Hà Nội: Hơn 20 năm, 200m đường vẫn còn dang dở

VOV.VN - Sự bế tắc của các ngành chức năng đã làm “nút cổ chai” Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng trở thành điểm nóng nhất về ùn tắc giao thông.

Quyết định thu hồi đất từ năm 1994 và triển khai từ năm 2000 (thời điểm chưa thành lập quận Hoàng Mai), nhưng sau hơn 20 năm, 200 mét đường thuộc Dự án đường giao thông quanh hồ Linh Đàm giai đoạn I (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa thể hoàn thành. Sự bế tắc của các ngành chức năng đã làm “nút cổ chai” Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng trở thành một trong những điểm nóng nhất về ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.  

Cấm xe ô tô là giải pháp tình thế mà ngành chức năng đưa ra để hạn chế ùn tắc.

 “Hơn 20 năm, qua bốn nhiệm kỳ Chủ tịch quận huyện, 200 mét đường vẫn còn dang dở”, là thực tế đang xảy ra tại nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội). Với quãng thời gian đằng đẵng đó, ngã ba giao cắt này được mệnh danh là nút cổ chai “trường thọ” nhất Thủ đô.

Do số lượng người tham gia giao thông quá lớn, trong khi mặt đường Nguyễn Hữu Thọ đột nhiên co hẹp, từ 26 mét xuống còn 10 mét (đoạn tiếp giáp với đường Giải Phóng) nên tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra.

Bà Nguyễn Thị Liễu, trú tại số nhà 52, đường Nguyễn Hữu Thọ nói: “Ở đây tắc đường nhiều lắm, nhất là buổi chiều. Xe máy leo lên hết vỉa hè. Chỗ eo này rất nhỏ, người đi thì đông nên tình trạng xe đâm xô, tai nạn nhiều. Chúng tôi mong sớm giải tỏa, thi công tiếp đường này vì tôi thấy như vậy là quá chậm”.

Thượng tá Nguyễn Đức Thịnh, Đội phó Đội cảnh sát giao thông số 14 (Phòng CSGT Công an Hà Nội) cho rằng, điểm giao cắt Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng là “nút thắt cổ chai đặc biệt”. Bởi, ngoài mặt cắt đường bị co hẹp hơn một nửa, giao thông ở đây còn bị tác động lớn từ hệ thống đường sắt. Việc các phương tiện giao thông khác phải nhường đường cho hàng chục chuyến tàu chạy qua mỗi ngày càng làm cho tình trạng ùn tắc giao thông khó kiểm soát: “Khi mỗi chuyến tàu chạy qua lưu lượng phương tiện từ Nguyễn Hữu Thọ đổ ra tuyến đường Giải Phóng hai chiều rất đông. Cho nên điều hòa giao thông ở tuyến đường này rất thất thường. Vì những chuyến tàu, vì những đường hẹp kéo dài nên khi chúng tôi mở chỗ này lại ùn tắc chỗ khác. Đây là cái bất khả kháng đối với lực lượng cảnh sát giao thông”.

Rõ ràng, ùn tắc tại nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng là thực trạng không phải bàn cãi, mà nguyên nhân là hơn 200 mét đường Nguyễn Hữu Thọ còn lại đã không được triển khai thực hiện. Công tác giải phóng mặt bằng gần như “tê liệt” được xem là nguồn cội của 20 năm không xong 200 mét đường.

Đoạn đường 20 năm dang dở nhìn từ trên cao.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban giải phóng mặt bằng quận Hoàng Mai, mấu chốt của sự chậm trễ này là do những hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng Dự án vẫn không đồng thuận với phương án hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, mặc dù quận đã áp dụng đúng khung, quy định chung của thành phố. Thậm chí, quận còn xin ý kiến thành phố, xây dựng phương án đặc thù, theo hướng gia tăng hỗ trợ, nhưng các hộ dân vẫn chưa đồng tình. Hiện, tại dự án này vẫn còn 5 hộ với khoảng 4.000 m2 đất (chủ yếu là đất vườn) chưa được giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư (là Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Xây dựng).

Ông Nguyễn Anh Tuấn nói: “Căn cứ hồ sơ địa chính chúng tôi cũng đã đề xuất thành phố tháo gỡ. Liên ngành thành phố cũng đã tổ chức họp và có báo cáo thành phố. Trong thời gian tới thì chúng tôi tiếp tục có những báo cáo để thành phố quan tâm tâm tháo gỡ theo đề xuất của quận, làm cơ sở cho bồi thường, hỗ trợ tái định cư…”.

Trả lời phóng viên, ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cũng thừa nhận sự chậm trễ trong triển khai phần còn lại của tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ. Sự chậm trễ này không phải do nguồn lực tài chính của chủ đầu tư, mà do công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, khẳng định điểm tắc 200 mét tại đường Nguyễn Hữu Thọ sẽ được khởi công trở lại vào đầu năm 2016:  “Doanh nghiệp là chủ đầu tư và trong quá trình triển khai chủ đầu tư thực hiện thì vướng giải phóng mặt bằng.

Vì vậy có thể nói dự án chậm không phải do phụ thuộc vào doanh nghiệp. Thực chất là vướng giải phóng mặt bằng, chứ không liên quan đến nguồn vốn hay sự tích cực của doanh nghiệp”.

Thực trạng giao thông tại ngã ba Nguyễn Hữu Thọ-Giải Phóng.

Thông tin từ Phó Giám đốc Sở GT-VT càng được khẳng định, khi đã nhiều lần Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội có văn bản yêu cầu quận Hoàng Mai quyết liệt giải phóng mặt bằng dự án này. Tuy nhiên, đến nay (gần hết quý I năm 2016), tại thực địa của nút giao thông “trường thọ” này, vẫn không hề “nhúc nhích”, những căn nhà cấp bốn, các điểm kinh doanh dịch vụ…vẫn y nguyên như nhiều năm về trước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vì sao “nút cổ chai” Linh Đàm “trường thọ” nhất Thủ đô?
Vì sao “nút cổ chai” Linh Đàm “trường thọ” nhất Thủ đô?

VOV.VN -Hàng chục năm qua, việc giải tỏa “nút cổ chai” Linh Đàm vẫn chưa tìm được sự đồng thuận giữa chính quyền, doanh nghiệp, các Sở, ngành và người dân.

Vì sao “nút cổ chai” Linh Đàm “trường thọ” nhất Thủ đô?

Vì sao “nút cổ chai” Linh Đàm “trường thọ” nhất Thủ đô?

VOV.VN -Hàng chục năm qua, việc giải tỏa “nút cổ chai” Linh Đàm vẫn chưa tìm được sự đồng thuận giữa chính quyền, doanh nghiệp, các Sở, ngành và người dân.