Hà Nội bao giờ hết “lội”?

VOV.VN - Hà Nội cứ mưa to là ngập. Điều này đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô. 

Theo các chuyên gia, thành phố cần có một giải pháp tổng thể mới có thể giải quyết triệt để tình trạng này.

Nhà biến thành ao

Biết trước thời tiết năm nay diễn biến cực đoan, mưa gió thất thường, ngay từ đầu năm, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã chủ động khảo sát hệ thống thoát nước ở các khu vực, tiến hành nạo vét, vớt rác, khớp nối đồng bộ hệ thống thoát nước của từng quận vào hệ thống thoát nước chung của thành phố, lên phương án thoát nước cho từng khu vực.

Trận mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 2 gây ngập úng nhiều tuyến phố Hà Nội.
Thế nhưng mới từ đầu mùa hạ cho đến nay, người dân Thủ đô đã phải trải qua 3-4 lần ngập úng. Trận ngập trên diện rộng mới đây nhất xảy ra ngày 17/7. Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, Hà Nội có mưa lớn khiến một số tuyến đường ở các quận Đống Đa, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy ngập sâu trong nước, cuộc sống của người dân bị đảo lộn, “nhà biến thành ao”.

Anh Lê Nam (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Nhà tôi trên đường Phạm Hùng, gần đây khu này mật độ xây dựng tăng cao, làm ảnh hưởng tới hệ thống thoát nước nên cứ mưa là ngập đi lại đến khổ. Dù tôi thấy ở các điểm ngập úng nặng, công ty thoát nước đều bố trí người trực canh để khơi thông dòng chảy nhưng vẫn không tránh cảnh ngập lụt”.

Nhà chị Ngọc Lan (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị nước mưa tràn vào. “Chồng tôi phải nghỉ ở nhà để tát nước ra ngoài. Đồ đạc nào không kê được lên cao thì hỏng hết. Nhà tôi có bộ bàn ghế và mấy cái gường sau mấy trận mưa bị ngập đang bong tróc trông nham nhở nhưng không dám thay mới khi tình trạng ngập úng chưa được giải quyết. Ngay giữa Thủ đô mà ngập lụt như miền núi. Không biết người dân chúng tôi còn phải chịu cảnh ngập lụt đến bao giờ” - chị Lan bức xúc.

Hệ thống thoát nước của Thủ đô được người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20, đáp ứng nhu cầu cho nội đô với khoảng 500.000 dân. Với sự phát triển của đô thị hiện đại và sự gia tăng dân số nhanh chóng, hệ thống thoát nước cũ đã không đáp ứng được nhu cầu. Từ năm 1988, Thủ đô triển khai các dự án thi công, cải tạo hệ thống thoát nước theo từng phần. Cụ thể, trong giai đoạn 1, dự án tập trung giải quyết trực tiếp các điểm ngập úng trong khu vực 75km2 của nội thành Hà Nội cũ. Giai đoạn 2 đang trong quá trình hoàn thiện là mở rộng ra các khu vực phụ cận.

Cần giải pháp tổng thể

Theo một lãnh đạo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, năng lực tiêu thoát của mạng lưới chỉ đáp ứng lượng mưa từ 50mm/2 giờ trở xuống. Với trận mưa từ 50 - 100mm/2 giờ, thành phố sẽ có tới 18 điểm ngập úng. Với những trận mưa trên 100mm/2 giờ tập trung trong thời gian ngắn dưới 40 phút, hệ thống thoát nước thành phố sẽ quá tải và phát sinh thêm nhiều điểm ngập úng mới.

Ông Phan Ngọc Toàn, Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cho biết, công ty đang được đầu tư dự án 3 trạm bơm tiêu thoát nước một phần từ trong Hà Nội ra lưu vực sông Nhuệ. Như thế Hà Nội sẽ có 3 nguồn tiêu chính thay vì 2 như trước đây: một là thoát nước tự nhiên qua đập Thịnh Liệt; hai là cưỡng bức qua trạm bơm Yên Sở với công suất 90m3/giây; ba là thoát nước cưỡng bức một phần phía tây Hà Nội qua 3 trạm bơm qua sông Nhuệ.

Ngoài ra, từ năm 2010 thông qua dự án của Đan Mạch, Hà Nội đã xây dựng được bản đồ úng ngập của thành phố. Giai đoạn tiếp theo là thử nghiệm xây dựng mô hình úng ngập trên lưu vực sông Kim Ngưu. Khi vận hành thử nghiệm trên lưu vực sông Kim Ngưu thành công sẽ áp dụng nhân rộng trong thành phố, từ đó sẽ có số liệu chính xác cảnh báo úng ngập đối với từng kịch bản mưa.

Hà Nội cứ mưa là ngập
Theo TS.  Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, trước mắt cần ưu tiên triển khai ở những vị trí úng ngập quan trọng nhất để giải quyết cục bộ. Tuy nhiên, muốn giải quyết tổng thể, chúng ta phải kết nối liên thông cả hệ thống các trạm bơm tiêu. Ngoài ra, theo ông Nghiêm, người dân phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác, phế thải gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước.

“Người dân nên vì lợi ích lâu dài của bản thân chứ không nên vì chút lợi ích nhỏ trước mắt làm ảnh hưởng tới hệ thống tiêu thoát nước chung của thành phố”- ông Nghiêm khuyến cáo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sơn La ngập lụt do mưa kéo dài
Sơn La ngập lụt do mưa kéo dài

VOV.VN - Mưa kéo dài suốt 3 ngày qua khiến mực nước tại suối Nậm La, thành phố Sơn La dâng cao, gây ngập lụt nhiều nhà cửa, hoa màu của người dân.

Sơn La ngập lụt do mưa kéo dài

Sơn La ngập lụt do mưa kéo dài

VOV.VN - Mưa kéo dài suốt 3 ngày qua khiến mực nước tại suối Nậm La, thành phố Sơn La dâng cao, gây ngập lụt nhiều nhà cửa, hoa màu của người dân.

Nước sông Chảy dâng cao gây ngập lụt ở Lục Yên
Nước sông Chảy dâng cao gây ngập lụt ở Lục Yên

VOV.VN - Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, giúp dân di dời tài sản lên các vị trí cao hơn

Nước sông Chảy dâng cao gây ngập lụt ở Lục Yên

Nước sông Chảy dâng cao gây ngập lụt ở Lục Yên

VOV.VN - Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, giúp dân di dời tài sản lên các vị trí cao hơn

Hà Nội mưa lớn, nhiều khu vực nội thành ngập lụt, giao thông ùn tắc
Hà Nội mưa lớn, nhiều khu vực nội thành ngập lụt, giao thông ùn tắc

VOV.VN - Một số nơi trong nội thành Hà Nội đã có mưa vừa đến mưa to, gây ra tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. 

Hà Nội mưa lớn, nhiều khu vực nội thành ngập lụt, giao thông ùn tắc

Hà Nội mưa lớn, nhiều khu vực nội thành ngập lụt, giao thông ùn tắc

VOV.VN - Một số nơi trong nội thành Hà Nội đã có mưa vừa đến mưa to, gây ra tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.