Hà Nội nêu lý do chậm chuyển đổi Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp
VOV.VN - Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, việc chậm chuyển đổi Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai gây lãng phí là do dự án sử dụng vốn vay Trung ương, nay chuyển đổi sang nhà ở xã hội cần làm rõ các nội dung, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền.
Ngày 5/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cùng đại biểu Quốc hội (Đơn vị bầu cử số 4) tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại trụ sở Quận ủy-HĐND-UBND quận Hoàng Mai kết nối với điểm cầu Huyện ủy Gia Lâm.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Bùi Đức Anh (cử tri phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) cho biết, tuyến đường phía Đông trung tâm hành chính quận có mặt cắt 30m, chiều dài 1,97km đã khánh thành đưa vào sử dụng (đầu tháng 11/2023) mang lại diện mạo mới cho khu vực. Tiếp giáp phía Nam của tuyến đường có ô đất được quy hoạch là đất công viên và cây xanh, cử tri được biết ô đất trên được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và được Thủ tướng Chính phủ giao cho Công ty Gamuda để đầu tư xây dựng. Hiện các công viên, vườn hoa trong quận còn thiếu thế nhưng tại ô đất gần Khu đô thị Gamuda lại để hoang hóa nhiều năm, gây lãng phí. Cử tri Đức Anh đề nghị Công ty CP Gamuda đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án. Nếu không thực hiện đề nghị quận Hoàng Mai thu hồi, đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách để tránh lãng phí tài nguyên đất, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật.
Lĩnh vực tài nguyên, môi trường, dân sinh được các cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm quan tâm, trong đó cử tri đề xuất sớm chuyển đổi Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội cho người lao động. Cử tri Nguyễn Kim Thoa (Bí thư chi bộ tổ dân phố số 19, 20, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) nêu Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt được bàn giao từ năm 2015, nhưng trong số 3 khu nhà còn lại cho sinh viên thuê (nhà A6, A5, A1), chỉ có duy nhất 1 khu đang hoạt động, với số lượng sinh viên đến ở chỉ đạt khoảng 30%. Cử tri đề nghị các đại biểu Quốc hội có ý kiến giúp đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công năng của các khu nhà ở sinh viên thành nhà ở xã hội, góp phần cung cấp thêm nhà ở giá rẻ cho các đối tượng thuộc diện chính sách, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.
Trả lời các vấn đề cử tri quan tâm theo thẩm quyền, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, với dự án công viên cây xanh đã được giao cho Công ty CP Gamuda thực hiện, nhưng tiến độ chậm, cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ. Dự án Gamuda City đã triển khai nhiều năm, các hạng mục đã từng bước hình thành. Hiện phía chủ đầu tư đang rà soát xin các cấp điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư sau khi vi chỉnh lại một số hạng mục về quy hoạch, trong đó có hạng mục công viên cây xanh nằm gần trụ sở UBND quận Hoàng Mai.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì thẩm định đã tiếp thu và trong giai đoạn xin ý kiến các Bộ ngành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Thủ tục đang được triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố sẽ đôn đốc nhà đầu tư, theo dõi các thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chủ trương cải tạo, xây dựng mới công viên vườn hoa đã được Thành ủy chỉ đạo trong chương trình về chỉnh trang, phát triển đô thị trên địa bàn thành phố.
Đối với Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, lãnh đạo Thành phố khẳng định, đây là nội dung thành phố rất quan tâm. Trước đây dự án sử dụng vốn vay Trung ương, nay chuyển đổi cần làm rõ các nội dung, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền. Thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chủ trì cùng các ngành làm rõ việc thực hiện quyết toán, xác định khối lượng các hạng mục giữ nguyên là nhà ở sinh viên, các hạng mục chuyển đổi, phương thức đầu tư để chuyển công năng sang nhà ở xã hội...
"Định hướng chuyển đổi sang nhà ở xã hội là cần thiết trong thời điểm quy hoạch di dời các trường đại học ra khỏi nội đô. Tuy nhiên, do sử dụng vốn vay nên khi chuyển đổi cần làm rõ các nội dung thực hiện các thủ tục chuyển đổi phát huy giá trị dự án đầu tư"- ông Quyền nói.
Luật Thủ đô (sửa đổi) thông qua sẽ tạo điều kiện rất lớn để Hà Nội phát triển
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XV đã làm việc trên tinh thần trách nhiệm cao, xem xét từng vấn đề một cách kỹ lưỡng, cẩn thận. Đây cũng là một trong những lý do một số dự án luật, như Luật Đất đai sửa đổi chưa được thông qua.
Thông tin với cử tri về việc Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Luật Thủ đô (sửa đổi) thông qua sẽ tạo điều kiện rất lớn để Hà Nội phát triển, nhất là có điều kiện về cơ chế, chính sách để đầu tư xây dựng, hiện thực hóa các quy hoạch chiến lược như hình thành 2 thành phố ở phía Bắc và phía Tây, vừa góp phần giảm tải cho nội đô vừa tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô; xây dựng các cầu lớn qua sông Hồng, chuẩn bị dự án đường sắt đô thị...
Cùng với hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Thành phố cũng sẽ tập trung hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, phấn đấu kịp trình Quốc hội thông qua cả 3 nội dung này vào Kỳ họp thứ bảy tới
Thời gian tới, đặc biệt, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương, trong đó, có quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận dụng cơ chế phân cấp, ủy quyền mạnh được Thành phố giao, chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đẩy mạnh đầu tư phát triển các lĩnh vực, nhất là giải quyết tốt các vấn đề bức xúc, nổi cộm, đáp ứng kịp thời nhu cầu, nâng cao đời sống người dân.
Đồng thời, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 07/8/2023, của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố.