Công nhân ở Bình Dương thực hiện "3 tại chỗ", diện trang phục như đi du lịch
VOV.VN - Khi dịch Covid-19 bùng phát và có dấu hiệu lây lan nhanh vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương đã áp dụng phương án 3 tại chỗ (ăn- ở- làm tại nhà máy) cho công nhân.
Nhiều chế độ đãi ngộ cho công nhân
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong gần 1 tháng qua, Công ty Earth Corporation Việt Nam, ở khu công nghiệp Nam Tân Uyên đã vận động gần 200 cán bộ, công nhân ở lại nhà máy nhằm đảm bảo an toàn. Để có chỗ nghỉ ngơi rộng rãi, thoáng mát, tập thể ban giám đốc và công nhân công ty đã cùng nhau xắn tay dọn dẹp, sắp xếp lại máy móc trong văn phòng.
Nhà ăn cũng được bố trí lại để tất cả công nhân có thể tự mình vào bếp làm những món ăn ngon đãi mọi người. Đặc biệt, trong suốt thời gian ở lại công ty làm việc, ban giám đốc cũng như công nhân đều mặc chung trang phục như đi du lịch để tạo cảm giác thoải mái như ở nhà.
Bà Phan Thị Phương Linh - Giám đốc Nhân sự Công ty Earth Corporation Việt Nam cho biết, cán bộ, công nhân ở lại nhà máy ngoài các chế độ lương, thưởng, tăng ca, còn được ăn uống ngày 4 bữa, riêng ngày cuối tuần, toàn bộ người lao động nấu ăn, nghỉ ngơi vui chơi, giải trí. Công ty còn thưởng cho mỗi công nhân 5,5 triệu đồng để khuyến khích họ ở lại tham gia sản xuất.
“Chúng tôi cảm thấy dịch bệnh đang diễn tiến rất phức tạp, đặc biệt là tại các khu nhà trọ. Đặc thù, cán bộ, công nhân viên công ty hầu hết ở nhà trọ nên việc các bạn được ở, tập trung sinh hoạt tại nhà máy sẽ góp một phần trong phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe, hoạt động kinh doanh sản xuất của công ty”, bà Phan Thị Phương Linh nói.
Thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa sản xuất”, Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam, ở Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II, thành phố Thủ Dầu Một đã bố trí chỗ ăn ở cho hơn 700 cán bộ, công nhân. Để có chỗ ở cho tất cả, công ty cho cải tạo lại 2 khu xưởng, lắp đặt thêm máy lạnh, mùng, mền; gắn thêm vòi hoa sen tại nhà vệ sinh. Ngoài 4 bữa ăn được cung cấp miễn phí, công nhân còn được công ty tặng 1 thùng sữa tươi và hỗ trợ mỗi người 100.000 đồng/ngày.
Công nhân Võ Thị Huỳnh Gương tâm sự, trước khi vào ở trong ngôi nhà chung Foster chị phải gửi con nhỏ về quê cho ông bà nội. Chồng chị cũng làm công nhân và được công ty bố trí chỗ ở lại nên hiểu và động viên vợ cố gắng làm việc, giữ gìn sức khỏe trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
“Nếu mình đi đi, về về và phải đi chợ nấu cơm thì tần suất tiếp xúc với người bên ngoài nhiều. Bản thân mình không biết người ta có bị bệnh hay không nên cảm thấy rất nguy hiểm. Khi mình ở lại trong công ty và tất cả đã được test Covid-19 sẽ an toàn, tránh được rủi ro hơn bên ngoài”, Võ Thị Huỳnh chia sẻ.
Khuyến khích chứ không ép buộc
Theo thống kê, Bình Dương hiện có khoảng 1.100 ca mắc Covid-19, hầu hết đều là công nhân ở các doanh nghiệp. Dịch bệnh làm hơn 40 doanh nghiệp phải ngưng sản xuất do có ca mắc Covid-19 và hàng chục ngàn công nhân đang phải cách ly tập trung, cách ly tại nhà. Chia sẻ khó khăn với đoàn viên, công nhân lao động, Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương đã trích kinh phí công đoàn chi hỗ trợ 3 triệu đồng/người đối với công nhân là F0. Trường hợp là F1 được chi 1,5 triệu đồng/người; F2 được 500.000 đồng/người. Ngoài ra, lãnh đạo Liên đoàn lao động cũng đã đến tận nơi ở trao hỗ trợ cho người thân của công nhân là F0, F1 để họ yên điều trị, cách ly.
Theo nhận định của Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn hiện nay, khi dịch Covid-19 có dấu hiệu lây lan nhanh vào các nhà máy, khu công nghiệp, việc doanh nghiệp bố trí cho công nhân ở lại nhà máy làm việc là hết sức hiệu quả, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh đã có 48 doanh nghiệp với hơn 7.000 công nhân ở lại nhà máy làm việc.
Bà Nguyễn Kim Loan- Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho hay, đơn vị đang tiếp tục phối hợp với các cấp công đoàn vận động chủ doanh nghiệp cho công nhân ở lại nhà máy làm việc. Khi các doanh nghiệp thực hiện việc này, phải bảo đảm cơ sở vật chất, tiện nghi thiết yếu cho người lao động; đồng thời phải đăng ký với chính quyền địa phương về số người lưu trú để dễ dàng trong công tác quản lý.
“Các doanh nghiệp đã có động thái rất tích cực. Mặc dù khó khăn nhưng doanh nghiệp đã luôn xem người lao động là nguồn vốn quý cùng đồng hành để phát triển. Rất chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như thế này đã làm được điều đó thì ở góc độ tổ chức công đoàn, chúng tôi rất trân trọng và cảm ơn vì đã cùng chăm lo cho người lao động”, bà Nguyễn Kim Loan bày tỏ.
Bên cạnh các doanh nghiệp động viên, khuyến khích người lao động ở lại nhà máy thì cũng không ít đơn vị đưa ra yêu cầu khắt khe, nếu không ở lại nhà máy sẽ chấm dứt hợp đồng lao động. Vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, sẽ yêu cầu các ngành kiểm tra để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Thời điểm này, việc sắp xếp cho công nhân ở lại nhà máy, hạn chế di chuyển sẽ góp phần giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, tuy nhiên, phải có sự đồng thuận, hợp tác thì công tác phòng dịch mới đạt hiệu quả; bản thân doanh nghiệp cũng giữ chân được người lao động, giúp họ yên tâm gắn bó lâu dài./.