Hạ chuẩn, có giải quyết tình trạng thiếu giáo viên?
VOV.VN - Trước tình trạng thiếu giáo viên cục bộ xảy ra ở nhiều địa phương, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất cho phép những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục.
Đề xuất cho phép những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, liệu có giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên, khi hầu hết các trường Cao đẳng ở các địa phương đã đóng cửa hoặc sáp nhập khi Luật Giáo dục có hiệu lực?
PV VOV Giao thông đối thoại với PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội xung quanh nội dung này:
PV: Thưa ông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề xuất hạ tiêu chuẩn tạm thời để tuyển giáo viên trong bối cảnh cả nước đang thiếu giáo viên một cách nghiêm trọng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Phạm Mạnh Hà: Thời gian vừa qua, việc thiếu giáo viên đã trở thành một vấn đề gặp ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là những khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa. Việc thiếu giáo viên như vậy đã đặt ra cho rất nhiều địa phương trong công tác tuyển dụng, bố trí nhân sự phù hợp, đáp ứng chương trình giáo dục, đồng thời cũng phù hợp với Luật Giáo dục.
Cho nên việc Bộ Giáo dục - Đào tạo hạ chuẩn đối với giáo viên tiểu học là một trong những giải pháp để có thể bù đắp được đội ngũ giáo viên đang thiếu hụt trên toàn quốc hiện nay.
PV: Nhưng thực tế, theo Luật Giáo dục, phần lớn các trường Cao đẳng đã sáp nhập hoặc giải thể nên số sinh viên tốt nghiệp hệ cao đẳng trong ngành giáo dục không nhiều. Vậy đề xuất hạ chuẩn có giải quyết được bài toán thiếu giáo viên hiện nay không?
PGS.TS Phạm Mạnh Hà: Thực ra việc hạ chuẩn, tôi nghĩ rằng đây chỉ là cái tình thế bắt buộc ở một số địa phương thôi, chứ nó không phải là một giải pháp có thể đáp ứng được nhu cầu thiếu hút giáo viên trên cả nước hiện nay được đâu.
Bởi vì Luật Giáo dục năm 2019 đã quy định rất rõ chuẩn giáo viên tiểu học phải từ bậc đại học trở lên. Vì thế hiện nay đa phần các trường Cao đẳng ở địa phương đã dừng tuyển sinh ngành sư phạm tiểu học, mà chỉ còn sư phạm mầm non thôi. Cho nên việc chúng ta lại tuyển những người có bằng Cao đẳng sư phạm tiểu học chẳng hạn thì chắc chắn rằng sẽ rất khó, rất ít người có thể đáp ứng được.
Vấn đề còn lại là gì? Đó là đối với những giáo viên dạy tin học, công nghệ hoặc giáo viên dạy ngoại ngữ thì các trường Cao đẳng cũng không tuyển sinh những đối tượng này. Vì thế việc chúng ta có hạ chuẩn đi chăng nữa thì việc tìm những người đáp ứng được yêu cầu, phù hợp với chuẩn, cũng như có năng lực sư phạm thực sự cũng là điều rất khó khăn.
Bên cạnh đó, một cái khó nữa là, đối với những người có bằng Cao đẳng ngoại ngữ hoặc tin học, hoặc Cao đẳng một môn chuyên môn nào đó muốn học nghiệp vụ sư phạm để đáp ứng yêu cầu của giáo dục phổ thông 2019 thì cũng không đáp ứng được yêu cầu để học nghiệp vụ sư phạm giáo viên tiểu học. cho nên việc khó sẽ càng khó và tôi nghĩ rằng cho dù chúng ta có hạ chuẩn đi chăng nữa thì việc tìm được đủ giáo viên là việc cực kỳ khó khăn.
PV: Vậy theo ông, để giải bài toán thiếu giáo viên hiện nay, giải pháp trọng tâm là gì?
PGS.TS Phạm Mạnh Hà: Nó liên quan đến một bài toán về tinh giản biên chế. Theo quy định thì các địa phương hàng năm phải giảm số lượng biên chế nhất định, trong đó để đảm bảo định mức này, thường người ta sẽ nhắm đến đối tượng là giáo viên và lĩnh vực về giáo dục.
Vì thế nhiều địa phương người ta cũng ngại tuyển dụng mới giáo viên hoặc nếu có tuyển dụng thì tuyển dụng cầm chừng để cân đối làm sao trong một năm người ta sẽ giảm đủ lượng biên chế theo quy định chung.
Chính vì thế việc chúng ta thực hiện một cách máy móc câu chuyện giảm biên chế, đặc biệt đối với lĩnh vực giáo dục thì nó sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục, cũng như phục vụ cho công tác giáo dục hiện nay.
Thứ 2, câu chuyện chúng ta đưa những môn học mới như: tin học, công nghệ hay môn ngoại ngữ vào trường tiểu học cũng gây ra những khó khăn nhất định, bởi vì giáo viên dạy những môn này rất ít và thường người ta sẽ không lựa chọn đi làm giáo viên bởi vì thu nhập thấp. Chính vì thế câu chuyện chế độ chính sách cũng như đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên dạy những môn học mới ở tiểu học sẽ là một bài toán để các địa phương có một chính sách hỗ trợ, để giúp cho giáo viên có sự yên tâm.
Khi giải quyết được câu chuyện về biên chế, về thu nhập thì tôi tin rằng sẽ rất nhiều cá nhân có trình độ phù hợp, có mong muốn được làm việc trong ngành sư phạm sẽ lựa chọn công việc làm giáo viên và như vậy tình trạng thiếu giáo viên nó sẽ giảm bơt đi.
PV: Xin cảm ơn ông.