Hà Nội: 65% số doanh nghiệp taxi giảm giá cước

Từ ngày 25/11/2008-30/1/2009, Sở Giao thông Vận tải thành phố sẽ tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp taxi trong việc thực hiện các quy định đối với hoạt động taxi.  

Ngày 19/11, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội họp với đại diện các doanh nghiệp hoạt động taxi trên địa bàn để bàn biện pháp bình ổn giá cước trong hoạt động taxi sau khi giá xăng giảm xuống 13.000 đồng/lít bắt đầu từ ngày 15/11/2008.

Theo Sở Giao thông Vận tải, từ ngày 21/7/2008, giá xăng tăng từ 14.500 đồng/lít lên 19.000 đồng/lít (tăng khoảng 31%), các doanh nghiệp taxi trên địa bàn Hà Nội đã đồng loạt tăng giá cước lên xấp xỉ 15%, cao nhất từ trước tới nay (cá biệt có doanh nghiệp taxi Xuân Thành vẫn áp dụng giá cước cũ, không tăng giá). Tuy nhiên, qua vài lần giảm giá đến ngày 15/11, giá xăng A92 đã giảm xuống còn 13.000 đồng/lít, nhưng đến thời điểm này mới có khoảng 65% số doanh nghiệp taxi thực hiện giảm giá cước. Các doanh nghiệp giảm giá cước vận tải taxi với mức giảm phổ biến dao động 10-12%. So với thời điểm giá xăng 17.000 đồng/lit, Hanoi taxi đã giảm giá cước từ 11.000 đồng/km xuống còn 10.000 đồng/km áp dụng cho 30 km đầu và 7000 đồng/km từ 31 km trở lên. Nếu đi 2 chiều quãng đường từ 50 km trở lên được giảm 60% cước chiều về. Các doanh nghiệp taxi cổ phần, taxi Mai Linh, HaNoi Turist giảm giá tương đương. Tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp giảm giá cước chậm hoặc mức giảm thấp chưa phù hợp với giá xăng thực tế.

Hầu hết các doanh nghiệp đều đưa ra lý do giá cước taxi giảm chậm sau khi giảm giá xăng là do doanh nghiệp chờ cơ quan kiểm định đồng hồ taximet giám sát quá trình cài đặt giá cước mới cho đồng hồ. Minh chứng điều này, ông Nguyễn Hồng Minh - taxi Nguyên Minh cho biết: cả thành phố hiện mới có 1 trạm kiểm định đồng hồ duy nhất ở quận Cầu Giấy và mới thêm 2 trạm di động nhưng chỉ hoạt động nửa ngày để kiểm định cho 9.000 xe taxi trên toàn địa bàn.. Mặc dù doanh nghiệp muốn giảm giá cước taxi nhưng buộc phải chờ cơ quan kiểm định đồng hồ, dán tem, kẹp chì theo quy định do đó việc chậm trễ là không tránh khỏi. Ông cũng đưa ra đề nghị cho doanh nghiệp được chủ động giảm giá cước trước sau đó mới kiểm định đồng hồ, dán tem, kẹp chì để đảm bảo cho doanh nghiệp về mặt Luật pháp. Cũng ý kiến tương tự, ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó giám đốc Taxi Vạn Xuân cho biết: trên thực tế có những hãng taxi như taxi Mai Linh có hệ thống điều khiển từ Trung tâm do đó việc dán tem, kẹp chì chỉ mang tính hình thức và không cần thiết, do đó cơ quan quản lý cần nghiên cứu để giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp đồng thời vẫn đảm bảo quyền lợi cho hành khách. Ngoài ra, đại diện của 2 doanh nghiệp này cũng đưa ra những lý do doanh nghiệp phải chịu nhiều chi phí đội lên nên việc giảm giá cước taxi trong đợt này cũng chỉ tương đương với thời điểm giá xăng 14.500 đồng/lit. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số doanh nghiệp vin vào lý do trên để “lừng khừng” trong việc giám giá cước taxi ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách và thiếu bình đẳng với các doanh nghiệp cùng hoạt động taxi.

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có tới 104 doanh nghiệp hoạt động taxi với gần 9.000 xe, tăng 14,8% số doanh nghiệp và 35% số phương tiện so với năm 2007( do hợp nhất địa bàn Hà Tây cũ). Trong thời gian qua do số lượng taxi tăng nhanh không tương xứng với nhu cầu dẫn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bị giảm sút. Mặt khác, do chịu ảnh hưởng của tăng giá xăng, các doanh nghiệp tăng giá cước taxi, một số lái xe sử dụng thiết bị làm sai lệch chỉ số đồng hồ tính tiền làm mất lòng tin của hành khách đi xe. Từ đầu năm đến nay, lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải đã lập biên bản 4968 trường hợp xe taxi vi phạm, xử phạt trên 1,3 tỷ đồng, tạm giữ 21 lượt xe... Các vi phạm chủ yếu là đồng hồ tính cước không đúng quy định, lái xe không đủ tuổi, chưa có chứng chỉ tập huấn, xe không có phù hiệu, dừng đỗ sai quy định, tranh giành khách.... Để dẫn đến tình trạng trên là do các doanh nghiệp buông lỏng quản lý chưa quan tâm đến việc giáo dục ý thức pháp luật cho lái xe, một số doanh nghiệp bán xe trả góp cho lái xe, bán thương hiệu không quản lý để lái xe gian lận trong việc tính cước.

Bắt đầu từ ngày 25/11/2008 đến 30/1/2009, Sở Giao thông vận tải phối hợp với các ngành chức năng sẽ tổ chức kiểm tra tại các doanh nghiệp taxi trong việc thực hiện các quy định đối với hoạt động taxi và từ ngày 5/1 đến 28/2/2009 tăng cường kiểm tra trên hiện trường, kiên quyết xử lý trường hợp taxi vi phạm về đồng hồ tính tiền, màu sơn, phù hiệu, dừng đỗ sai quy định... Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải cũng tiến hành khảo sát để bố trí điểm đỗ cho taxi tại các khu vực như siêu thị, khách sạn, trung tâm thương mại, bến xe, nhà ga; trước mắt từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ bố trí 2-3 điểm đỗ cho taxi; phối hợp với Hiệp hội taxi Hà Nội sắp xếp thời gian hợp lý kiểm tra, cấp phù hiệu taxi; đề nghị với Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng bổ sung thêm các trung tâm đo lường- kiểm định và nghiên cứu xã hội hóa công tác kiểm định đồng hồ taximet để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp taxi trong hoạt động kinh doanh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên