Giúp người có HIV tránh được sự lo sợ kỳ thị

Mô hình lồng ghép chăm sóc sức khoẻ sinh sản và tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV giúp cung cấp dịch vụ một cách toàn diện, đáp ứng nhu cầu cho đối tượng khách hàng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và mang thai ngoài ý muốn.

Mô hình lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS) và tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV (HIV VCT) với mục tiêu cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS toàn diện và xét nghiệm HIV tự nguyện tới cộng đồng dân cư, đặc biệt là các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao (công nhân nhập cư, người làm việc trong lĩnh vực giải trí, chị em nội trợ cùng các người thân của họ). Dự án được Ủy ban châu Âu tài trợ trong vòng 4 năm (2005 – 2009) tại các nước: Việt Nam, Campuchia và Myanmar và do tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam thực hiện.

 Khám bệnh bình đẳng

Bà Nguyễn Thị Bích Hằng - Trưởng đại diện Marie Stopes International tại Việt Nam cho biết: "Mô hình lồng ghép dịch vụ HIV VCT với các cơ sở chăm sóc SKSS giúp cho khách hàng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ này với cách cung cấp dịch vụ thân thiện, cảm thông và chia sẻ tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhiều nhu cầu của khách hàng".

Chị Nguyễn Thị Lan, một khách hàng của trung tâm Marie Stopes International Nghệ An (MSI Nghệ An), đến trung tâm lần đầu chỉ với nhu cầu nhận dịch vụ kế hoạch hoá gia đình. Tuy nhiên, chị đã quyết định kiểm tra xem mình có nguy cơ bị HIV không. Chị Lan nói: "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi có thể bị nhiễm HIV/AIDS, chính vì thế tôi chưa hề nghĩ tới việc xét nghiệm HIV, nhưng sau khi nói chuyện với bác sĩ tư vấn trung tâm MSI Nghệ An, tôi nhận ra rằng tôi hoàn toàn có thể gặp rủi ro, do vậy tôi quyết định làm xét nghiệm HIV tại trung tâm này".

Bạn Đỗ Thị Kiêm – Công nhân Nhà máy Chí Hùng, ấp Tân Ba, KCN Sóng Thần, Bình Dương, là tuyên truyền viên đồng đẳng của dự án, cho biết: Hiện nay, nhà máy của chúng tôi có 7.500 công nhân, với trên 85% là nữ, hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Tôi tham gia vào đội tuyên truyền viên đồng đẳng của nhà máy với mong muốn giúp các đồng nghiệp của mình hiểu và phòng tránh HIV một cách đúng đắn.

Ban đầu, công việc của chúng tôi không được mấy người trong Nhà máy ủng hộ. Theo phương thức "mưa dầm thấm lâu" chúng tôi đã thuyết phục được sự ủng hộ và tạo điều kiện của Ban Giám đốc. Các giáo dục viên đồng đẳng trong nhóm của chúng tôi đã tổ chức nhiều nhóm tuyên truyền HIV; nói chuyện 1-1 với công nhân, phát bao cao su, vận động công nhân xét nghiệm HIV…".

Tuyên truyền viên Đỗ Thị Kiêm cũng bày tỏ: "Chúng tôi chưa xây dựng gia đình nên khi nói những chuyện riêng tư thì rất ngại và ban đầu Ban giám đốc cũng chưa muốn cho chúng tôi tiếp cận các nội dung này trong công nhân. Về sau, các công nhân thấy được sự hữu ích công việc của chúng tôi đang làm nên tham gia rất đông, thảo luận sôi nổi. Chúng tôi đã vận động được 402 người xét nghiệm HIV tự nguyện và phát hiện được 2 người bị nhiễm HIV. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức khám phụ khoa định kỳ cho công nhân Nhà máy".

Đỗ Thị Kiêm đã rất tự tin khi nói về những kết quả mà nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng của mình đã đạt được. "Ban quản lý Nhà máy đã rất ủng hộ cho công việc của chúng tôi. Công nhân hiểu được con đường lây truyền HIV để có biện pháp tự phòng bệnh cho mình, người thân, gia đình và có ý thức tự nguyện xét nghiệm".

Theo phản ánh của bà Bích Hằng, rất nhiều khách hàng không muốn đến các cơ sở HIV VCT độc lập để làm xét nghiệm vì nhiều lý do, phần vì họ thiếu thông tin, phần vì lo sợ sự kỳ thị… điều đó chứng tỏ nhóm đối tuợng này rất thiếu nhữnng kiến thức cơ bản về các dịch vụ xét nghiệm HIV. Đáng chú ý hơn nữa: trên 20% số khách hàng làm xét nghiệm tự nguyện tại các cơ sở lồng ghép của tổ chức Marie Stopes International, xuất phát điểm họ chỉ có nhu cầu về dịch vụ chăm sóc SKSS/kế hoạch hóa gia đình hoặc các bệnh lây qua đường tình dục nhưng đã quyết định làm xét nghiệm sàng lọc HIV sau khi được tư vấn đầy đủ của các cán bộ chuyên môn.

 Mô hình cần được nhân rộng

Bà Jenne Robert, chuyên gia trong lĩnh vực y tế cộng đồng cho biết: "Mô hình HIV VCT phát huy được tiềm năng của các cơ sở cung cấp dịch vụ, tạo ra mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau giữa các chương trình, làm tăng cơ hội sử dụng dịch vụ của khách hàng và tăng cường tối đa hiệu quả và tác động của các dịch vụ chăm sóc SKSS tòan diện".

Bà Jenne Robert cũng cho biết thêm: "Đặc biệt, ở Việt Nam số lượng công nhân nhập cư trẻ ngày càng tăng mạnh và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này cần được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ ngăn ngừa HIV cũng như được tham gia các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức để hiểu biết về quan hệ tình dục an toàn, giúp họ ý thức được việc tự bảo vệ bản thân trước các bệnh lây truyền qua đường tình dục và lây nhiễm HIV".

Theo bà Bích Hằng, dịch vụ này được cung cấp cùng với các dịch vụ khác như kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc thai nghén, khám và điều trị các bệnh lây qua đường tình dục… "Lợi ích của mô hình lồng ghép này là dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV được giới thiệu như là một phần trong gói dịch vụ y tế tổng thể, cho phép "bình thường hoá" dịch vụ vốn được cho là nhạy cảm. Người cung cấp dịch vụ có thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động phòng chống HIV. Mô hình lồng ghép này cũng cho phép việc chuyển tuyến trực tiếp đến các dịch vụ y tế và chăm sóc khác cần thiết cho người bị nhiễm HIV" – bà Bích Hằng nói.

23.030 phụ nữ và nam giới đã được tư vấn và kiểm tra nhanh, trong đó 3,3% số khách hàng có kết quả dương tính với HIV (phụ nữ 10%, nam giới 84%).

116.283 khách hàng trong độ tuổi sinh sản đã được tham gia các buổi truyền thông nhận thức, thay đổi hành vi;

Đào tạo kiến thức cho 415 giáo dục viên đồng đẳng, đào tạo chuyên môn cho 715 cán bộ y tế nhà nước;

Xây dựng mô hình lồng ghép vào 5 trung tâm của MSI tại: Hà Nội, Hà Tĩnh, Bình Dương, và thành phố Hồ Chí Minh; 4 cơ sở y tế nhà nước cũng được lồng ghép dịch vụ của dự án.

Bác sĩ Lê Nhân Tuấn – Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV Hà Nội, nhận xét : Việc lồng ghép xét nghiệm HIV tự nguyện tại các cơ sở y tế tư nhân và nhà nước là điều rất quan trọng. Điều này đảm bảo sự bền vững của hoạt động, sau khi dự án kết thúc vẫn còn con người ở lại để triển khai công việc. Đây là mô hình mới để bước đầu đưa hệ thống y tế tư nhân tham gia phòng chống HIV.

Tuy nhiên, bà Bích Hằng cũng đưa ra một số hạn chế của dự án, đó là khả năng làm "loãng" các dịch vụ y tế khác, vì thế có thể làm giảm chất lượng HIV VCT. Việc kiểm soát và duy trì chất lượng dịch vụ HIV VCT cũng khó khăn khi lượng khách hàng đến các cơ sở y tế đông. Ngoài ra, việc lồng ghép dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện cũng gây áp lực về nguồn nhân lực cho các cơ sở y tế, chiếm nhiều thời gian của người cung cấp dịch vụ dẫn đến thời gian chờ đợi của khách hàng bị kéo dài. Năng lực quản trị hành chính và quản lý của các cơ sở y tế đối với một nhóm các dịch vụ đa dạng có thể là một thách thức đối với việc thực hiện thành công mô hình lồng ghép này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên