Graffiti- nghệ thuật hay bôi bẩn đô thị?
VOV.VN - Những hình ảnh, chữ viết được vẽ lên các chất liệu xuất hiện trên nhiều dãy phố là nghệ thuật hay đang bôi bẩn đô thị?
Khi đi qua nhiều con phố, người dân thủ đô không khó để bắt gặp hàng loạt những bức vẽ bằng sơn với nhiều đường nét, hình dáng khác nhau trên những công trình công cộng như tủ điện, cầu sang đường thậm chí tường rào, cửa nhà dân. Những bức vẽ lạ lẫm, font chữ khó nhận ra đó được cộng đồng gọi là graffiti - môn nghệ thuật đường phố, gắn với đặc trưng của văn hóa Hip hop.
Người chơi graffiti thu hút nhiều bạn trẻ tham gia bởi nó là phương tiện để thể hiện bản thân, khẳng định mình. |
Thể hiện quá đà
Graffiti xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 2000 và dần trở thành một trào lưu trong giới trẻ Việt, những bức vẽ dần xuất hiện tại những điểm công cộng mà không hề được xin phép vậy nên, trường hơp những người vẽ graffiti “vắt chân lên cổ” mà chạy là chuyện thường gặp. Có nhiều nhóm tìm đến những công trường xây dựng, tấm tôn rào chắn hay phải thuê tường để thử tài.
Theo lời kể của một người chơi graffiti thế hệ đầu tại Việt Nam, loại hình nghệ thuật đầy mới mẻ, lạ lẫm này thu hút nhiều bạn trẻ tham gia bởi nó là phương tiện để thể hiện bản thân, khẳng định mình. Việc nhiều bạn trẻ bất chấp những địa điểm, thời gian để tạo nên những hình vẽ, càng độc, lạ thì càng cảm thấy bản thân là một người chơi graffiti “có nghề”.
Tuy nhiên, chính hành động này khiến môn nghệ thuật đường phố bị phê phán, từ nghệ thuật biến thành bôi bẩn.
Khi đi qua những tuyến đường như Yên Phụ, Đặng Thai Mai (Tây Hồ); Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư (quận Hoàn Kiếm); trục đường mới ven sông Tô Lịch (song song với đường Bưởi)… xuất hiện hàng loạt bức vẽ gây mất mĩ quan đô thị, là hệ quả của trào lưu nghệ thuật đường phố graffiti! Nhiều người “dị ứng” với những hình vẽ này vì nó được vẽ một cách tràn lan, không chủ đề hay một thông điệp cụ thể. Một người dân ở khu vực Yên Phụ cho biết: “Những hình vẽ vô nghĩa khiến bức tường bị vẽ bẩn, khó hiểu mà làm mất mĩ quan đô thị chứ không thấy đẹp gì”.
Bức tường bao dài gần 100 mét của chùa Thiên Niên (Tây Hồ - Hà Nội)bị vẽ bậy gây phản cảm. (Ảnh Vietnamnet) |
Xuất phát điểm là loại hình văn hóa đường phố, graffiti mang tính chất thể hiện tài năng và tiếng nói của bản thân. Nếu graffiti cứ tiếp tục bị lạm dụng, không kiểm soát thì đó nhiều địa điểm sẽ tiếp tục bị bôi bẩn.
Tạo sân chơi lành mạnh
Ở những bức tường tại các khu nhà đổ nát, không người ở, quán bar, café và các chốn vui chơi của giới trẻ, graffiti đang dần trở thành một trào lưu, nếu người chơi biết tận dụng sẽ tạo được cơ hội mới cho bộ môn nghệ thuật này. Và không phải tất cả những bức vẽ graffiti đều khiến người nhìn nhức mắt, khó chịu. Trên nhiều cung đường, những bức tường rêu mốc, bỏ hoang lâu ngày được những người chơi graffiti vẽ những hình bắt mắt, công phu, đậm chất đường phố đôi khi lại gây thiện cảm đối với người qua đường.
Bức tường tại con ngõ 12 phố Đặng Thai Mai (Tây Hồ) được vẽ nên những bức vẽ sinh động, nhiều màu sắc và bố cục chặt chẽ tạo nên bức tranh graffiti khổng lồ. |
Năm 2010, khu tập thể H5, trong phố Thượng Thanh, nằm sau nhà ga Gia Lâm, Hà Nội đã được tô vẽ tái hiện phố cổ với mái nhà rêu phong phố Hàng Gà hay những đặc trưng của phố Hàng Mã như mặt nạ, đèn lồng, đồ chơi dân gian… đầy sống động. Hay con ngõ 12 phố Đặng Thai Mai (Tây Hồ) được họa sĩ nước ngoài cùng các tình nguyện viên vẽ nên những bức vẽ sinh động, nhiều màu sắc và bố cục chặt chẽ tạo nên bức tranh graffiti khổng lồ. Người dân ở khu vực này cho biết, những bức vẽ này trông vui mắt, được các “nghệ sĩ” thay đổi thường xuyên nên không bị nhàm chán.
Nếu như trước đây, graffiti xuất hiện khiến nhiều người khó chịu thì hiện tại, loại hình nghệ thuật này đang được ứng dụng vào thực tế. Nhiều bạn trẻ đã tìm hướng đi khác cho môn nghệ thuật này. Thay vì những bức tranh vô nghĩa, không mấy tác dụng thì giờ đây những bức hình xuất hiện tại hội chợ, quán cà phê hay biển hiệu… dần trở nên thịnh hành và trở thành xu hướng. Những hình thức kinh doanh như trang trí lên giày, quần áo, mũ cũng được đón nhận.
Anh Linkfish, ở Hà Nội, một trong những người tham gia vào môn nghệ thuật đường phố này cho biết: “Nếu người chơi graffiti biết chọn địa điểm cũng như hình vẽ phù hợp thì sẽ góp phần làm độc đáo và hướng đi mới. Hiện tại, mình cũng nhận một số dự án tại một số chương trình biểu diễn, sân khấu vừa thỏa mãn đam mê bản thân cũng như làm đẹp cho loại hình nghệ thuật này”.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều “nghệ sĩ đường phố” vẽ nên những tác phẩm graffiti khiến nhiều người nể phục, họ không quan trọng chất liệu mà là sự chỉn chu và cách thể hiện ý tưởng sáng tạo./.