Hà Nội cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng
VOV.VN - Dự kiến hết ngày hôm nay 4/5, thành phố Hà Nội sẽ cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, nghèo và cận nghèo.
Trong 4 ngày nghỉ lễ, nhiều quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đã chi trả tiền hỗ trợ đạt tỷ lệ cao. Nổi bật là huyện Hoài Đức đã hoàn thành việc hỗ trợ 100% vào sáng 1/5; quận Đống Đa, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm… đã hoàn thành hơn 90%.
Dự kiến hết ngày hôm nay (4/5), thành phố Hà Nội sẽ cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, nghèo và cận nghèo. Trong tuần này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho thành phố Hà Nội sẽ ban hành quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng người lao động.
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, dự kiến, 30/30 quận, huyện, thị xã sẽ cơ bản hoàn thành việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng trong đợt 1 vào cuối ngày hôm nay (4/5).
Một số trường hợp đủ điều kiện thụ hưởng, nhưng vì lý do nào đó chưa thể lĩnh kinh phí hỗ trợ trong khoảng thời gian từ ngày 30/4 đến 4-5, các địa phương sẽ bố trí cho họ đến nhận tiền vào thời gian, địa điểm thích hợp trong một vài ngày tới. Cùng với việc khẩn trương chi kinh phí hỗ trợ đến người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đang xây dựng dự thảo Quyết định thực hiện đối với các đối tượng liên quan đến người lao động, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 để trình UBND thành phố xem xét, ban hành.
“Sau khi các Sở tham mưu cho UBND thành phố, thành phố sẽ ra Quyết định tương tự với các điều kiện, tiêu chí của Quyết định 15 của Thủ tướng, có trình tự, thủ tục xét duyệt cho các đối tượng người lao động tự do. Đối với các doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho người lao động, các hộ kinh doanh cá thể, UBND thành phố sẽ ban hành quyết định, quy định để thực hiện chính sách đối với các đối tượng, khả năng trong nửa đầu tháng 5 sẽ thực hiện chi trả cho các đối tượng này”, ông Nguyễn Hồng Dân cho biết.
Theo ông Nguyễn Hồng Dân, để việc chi trả được công khai, minh bạch, đúng người, đúng đối tượng, đảm bảo không xảy ra khiếu kiện, các quận, huyện, thị xã chỉ đạo cấp xã, phường, thị trấn thành lập Hội đồng xét duyệt các đối tượng thụ hưởng do Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn làm Chủ tịch hội đồng, thành viên là đại diện các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội ở cơ sở, do số lao động cần hỗ trợ lớn và phức tạp nên việc chi trả có thể kéo dài hết tháng 6.
“Mặt trận tổ quốc các cấp đang thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp, giám sát, bắt đầu từ khâu rà soát cho đến các bước, các quy trình đến khâu cuối cùng là khâu thực hiện chi trả, xem việc rà soát có đúng đối tượng không, có kịp thời chi trả hay không, đúng theo Quyết định 15 hay không. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố sẽ thành lập các đoàn kiểm tra thực hiện chính sách này ở 30 quận, huyện, thị xã và tại các xã, phường, thị trấn làm sao đảm bảo thực hiện đúng”, ông Dân cho biết thêm.
Thông tin về việc chi trả, hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trên địa bàn quận Hà Đông, lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hà Đông cho biết, thực hiện Quyết định số 1757/QĐ-UBND ngày 29/4/2020 của UBND TP Hà Nội, quận dự kiến chi trả cho 9.045 người, với tổng kinh phí 11,142 tỉ đồng.
Do thời gian đang nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nên quận Hà Đông gặp khó khăn trong việc rút tiền từ kho bạc và ngân hàng. Vì vậy, sáng 4/5, quận này đã rút nốt tiền và ngay chiều nay các phường còn lại của quận Hà Đông đã thực hiện chi trả xong.
Các địa phương như: Đông Anh, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Ứng Hòa, thị xã Sơn Tây… cũng cho biết, kế hoạch chi trả cho các đối tượng thụ hưởng, chậm nhất đến ngày 4/5 sẽ hoàn thành.
Theo rà soát ban đầu, Thành phố Hà Nội có gần 138.000 người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương cho người lao động từ tháng 4 đến hết tháng 6; hơn 925.000 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và người không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm./.