năm 2017, thời điểm về nhận nhiệm vụ làm Giám thị Trại giam Sông Cái, Trung tá Phan Hồng Lam đã cùng với cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân cải tạo khu đất cằn cỗi thành một công viên hoa thu nhỏ.
Trung tá Phan Hồng Lam cho biết, đối với việc giáo dục phạm nhân, ngoài biện pháp nghiệp vụ thì bản thân anh rất coi trọng công tác giáo dục phẩm chất. Bởi, “muốn sửa cái tay thì phải lay cái đầu”.
"Nói như Trung tướng Cao Ngọc Oánh – Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục 8 là muốn cho phạm nhân cải tạo tốt trước hết “Đầu phải thông, bụng phải ấm và tâm phải an”. Muốn làm được như vậy phải làm tốt công tác giáo dục. Giáo dục tư tưởng, giáo dục chính trị, pháp luật. Tạo môi trường cảnh quan lành mạnh để phạm nhân cải tạo. Kèm theo đó phải công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ của phạm nhân trong lao động để phạm nhân ý thức được vấn đề lao động là để rèn luyện để cải tạo"- Trung tá Phan Hồng Lam chia sẻ.
Trung tá Phan Hồng Lam luôn suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để thay đổi, để tạo ra môi trường cải tạo tốt hơn cho phạm nhân, giúp mỗi con người từng một thời lầm lỡ hướng thiện để sau khi hoàn thành công tác cải tạo, họ sớm tái hòa nhập với cộng đồng. Bởi vậy, khi về nhận nhiệm vụ tại Trại giam Sông Cái, Trung tá Phan Hồng Lam có điều kiện thực hiện ấp ủ về công tác giáo dục của mình.
Với quan điểm gia đình là cái nôi của xã hội, là hạt nhân quan trọng để hình thành nhân cách mỗi con người, Trung tá Lam đã mạnh dạn xây dựng quy định tạm thời về việc tổ chức “bữa cơm gia đình”.
Bữa cơm gia đình trong trại giam
Đến nay đã có hàng nghìn lượt phạm nhân đăng ký tham gia, trong đó đã xét duyệt cho gần 1.300 phạm nhân ăn cơm cùng gia đình. Tham gia bữa cơm gia đình, phạm nhân như được sống lại những khoảnh khắc ấm áp bên gia đình, được tự tay bưng bát cơm mời mẹ và gắp thức ăn mời cha. Có mặt trong bữa cơm gia đình cùng với anh trai đang thụ án tại đây, chị Lâm Phương Thuỳ không ngăn được cảm xúc của mình.
“Em nghĩ anh trai của em vào tù rồi, chắc không bao giờ được ăn bữa cơm cùng gia đình, may mà trại có chính sách nhân đạo, có bữa cơm cho gia đình phạm nhân được đoàn tụ, dù chỉ trong một giờ đồng hồ thôi nhưng chúng tôi cảm thấy ấm áp vô cùng, xin gửi lời cám ơn Giám thị đã quan tâm”- chị Thùy nói.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, mô hình “Bữa cơm gia đình” đã được lãnh đạo Tổng Cục VIII (trước đây) nay là Cục C10 đánh giá cao và triển khai nhân rộng ra các trại giam trên cả nước. Ngày 12/2/2018, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 07 thay thế Thông tư số 46 quy định về việc phạm nhân được gặp thân nhân, nhận, gửi thư; tiền, quà và liên lạc điện thoại với thân nhân, trong đó có quy định về việc tổ chức “Bữa cơm gia đình”. Nội dung này cũng đã được luật hóa bằng một mục cụ thể trong Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
Nói về những việc làm hết sức thiết thực của Giám thị Phan Hồng Lam, Trung tá Nguyễn Văn Trung, Phó Giám thị phụ trách phân trại 1, Trại Giam Sông Cái cho rằng Giám thị đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Cụ thể là việc chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ chiến sĩ.
"Tạo môi trường thuận lợi để cán bộ chiến sĩ an tâm công tác, gắn bó với đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì vậy đồng chí Bí thư Đảng uỷ cũng như tập thể Đảng uỷ lãnh đạo đơn vị nhận thức sâu sắt tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng"- Trung tá Nguyễn Văn Trung cho biết.
Trại giam Sông Cái hiện có 1.850 phạm nhân với 262 cán bộ chiến sĩ, trong đó Trung tá Phan Hồng Lam có học hàm tiến sĩ, 2 phó giám thị khác đã có bằng Thạc sĩ và trên 85% cán bộ chiến sĩ có bằng đại học. Đây là nỗ lực rất lớn của từng cá nhân nhằm từng bước nâng trình độ đáp ứng công tác trong tình hình mới. Cán bộ, chiến sĩ ở Trại giam Sông Cái cũng không ngừng tự đổi mới, tự đào tạo để nâng cao trình độ; đoàn kết, đồng lòng để thực hiện tốt công tác giáo dục cảm hóa phạm nhân.
"Đồng chí Lam phát huy được sức mạnh của tập thể sẵn có từ trước kia và tập trung được sức mạnh của tập thể quần chúng, lấy sức mạnh của tập thể quần chúng làm sức mạnh làm đòn bẩy. Từ đó duy trì được an ninh trật tự trong trại. Xây dựng phát triển trại giam đẹp đẽ. Vào Trại giam Sông Cái bây giờ như vào công viên ở Đà Lạt, hoa, cây cối rồi phong cảnh đẹp. Thế là động viên được cán bộ chiến sĩ, động viên được phạm nhân cải tạo tốt hơn"- Đại tá Phạm Văn Phóng – nguyên Giám thị Trại giam Sông Cái chia sẻ.
Những bông hoa trong Trại giam Sông Cái vẫn nở rộ như tô điểm thêm cho vườn hoa tình người. Và Giám thị Phan Hồng Lam cùng với cán bộ, chiến sĩ nơi đây vẫn tiếp tục miệt mài ươm mầm nhân ái; với mong muốn cảm hoá những con người một thời lầm lỡ sẽ trở thành người có ích khi trở về với gia đình và xã hội./.