GS Ngô Bảo Châu: Phải đổi mới ngay giảng dạy đại học !
VOV.VN-Nếu chúng ta không có đội ngũ giáo viên giỏi thì chẳng thể đào tạo và thu hút được nguồn nhân lực tốt phục vụ cho phát triển đất nước.
Giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu- người chứng minh thành công Bổ đề cơ bản Langlands và vinh dự nhận giải thưởng Fields (giải thưởng cao quý nhất về Toán học) năm 2010 vừa từ Mỹ trở về Việt Nam.
Trở về nước lần này, GS Ngô Bảo Châu đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy việc học tập, nghiên cứu Toán học ở trong nước. Nhân dịp này, phóng viên Báo điện tử VOV phỏng vấn GS để hiểu thêm về hoạt động quản lý, điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán học cũng như suy nghĩ của anh đối với việc đào tạo ở Việt Nam.
GS Ngô Bảo Châu và đoàn học sinh giỏi Toán năm 2011 |
PV: GS có thể cho biết những hoạt động chính khi trở về nước lần này?
GS Ngô Bảo Châu: Thời gian phần lớn của tôi chủ yếu tập trung vào lãnh đạo hoạt động của Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán và tổ chức những nhóm làm việc chuyên ngành với sinh viên, nghiên cứu sinh.
Trong về nước lần này, tôi cũng có làm việc với một số nghiên cứu sinh đã từng học tập tại Mỹ, Pháp cũng như một vài anh, chị đang làm việc ở châu Âu và những sinh viên Việt Nam có thành tích học tập Toán xuất sắc để tổ chức các hoạt động Trường hè.
Hoạt động của Trường hè với mục đích hỗ trợ sinh viên giỏi các trường ĐH phát huy khả năng học tập và thực hành nghiên cứu trong quá trình học tập trên giảng đường ĐH. Thông qua hoạt động này cũng góp phần thu hút nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH có khả năng tự nghiên cứu Toán học.
PV: Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán do GS làm Giám đốc khoa học đã hoạt động được 2 năm. GS có thể chia sẻ về những thành quả của Viện và định hướng phát triển trong tương lai?
GS Ngô Bảo Châu: Sau 2 năm hoạt động, công tác nghiên cứu thuần túy của Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán đã đi vào ổn định.
Trong năm nay và năm 2014, Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán sẽ tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020. Đó là bồi dưỡng, nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu của học sinh, sinh viên chuyên Toán và triển khai các bước về ứng dụng Toán học trong các lĩnh vực của đời sống.
GS Ngô Bảo Châu |
PV: Thưa GS Ngô Bảo Châu, anh đã giảng dạy và tiếp xúc với nhiều sinh viên học tập, nghiên cứu Toán học nói riêng cũng như những ngành khoa học cơ bản nói chung ở trong nước và một số nước trên thế giới. Theo đánh giá của anh thì sự khác biệt giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài là gì?
GS Ngô Bảo Châu: Tôi nghĩ rằng, việc tiếp cận Toán học hay những ngành khoa học cơ bản khác của sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài không có gì là khác biệt nhiều.
Tôi thấy, học sinh THPT được học tập và trang bị kiến thức về Toán học tương đối tốt hơn học sinh nước ngoài.
Tuy nhiên, khi vào ĐH thì các em không có được những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu nên sinh viên tốt nghiệp thường kém hơn so với sinh viên nước ngoài.
PV: Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, thưa GS?
GS Ngô Bảo Châu: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên tốt nghiệp các ngành học cơ bản nói chung và Toán học nói riêng chưa thể bằng sinh viên nươc ngoài như: cơ sở vật chất trường, lớp và phòng thí nghiệm chưa được đầu tư bài bản, sinh viên chỉ được học lý thuyết nhưng thực hành quá ít...
Tuy nhiên, đó không phải là yếu tố quyết định đến chất lượng học tập, nghiên cứu của sinh viên mà điều quan trọng đó là chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên Toán và nhiều môn học khác chưa đáp ứng được yêu cầu.
Chúng ta đang thực hiện đề án “Đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục” nên tôi nghĩ rằng, việc cần làm ngay là các trường ĐH phải đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên.
Nếu chúng ta không có đội ngũ giáo viên giỏi thì sẽ chẳng thể đào tạo và thu hút được nguồn nhân lực tốt phục vụ cho phát triển đất nước.
PV: Thưa GS, trong những năm gần đây, Việt Nam đã liên kết với một số trường ĐH uy tín trên thế giới để đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy. GS suy nghĩ như thế nào nếu chúng ta nghiên cứu, áp dụng mô hình giảng dạy ở một số nước tiên tiến trên thế giới cho việc giảng dạy-học tập ở Việt Nam?
GS Ngô Bảo Châu: Tôi đã từng đi nhiều nước và nhận thấy, hầu như nước nào cũng đều không hài lòng với nền giáo dục của nước mình. Theo tôi, mỗi nước đều có những thành tựu giáo dục và mô hình giảng dạy riêng.
Trong việc đào tạo, liên kết với nước ngoài, chúng ta chỉ nên nghiên cứu, học hỏi những mô hình giảng dạy tinh túy, hiệu quả nhất của nước ngoài để ứng dụng thí điểm tại Việt Nam. Nếu sau quá trình thí điểm thấy có hiệu quả thì mới áp dụng rộng hơn ở các trường ĐH.
Sở dĩ tôi đề cập tới vấn đề trên là bởi vì, có những phương thức giảng dạy ở nước ngoài phù hợp với nước họ nhưng lại không phù hợp với nước ta.
Tuy nhiên, theo tôi, việc áp dụng theo mô hình nào đi chăng nữa thì mục đích hướng tới vẫn phải là thu hút đội ngũ tri thức, giáo viên giỏi tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó là có cơ chế thu hút người trẻ tuổi có trình độ chuyên môn, tài năng đang học tập, nghiên cứu, làm việc ở trong và nước ngoài cống hiến cho sự phát triển đất nước.
PV: Xin cảm ơn GS!./.
GS Ngô Bảo Châu được trao nhiều giải thưởng Toán học uy tín thế giới như:
Giải thưởng Clay (năm 2004)
Giải thưởng của Viện Nghiên cứu Toán học Oberwolfach dành cho các nhà toán học trẻ Châu Âu (năm 2007)
Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (năm 2008)
Công trình chứng minh “Bổ đề cơ bản trong chương trình Langlands” của GS Ngô Bảo Châu đã được tạp chí TIME bình chọn là 1 trong 10 khám phá khoa học tiêu biểu của năm (năm 2009)
Giải thưởng Fields Medal (năm 2010)
Từ ngày 1/9/2010 cho đến nay, GS Ngô Bảo Châu nhận lời mời giảng dạy tại khoa Toán trường ĐH Chicago (Mỹ).