Hà Nội: Bổ cập nước sông Tô Lịch phải làm đồng bộ với các sông còn lại
VOV.VN - Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, việc triển khai bổ cập nước với sông Tô Lịch phải làm đồng bộ với các sông còn lại, đây là nhiệm vụ nằm trong tổng thể đề án bảo tồn, phát huy, cải tạo môi trường của các con sông trong nội thành.
Chiều 11/12, HĐND thành phố Hà Nội chất vấn Sở Xây dựng và Sở TN-MT về giải pháp bổ cập nước cho các sông: sông Lừ, Sét, Kim Ngưu. Trước đó, UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành tham mưu dự án xây dựng đường ống riêng để bổ trợ nước sông Hồng qua Hồ Tây cho sông Tô Lịch để cải tạo môi trường cho dòng sông. HĐND thành phố chất vấn, khi nào thì các sông còn lại được bổ trợ nước?
Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sông Tô Lịch, Lừ, Kim Ngưu, Sét nằm hoàn toàn trong khu vực đô thị khoảng 17,5km2. Về giải pháp, toàn bộ nước thải của sông Tô Lịch, sông Lừ được thu gom về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; nước thải của sông Kim Ngưu, Sét được thu về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng, để triển khai bổ cập nước cho các sông, Sở Xây dựng chủ trì triển khai bổ cập nước cho sông Tô Lịch, hiện Sở đang phối hợp cùng các đơn vị để triển khai. Việc triển khai bổ cập nước với sông Tô Lịch phải làm đồng bộ với các sông còn lại, đây là nhiệm vụ nằm trong tổng thể đề án bảo tồn, phát huy, cải tạo môi trường của các con sông trong nội thành. Đến nay, Sở Xây dựng đang phối hợp với các sở, ngành, đặc biệt là Sở TN-MT - cơ quan chủ trì đề án để triển khai các giải pháp. Trong đó, tập trung cải thiện toàn bộ nguồn thải, thứ hai là bổ cập nước bằng hai nguồn chính. Từ nguồn nước sau khi xử lý quay ngược lại cho các dòng sông, thứ hai là nguồn nước từ bên ngoài như từ sông Hồng để bổ cập.
Giám đốc Sở TN-MT Lê Thanh Nam cho biết, đề án vẫn còn một số nội dung bất cập trong quá trình thực hiện cần hoàn thiện. Theo chỉ đạo của Thành phố, các giải pháp phải tổng thể hơn, xin thêm ý kiến của các chuyên gia về các giải pháp triển khai. "Các nội dung, giải pháp đưa ra được đề xuất theo hướng cải thiện chất lượng nước, duy trì dòng chảy sinh thái, tăng cường quá trình làm sạch tự nhiên của các con sông, bổ cập nước tự nhiên; quy hoạch môi trường thoát nước, cảnh quan bảo đảm trên nguyên tắc thu gom triệt để nước thải, mở rộng lòng sông, cây xanh".
Sở TN-MT Hà Nội dự kiến dự án hoàn chỉnh và trình UBND thành phố vào tháng 1/2025.