Hà Nội: Buýt nhanh BRT dù hiện đại nhưng làm khó người khuyết tật
VOV.VN - Tuyến xe buýt BRT được cho là hiện đại nhất của Thủ đô thiếu thiết kế để người khuyết tật có thể sử dụng đi lại.
Theo thống kê trên cả nước hiện có khoảng 7,2 triệu người khuyết tật (chiếm 8,7% dân số). Tuy nhiên, người khuyết tật bị mất đi quyền bình đẳng khi tham gia các hoạt động xã hội. Các công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội hay trụ sở cơ quan quan chính quyền được xây dựng nhưng ít đảm bảo các điều kiện tiếp cận của người khuyết tật.
Cầu đi bộ không có độ dốc cao, thiếu lối lên cho người khuyết tật. |
Toàn tuyến buýt BTR đầu tiên của Hà Nội, Kim Mã – Yên Nghĩa có 21 nhà chờ, trong số này hành khách sẽ tiếp cận 9 nhà chờ bằng cầu đi bộ: Nhà chờ Văn Phú, nhà chờ KĐT Parkcity, nhà chờ cầu La Khê, nhà chờ Văn Khê, nhà chờ Dương Nội, nhà chờ Vạn Phúc 2, nhà chờ Khuất Duy Tiến, nhà chờ Thành Công. Một trong những tính năng ưu việt của buýt BRT là thiết kế sàn xe bằng phẳng với cốt nền nhà chờ thuận lợi cho người tàn tật.
Trên xe BRT đều dành chỗ riêng cho người khuyết tật, sử dụng xe lăn. Thế nhưng hạ tầng kỹ thuật của cầu đi bộ kết nối với nhà chờ xe buýt đều có độ dốc cao, không có đường dành cho xe của người khuyết tật. Đây là một thiệt thòi đáng tiếc khiến người khuyết tật không có cơ hội đi xe buýt BRT, một phương tiện vận chuyển hành khách được đánh giá tiện ích.
Ông Nguyễn Văn Sơn ở Văn Khê, Hà Đông một người khuyết tật tạm thời sau 1 vụ va chạm giao thông, cột sống bị thương tổn phải ngồi xe lăn trong suốt quãng thời gian 3 tháng cho biết, khi phải ngồi xe lăn mới thấy hết những khó khăn của người khuyết tật. Từ nhà muốn đi xe buýt vào thành phố phải có thêm người nhà hỗ trợ thì mới có thể đi xe buýt.
Có thể thấy rằng, ở các tuyến xe buýt tại các thành phố như Hà Nội, TP HCM trên xe và nhà chờ đã lắp đặt hệ thống loa thông báo tuyến xe sắp đến hay xe sắp dừng đón trả khách ở điểm nào. Thái độ nhân viên soát vé, lái xe đối với người khuyết tật cũng đã được coi trọng.
Tuy nhiên, việc đi lại bằng xe buýt đối với người mù vẫn gặp nhiều khó khăn để bắt được đúng tuyến xe của mình. Xe buýt thường không có hệ thống trợ giúp nâng xe lăn lên xuống. Vỉa hè khó khăn cho người khuyết tật đi lại, nhất là những nơi trông giữ phương tiện xe đạp, xe máy, hàng quán lấn chiếm vỉa hè.
Nhiều công trình mang tính cộng đồng như: công viên, vườn hoa, quảng trường và các không gian công cộng… được cải tạo xây dựng chưa tính đến nhu cầu tiếp cận và sử dụng của người khuyết tật. Tại khu vực trung tâm Hà Nội như: Vườn hoa Lý Thái Tổ phía mặt chính đường dốc lối lên sân khấu không đảm bảo độ dốc cho người khuyết tật, lối đi thiếu tấm nổi cho người khiếm thị. Hồ Hoàn Kiếm là không gian công cộng nổi tiếng của Thủ đô nhưng người khuyết tật cũng khó có khả năng tiếp cận. Có rất ít lối lên cho xe lăn và gần như không có biển báo cho người khuyết tật và nhà vệ sinh để người khuyết tật sử dụng. Tương tự khu vực Quảng trường Cách mạng tháng 8 trước Nhà hát lớn. Mật độ đi lại của phương tiện cao nhưng không có giải pháp nào dành cho người khuyết tật như biển báo, đường dốc, đường lát nổ cho người khiếm thị.
Đá lát sân khấu Vườn hoa Lý Thái Tổ thiết kế chưa tính tới người khuyết tật.
Theo TS. KTS Lê Thị Bích Thuận (Viện nghiên cứu và phát triển hạ tầng), để người khuyết tật có thể tham gia vào các hoạt động xã hội, tiếp cận các không gian công cộng, cần được quan tâm đẩy mạnh các giải pháp thiết kế hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn trong đô thị. Các lối lên xuống có thay đổi độ cao phải thiết kế đường dốc theo tiêu chuẩn. Lối đi bộ, đường dạo trong công viên, vườn hoa không có vật cản, có chiều rộng đảm bảo đủ xe lăn đi được. Có gờ chắn an toàn khi cốt cao trên 300 mm, có lát các tấm lát dẫn hướng, tấm lát cảnh báo cho người khiếm thị. Bãi để xe ô tô, xe máy phải bố trí chỗ để xe dành riêng cho người khuyết tật nơi thuận tiện nhất. Tiện nghi công cộng trên đường phố phải bảo đảm an toàn cho người khuyết tật tiếp cận và sử dụng.
Giao thông công cộng tại các điểm dừng, gạch lót vỉa hố phải là loại vật liệu đặc biệt tại nơi xe buýt dừng để chỉ dẫn cho người khiếm thị dễ tiếp cận tại lối lên xuống và điểm chờ xe. Vệt dốc tạo điều kiện để cho người sử dụng xe lắn có thể lên xuống xe buýt dễ dàng. Có thể lắp vệ dốc liền xe buýt, có thể đẩy, kéo lại nhẹ nhàng khi có người khuyết tật tật yêu cầu.
“Để người khuyết tật có thể tham gia vào các hoạt động xã hội, hưởng thụ các không gian công cộng, hơn ai hết các kiến trúc sư, các nhà hoạch định đô thị phải có ngay biện pháp nhằm nâng cao nhận thức và thiện chí của chủ đầu tư và các nhà quản lý có cơ chế thưởng phạt với các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động xây dựng tạo môi trường tiếp cận cho người khuyết tật”, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận nói./.