Hà Nội lên phương án “dọn sạch” nhà nổi, cầu dẫn trên Hồ Tây
VOV.VN - Theo kế hoạch việc thực hiện tháo dỡ, di dời toàn bộ các phương tiện thủy nội địa, cầu dẫn, sàn nổi ra khỏi Hồ Tây sẽ thực hiện xong trong tháng 3.
Để chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, khai thác thủy sản trong phạm vi Hồ Tây, ngày 17/2, UBND quận Tây Hồ ban hành kế hoạch tháo dỡ, di dời các phương tiện thủy nội địa, cầu dẫn, sàn nổi trên Hồ Tây.
Theo kế hoạch này, việc thực hiện tháo dỡ, di dời toàn bộ các phương tiện thủy nội địa, sàn nổi ra khỏi Hồ Tây sẽ thực hiện xong trong tháng 3.
Nhà hàng nổi, du thuyền kinh doanh trên mặt nước Hồ Tây |
Các phường Thụy Khuê, Nhật Tân, Quảng An, Yên Phụ, Xuân La chủ trì phối hợp với Ban quản lý Hồ Tây và các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ không để các bến thủy nội địa tiếp tục hoạt động và xử lý vi phạm, đề xuất xử lý vi phạm theo thẩm quyền, phối hợp chặt chẽ với Điện lực Tây Hồ, Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Ba Đình thường xuyên kiểm tra các dịch vụ cấp điện, cấp nước cho hoạt động bến thủy nội địa.
Ban quản lý Hồ Tây thành lập tổ công tác phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tiếp nhận tài sản tại hiện trường sau khi đã thống kê, niêm phong và đưa về nơi tập kết. Lập phương án, dự toán tháo dỡ phá dỡ các cầu tàu, sàn nổi, sàn cứng… Lập dự toán và tổ chức xây dựng, lắp đặt lan can khu vực từ số 2 đến số 10 Nguyễn Đình Thi. Chủ trì di chuyển các phương tiện tạm thời về khu vực tập kết tại khu vực Đầm Bảy, phường Nhật Tân.
Cầu dẫn trên mặt nước Hồ Tây. |
Trước đó, tại Thông báo số 38/TB-UBND ngày 7/2/2017, thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trong phạm vi quản lý Hồ Tây. Xác định vị trí tập kết tổ chức di chuyển phương tiện về 1 vị trí tập kết. Xây dựng kế hoạch tháo dỡ phương tiện, cầu dẫn, sàn nổi… trên Hồ Tây.
Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về quá trình hoạt động, kinh doanh tại Hồ Tây. Nguồn gốc, xuất xứ của tàu thuyền, phương tiện nổi, thời gian sử dụng, giá trị ban đầu, giá trị sau khấu hao đến thời điểm hiện tại (kèm theo chứng từ liên quan). Hợp đồng lao động, số lao động doanh nghiệp sử dụng, tiền lương (có bản sao kèm theo), những khó khăn vướng mắc của người lao động khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh trong phạm vi quản lý Hồ Tây.
Liên quan đến hoạt động bến thủy Hồ Tây, trước đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - Nguyễn Thế Hùng ký văn bản số 6016/UBND-ĐT chỉ đạo tạm dừng hoạt động bến thủy nội địa Hồ Tây.
Theo đó, UBND thành phố đồng ý với đề xuất của Sở GT-VT về việc kiến nghị liên quan đến vị trí kinh doanh của Công ty CP Nhà nổi Hồ Tây, cụ thể là tạm dừng hoạt động bến thủy nội địa và các hoạt động kinh doanh có liên quan ở khu vực Hồ Tây do không đảm bảo các điều kiện về hoạt động bến thủy nội địa, về phương tiện thủy nội địa và để phối hợp với công tác kiểm tra, xử lý môi trường nước Hồ Tây.
UBND TP giao Sở GT-VT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát kỹ hồ sơ của các doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động bến thủy nội địa Hồ Tây, căn cứ quy định của pháp luật và các tài liệu pháp lý đề xuất biện pháp xử lý đối với kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến quyền lợi của doanh nghiệp.
Đồng thời, Sở GT-VT căn cứ quy định của pháp luật, đề xuất biện pháp quản lý theo đúng chủ trương của UBND TP đối với công tác quản lý bến thủy nội địa Hồ Tây, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý bến thủy nội địa, thiết lập trật tự trong công tác quản lý bến thủy nội địa Hồ Tây, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, quy hoạch và mỹ quan đô thị./. Đóng cửa du thuyền, nhà nổi Hồ Tây không có bồi thường