Giọt nước nghĩa tình mùa hạn miền Tây

VOV.VN -Có không ít tấm lòng hào hiệp của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện xã hội đã  chia sẻ, hỗ trợ nguồn nước ngọt để “cứu khát”

Nước sinh hoạt mùa khô ở  nhiều địa phương vùng ĐBSCL hiện nay vô cùng khan hiếm. Nhiều hộ dân không còn nguồn nước dự trữ, phải sử dụng nước nhiễm mặn cho sinh hoạt hoặc phải tốn chi phí rất lớn để mua, đổi nước. Trong thời điểm khắc nghiệt này, có không ít tấm lòng hào hiệp của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện xã hội đã  chia sẻ, hỗ trợ nguồn nước ngọt để “cứu khát” cho những  hoàn cảnh khó khăn rất đáng trân trọng.

Tại tỉnh Tiền Giang có hàng chục điểm phục vụ nước ngọt miễn phí cho dân nghèo.
Phương tiện chở nước ngọt phục vụ người dân vùng ven biển của tỉnh Tiền Giang.

 “Ở đây, nước khó khăn lắm, không có nước, tụi tôi phải đi đổi xài. Nhà có đến 7 nhân khẩu, giặt đồ thì bằng nước mặn sau đó xả lại nước ngọt mới đem phơi. Rửa chén, rữa rau cũng vậy luôn.  Ở xã đem nước lại cho tôi phấn khởi, mừng lắm”.

Đó là lời chia sẻ chân tình của bà  Phạm Thị Cúc, một hộ nghèo xã Bình Đông, Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, đây cũng như tâm trạng chung của nhiều người dân địa phương. Hiện nay, nguồn nước ngọt ở vùng bãi ngang, ven biển của tỉnh Tiền Giang đã cạn triệt. Tại các nơi hẻo lánh, xa trạm cấp nước, người dân phải đi “đổi”  từ thùng nước từ nơi khác về để sinh hoạt. Riêng nước ngọt từ các sà lan chuyển đến giá từ trên 100.000 đồng đến 200.000 đồng/m3. Chi phí sử dụng nước cho sinh hoạt của nhiều hộ gia đình cao hơn tiền mua gạo. Thấm thía nỗi khó khăn này, những ngày qua, có rất nhiều tấm lòng hào hiệp, bỏ công sức, tiền của thuê phương tiện chở nước ngọt từ nơi khác về để phục vụ miễn phí cho bà con. Đó là hành động chở hàng trăm mét khối nước ngọt từ các trạm cấp nước tập trung, các vòi nước công cộng đến tận gia đình chính sách,  hộ dân nghèo ở vùng sâu của đoàn thanh niên Thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, Bộ đội biên phòng Tiền Giang. 

Hải quân Vùng 2 và Bộ đội biên phòng Tiền Giang chở 1.000 m3 nước cấp cho dân vùng biển Gò Công.

Sự vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã bỏ khoản tiền khá lớn để chở nước về hỗ trợ dân nghèo. Đáng ghi nhận là tại xã Tân Phước, địa phương ven biển của huyện Gò Công Đông, có anh Đoàn Trung Hiếu –một giáo viên Trường Trung cấp Gò Công đã không ngại khó khăn, hằng ngày dùng xe tải của gia đình vận chuyển nước sinh hoạt miễn phí cho người dân địa phương. Từ đầu mùa khô hạn, doanh nghiệp xay xát lúa gạo Trữ Nguyên, tại địa phương này đã dùng xe tải qua tỉnh Long An chuyển nước ngọt về cung cấp miễn phí cho hàng trăm hộ dân nghèo.  Ở huyện Gò Công Tây, Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang cũng vậy, có rất nhiều tấm lòng nhân ái sẵn sàng chia sẻ nguồn nước ngọt cho những hộ dân thiếu nước.

Bộ đội Biên phòng Tiền Giang tham gia chuyển tải nước ngọt phục vụ nhân dân.

Bà Phan Thị Thu chủ doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng Thuận Thu tại xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, mỗi ngày chở gần 20 m3 nước ngọt về phục vụ miễn phí cho bà con địa phương. Bà Thu cho biết, công việc này sẽ tiếp tục thực hiện khi mưa xuống thì thôi: “Mỗi ngày, tôi cung cấp cho dân ở đây từ 16-20 m3 nước, thấy bà con cũng tạm tạm đủ nước sinh hoạt. Tôi rất mừng, làm được cái gì mình mừng cái nấy.  Mình còn khỏe, mình làm hết sức mình thôi. Tôi làm từ 4 giờ khuya cho đến 8 giờ tối. Nếu xe về tôi phát cấp nước, tôi nói với bà con khi nào bà con có nước ngọt thì tôi nghỉ.

Không chỉ hỗ trợ nước ngọt mà chương trình tặng bình nước lọc, dụng cụ chứa nước ngọt, máy xử lý nước mặn thành ngọt... cũng được các doanh nghiệp, mạnh thường quân ở tỉnh Tiền Giang quan tâm, thực hiện, nhằm giúp cho người dân có điều kiện tiếp cận nguồn nước ngọt hiện tại và sau này.

Ca sĩ Lý Hải và đại đức Thích Minh Phước (Tiền Giang) đến khảo sát và tặng máy xử lý nước mặn thành ngọt tại tỉnh Bến Tre.

Đại đức Thích Minh Phước, trụ trì Niệm Phật Đường Liên Hoa tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cảm thấy xót xa trước cảnh người dân thiếu thốn nguồn nước ngọt trong sinh hoạt nên đã vận động vợ chồng ca sỹ Lý Hải- Minh Hà và các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua 10 máy xử lý nước mặn thành ngọt tặng cho các xã khó khăn của tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Mỗi máy xử lý được 12 m3 nước/ngày, trị giá 70 triệu đồng.

Về việc làm ý nghĩa này, đại đức Thích Minh Phước tâm niệm: “Hiện nay, miền Tây đang gặp khó khăn do hạn mặn khốc liệt. Bà con gặp khó khăn trong nước ngọt sinh hoạt, cho nên Niệm phật đường Liên Hoa kết hợp “Quỹ trái tim đồng cảm” của gia đình ca sỹ Lý Hải- Minh Hà  vận động quý nhà hảo tâm gần xa để tặng máy xử lý nước cho bà con ở 2 tỉnh Tiền Giang- Bến Tre. Bà con rất vui khi nhận được những máy lọc. Tôi thấy đem lại niềm vui cho bà con cũng là niềm vui của mình”.

Máy xử lý nước do đoàn từ thiện của vợ chồng ca sỹ Lý Hải- Minh Hà và tu sĩ Minh Phước tặng các xã vùng khó khăn.

 Bến Tre là "ốc đảo" hợp thành bởi 3 dãy cù lao, sông rạch chằng chịt, nước mặn bao phủ. Hơn nữa, nguồn nước ngầm nơi đây phần lớn đã nhiễm mặn nên nước ngọt mùa khô hạn này vô cùng khốn khó. Toàn thành phố Bến Tre phải sử dụng nước mặn trên 5 phần nghìn. Hiện nay, phong trào chuyển, chia sẻ nguồn nước ngọt ở xứ dừa rất sôi nổi, nghĩa tình. Từ các doanh nghiệp xa gần, các tổ chức từ thiện xã hội và giới văn nghệ sỹ ở TP HCM đã về Bến Tre với những việc làm, hành động thiết thực nhằm giúp cho người dân nơi đây khắc phục khó khăn về nguồn nước ngọt. Nổi bật như Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương đã dùng sà lan chở khoảng 6.000 m3 nước sạch 900 bình nước uống tinh khiết loại 20 lít nước/bình để hỗ trợ cho người dân Bến Tre. Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh Đại Việt phối hợp với báo Tiền Phong tặng 0 hệ thống lọc nước công nghiệp Daikiosan có công suất lớn, trị giá 350 triệu đồng cho xã Phú Vang, huyện Bình Đại.  Vùng 2 Hải Quân chở nhiều chuyến tàu với hơn 3.000 m3 nước ngọt cấp cho dân nghèo vùng ven biển…

Đặc biệt, người dân xứ dừa đã thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”  san sẻ cho nhau từ thùng nước ngọt "giải khát". Đó là việc chia sẻ nước ngọt từ trạm cấp nước của gia đình bà Nguyễn Thị Hưởn ở xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre đến mọi người. Hay ông Phùng Tường Ngọc Dũng, ở xã Phú Hưng, TP Bến Tre  đã sẵn sàng cấp nước giếng khoan của gia đình cho người dân địa phương sử dụng trong sinh hoạt. Mới đây, ông  bỏ tiền túi trang bị bị máy lọc nước trị giá 130 triệu đồng để xử lý nước đạt tiêu chuẩn "sạch",  cấp miễn phí cho người dân dùng để nấu ăn, uống  trong mùa hạn mặn. “Bến Tre đang hạn mặn bà con khó khăn lắm. Nhà mình có cây nước, nay thấy bà con khó khăn quá nên mình chuyền nước ra để cung cấp cho bà con. Nếu ai cần nước sinh hoạt thì có cái vòi chưa lọc, còn ai cần nước uống thì tôi đầu tư cái máy  lọc, diệt trùng  đạt tiêu chuẩn củ Viện Pasture giống như nước tinh khiết”.

Ông Hùng Tường Ngọc Dũng ở xã Phú Hưng, TP. Bến Tre trực tiếp cấp nước sạch cho người dân mùa hạn mặn

Mấy ngày qua, hàng trăm hộ dân Bến Tre còn được các tổ chức, cá nhân đến tặng dụng cụ trữ nước, máy lọc nước RO.. để tiếp tục ứng phó với hạn mặn. Hàng triệu mét khối nước ngọt được cấp bổ về quê hương xứ dừa,. Nhờ vậy mà so với mùa khô năm 2016, việc thiếu nước ngọt trong sinh hoạt  ở Bến Tre đã giảm nhiều. Người " cho" nước ngọt và người nhận nguồn nước này đều rất phấn khởi khi tình thương yêu được san sẻ, chan hòa. Những giọt nước ngọt nghĩa tình như đã đẩy lùi hạn mặn.

Hiện nay, thiên tai, hạn mặn đang diễn biến phức tạp. Nỗi khó khăn về nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt còn tiếp diễn nhưng với những nghĩa cử đậm tính nhân văn, thấm đẫm tình người đó, sẽ xoa dịu nỗi khó nhọc của người dân.  Việc chia sẻ, hỗ trợ thiết bị trữ, lọc nước hay nguồn nước ngọt của những tấm lòng nhân ái không chỉ giúp cho người dân các địa phương vùng ĐBSCL giảm bớt khó khăn trong cuộc sống thường nhật  mà còn thắp lên ngọn lửa yêu thương, nồng ấm, chan chứa tình người./.

 


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vựa trái cây Đồng bằng Sông Cửu Long nguy cấp vì hạn hán
Vựa trái cây Đồng bằng Sông Cửu Long nguy cấp vì hạn hán

VOV.VN - Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, hàng nghìn ha sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, vú sữa đã cháy lá và sẽ chết nếu nắng hạn kéo dài.

Vựa trái cây Đồng bằng Sông Cửu Long nguy cấp vì hạn hán

Vựa trái cây Đồng bằng Sông Cửu Long nguy cấp vì hạn hán

VOV.VN - Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, hàng nghìn ha sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, vú sữa đã cháy lá và sẽ chết nếu nắng hạn kéo dài.

Hàng loạt cánh rừng phòng hộ ở Phú Yên chết khô vì hạn hán
Hàng loạt cánh rừng phòng hộ ở Phú Yên chết khô vì hạn hán

VOV.VN - Nắng hạn gay gắt kéo dài làm hơn 2700 ha rừng phòng hộ ở tỉnh Phú Yên bị chết khô, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy rừng.

Hàng loạt cánh rừng phòng hộ ở Phú Yên chết khô vì hạn hán

Hàng loạt cánh rừng phòng hộ ở Phú Yên chết khô vì hạn hán

VOV.VN - Nắng hạn gay gắt kéo dài làm hơn 2700 ha rừng phòng hộ ở tỉnh Phú Yên bị chết khô, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy rừng.

Vùng ven biển Sóc Trăng nỗ lực ứng phó hạn hán, mặn xâm nhập
Vùng ven biển Sóc Trăng nỗ lực ứng phó hạn hán, mặn xâm nhập

VOV.VN -Hàng ngàn diện tích sản xuất nông nghiệp của Sóc Trăng đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt nghiêm trọng, nhất là các địa phương nằm ven biển

Vùng ven biển Sóc Trăng nỗ lực ứng phó hạn hán, mặn xâm nhập

Vùng ven biển Sóc Trăng nỗ lực ứng phó hạn hán, mặn xâm nhập

VOV.VN -Hàng ngàn diện tích sản xuất nông nghiệp của Sóc Trăng đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt nghiêm trọng, nhất là các địa phương nằm ven biển