Hà Nội: Phát nước sông Đuống ngày 10/10 liệu có khả thi

VOV.VN - Nhà máy nước mặt sông Đuống dự kiến phát nước chính thức vào ngày 10/10 tới. Tuy nhiên, hướng tuyến phát nước vẫn vướng mặt bằng thi công

Hà Nội 10 năm sau mở rộng địa giới hành chính, nhu cầu nước sạch trở thành cấp thiết với các khu vực phát triển, đô thị hóa nhanh, đặc biệt một số huyện ngoại thành có tốc độ tăng dân số trên 10%

Nhà máy Nước mặt Sông Đuống là dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội. Đến nay dự án đang gấp rút thi công xây dựng các hạng mục, dự kiến chạy thử, xúc xả từ tháng 9/2018 và phát nước thương mại chính thức vào ngày 10/10/2018 với công suất giai đoạn 1 A là 150.000m3/ngày/đêm.

Nhà máy cung cấp nước sạch cho các khu vực quận Long Biên, huyện Gia Lâm, huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn và các khu đô thị, công nghiệp trên đường 179; khu vực phía Nam Hà Nội, các quận quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, Thường Tín và huyện Phú Xuyên; các khu vực thiếu nước và các vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên… Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống là chủ đầu tư dự án.

Nhà điều hành trạm bơm thu nước sông Đuống.

Thông tin với báo chí, ông Đỗ Văn Định - Giám đốc Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống cho biết, trên địa bàn huyện Gia Lâm còn một mặt bằng xưởng cưa 60 m hiện chủ đầu tư chưa xử lý được. Ngoài ra, còn một dãy nhà kiên cố nằm trên quy hoạch của hướng tuyến của dự án không còn con đường nào khác. Hiện huyện Gia Lâm cũng đang cùng chủ đầu tư hết sức nỗ lực tháo gỡ nhưng vẫn chưa tìm ra con đường nào khác để xử lý. “ Tuy nhiên, chúng tôi có 2 nhánh tuyến phát nước nếu giải tỏa mặt bằng Gia Lâm chậm không ảnh hưởng gì đến việc phát nước ngày 10/10. Tất nhiên sẽ không đủ đảm bảo 100% công suất  của nhà máy”, ông Định cho biết.

Đại diện Nhà máy nước sông Đuống chia sẻ, việc theo dõi nguồn nước đầu vào sẽ được thực hiện hàng ngày tại điểm thu nước. Một trong những chiến lược sau này công ty sẽ góp phần vào cùng với Hà Nội là kiểm soát mức độ ô nhiễm của sông Đuống, chúng tôi sẽ sử dụng lợi nhuận kinh doanh phối hợp với các đơn vị, ngành khách để vận động kiểm soát làm sao đảm bảo nguồn nước ít ô nhiễm nhất. Còn các chỉ tiêu khác chúng tôi đã lấy dữ liệu thống kê trong 25 năm độ mặn, độ đục mực nước thủy triều… ngay cả khi mực nước sông Đuống cạn kiệt nhất chúng tôi cũng đảm bảo đủ cung cấp 900 nghìn m3/ngày/đêm. Chúng tôi xây dựng một kênh thu nước gần đáy của lòng sông Đuống.

Hạng mục hồ sơ lắng.

Trong giai đoạn 5 năm với công suất 300 nghìn m3/ngày/đêm Nhà máy không lo lắng đến vấn đề xử lý bùn vô cơ. Bùn vô cơ không gây hại tác hại tới môi trường. Hiện nhà máy chưa có nhu cầu thải bùn vì với diện tích 61,5 ha cần rất nhiều đất để san lấp, phải trong vòng 5 năm tiếp theo mới phải cạnh tranh xử lý bùn. Hiện công ty có 2 đối tác, một là đối tác trong nước bao tiêu toàn bộ bùn làm gốm lò gạch và một đối khác đến từ Đức có chất lượng,  kinh nghiệm cảm hóa đất vô cơ thành đất trồng trọt đó sẽ là nguồn lợi phụ.

Nhà máy nước mặt sông Đuống là đường ống gang dẻo đúc (Nhà cung cấp Xingxing) tính độ bền theo tiêu chuẩn Hiệp hội công trình thủy Hoa Kỳ (AWWA) sử dụng rộng khắp trên thế giới. “Nhà thầu cung cấp ống dẫn nước cũng cam kết khẳng định không bao giờ có chuyện vỡ đường ống”. Cũng cần nói thêm máy bơm của trạm bơm nước sạch của nhà máy đầu ra là 6 at- mốt-phe nhưng thử nghiệm lên gấp 1,5 lần áp suất tối đa của đường ống.

Ông Tạ Đức Hoàng- Tổng giám đốc Aquaone chủ đầu tư dự án cho biết,  Xingxing cũng chỉ là một nhà cung cấp, ở dự án này sử dụng vật liệu ống tùy theo cấu trúc địa tầng của đất đường ống kéo qua mà dùng các loại ống khác nhau, gồm ống gang dẻo, ống thép và ống HDPE qua sông để dễ đánh chìm. Một số tuyến đi trên ruộng, đất yếu dùng ống thép, đi trên đường quốc lộ mặt bằng thi công khó thi dùng ống gang dẻo. Đây là những ống vật liệu được kiểm chứng và được thí nghiệm, như ống gang dẻo có độ bền 100 năm.

Bên cạnh cam kết của nhà cung cấp, đối với chúng tôi chủ động kiểm tra chất lượng đường ống và thiết bị luôn là hàng đầu. Chúng tôi thuê đơn vị kiểm định hàng đầu thế giới để kiểm định độc lập chất lượng vật tư đầu vào trước khi thi công.

Bể lắng lọc.

Lãnh đạo Aquaone cho biết, mức giá bán nước đến các hộ dân tiêu dùng theo quy định của thành phố. Theo đó, giá bán đầu đầu vào của từng nhà máy trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà máy với đơn vị cung cấp. Các đơn vị cung cấp mua nước của  các Nhà máy nước giá bán đầu ra không vượt quá qui định của thành phố. Nhà sản xuất không phải là đơn vị bán nước cho khách hàng cuối cùng.

Trước đây, Nhà máy nước sông Đà đi vào hoạt động mức giá sản xuất cao hơn mức giá bán nên Thành phố phải trợ giá. Khi Nhà máy sông Đuống đi vào hoạt động chúng tôi sẽ phải làm việc với thành phố cùng với các đơn vị phân phối để đưa ra giá có thể chấp nhận cho tất cả như các bên. Mức giá bán của sông Đuống về sau sẽ dựa trên tổng mức đầu tư ở dự án, TP sẽ duyệt cho mức giá bán cho các nhà phân phối Hawacom, cấp thoát nước Hà Đông.

Khu vực thu hồi nước sông Đuống đưa về nhà máy xử lý.

Ông Tạ Đức Hoàng cho biết, chất lượng nước của Nhà máy, người tiêu dùng có thể uống trực tiếp nước sạch tại vòi. Aquaone đang có một số dự án mạng cung cấp nước sạch đến tận người dân như ở Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn mở rộng mạng lưới vào các xã Cổ Loa, Uy Nỗ. Khi chúng tôi cấp nước từ A-Z thì chúng tôi đảm bảo việc uống nước sạch tại vòi.

“Về chi phí giá nước so với các đơn vị cung cấp sản phẩm từ nước ngầm đến người dân  có thể cao nhưng tổng chi phí thấp hơn vì dùng nước ngầm phải có bề, bình, máy bơm, tiền điện hàng ngày để bơm nước. Trong khi áp lực nước của sông nước cho phép người dùng trực tiếp không phải bỏ chi phí phụ thì khả năng rẻ hơn so với dùng nước ngầm”, ông Hoàng chia sẻ.

Dự án Nhà máy nước  mặt sông Đuống có tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng (225 triệu Đô la Mỹ), bao gồm 2 hợp phần chính gồm Công trình thu – trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 61,5 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) và tuyến ống truyền dẫn nước sạch dài 76km phân bố trên huyện Gia Lâm; Long Biên; Sóc Sơn; Đông Anh; Hoàng Mai, Thanh Trì và khu vực Hưng Yên.

Về quy mô dự án, theo quy hoạch và kế hoạch mở rộng Nhà máy Nước mặt Sông Đuống đến năm 2020 sẽ đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm, chia thành hai kỳ đầu tư: kỳ 1 đến năm 2018, vận hành kinh doanh nước sạch với công suất 150.000 m3/ ngày đêm và kỳ 2 đến năm 2020, vận hành kinh doanh nước sạch với công suất 300.000 m3/ ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, Dự án sẽ mở rộng và phát triển công suất đến năm 2030 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, tầm nhìn đến năm 2050 Quy mô công suất 900.000 m3/ ngày đêm./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống trị giá 5.000 tỷ đồng
Hà Nội xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống trị giá 5.000 tỷ đồng

VOV.VN - Nhà máy nước mặt sông Đuống có số vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng với công nghệ hiện đại, nước có thể uống ngay tại vòi, thi công 18 tháng.

Hà Nội xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống trị giá 5.000 tỷ đồng

Hà Nội xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống trị giá 5.000 tỷ đồng

VOV.VN - Nhà máy nước mặt sông Đuống có số vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng với công nghệ hiện đại, nước có thể uống ngay tại vòi, thi công 18 tháng.