Hà Nội phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao
VOV.VN -Với cách tiếp cận mới, việc chuyển đổi vật nuôi cây trồng đang mang đến những tín hiệu tích cực vùng nông thôn Thủ đô
Theo ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, thực hiện chương trình “Phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao giai đoạn 2010-2015 TP Hà Nội”, đến nay ngành Nông nghiệp thành phố đã xác định 103 vùng sản xuất lúa hàng hóa, đáp ứng tiêu chí quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, gắn với xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Chương trình thu hút 127.651 hộ nông dân, tại 12 huyện ngoại thành tham gia sản xuất lúa chất lượng cao, với diện tích hơn 18.600 ha.
Nông dân ở các vùng này được huấn luyện kỹ thuật gieo trồng, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ. Việc xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao đã thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác với nông dân cung cấp giống chất lượng cao, phân bón… đến nay bước đầu nhà nông và doanh nghiệp đã xây dựng được 2 nhãn hiệu, thương hiệu “Gạo Thủ đô” và “Gạo Bồ Nâu”.
Hiệu quả kinh tế đạt 368,732 tỷ đồng, tăng hơn so với sản xuất lúa thường – giống Khang Dân là 230,948 tỷ đồng.
Phát triển thương hiệu lúa chất lượng cao
Hiện nay Hà Nội là một trong những địa phương sản xuất lương thực tương đối nhiều ở khu vực phía Bắc, một năm sản xuất được 1,2 triệu tấn thóc. Tuy nhiên số lượng này mới chỉ đáp ứng 50-60% khối lượng tiêu thụ lương thực trên địa bàn của Thành phố. Qua khảo sát nông dân còn dư thừa rất nhiều lương thực, trong đó một bộ phận bán ra thị trường, một bộ phận dùng chăn nuôi. Lương thực thiếu chủ yếu ở trong nội thành do cư dân đông và không sản xuất nông nghiệp nên lượng gạo từ nước ngoài và các tỉnh đổ về rất nhiều.
Triển khai chương trình sản xuất lúa gạo của cả nước, đối với Hà Nội được Chính phủ giao ổn định diện tích lúa 92.160 ha từ nay đến năm 2030, trong tổng số 3,8 triệu ha lúa của cả nước.
Đến nay, tổng số diện tích đất trồng lúa, sau khi một phần diện tích đã chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp… hiện còn 156.000 ha. Với nhiệm vụ phải bảo đảm sản xuất lương thực cho 4,1 triệu dân ở khu vực nông thôn.
Theo kế hoạch từ 2011 đến năm 2015, ngành Nông nghiệp Hà Nội phải chuyển đổi từ 35-40% diện tích trồng lúa bằng giống chất lượng cao, ở các vùng sản xuất lúa hàng hóa. Đến nay ngành đã triển khai nhiều giống khác nhau, nhưng tập trung chủ yếu vào giống chất lượng cao có thời gian sinh trưởng ngắn và bán được giá, như giống bắc thơm số 7.
Bình quân mỗi một khẩu làm lúa trực tiếp có 1,1 sào Bắc bộ. Tuy nhiên, đất lúa sản xuất trên địa bàn không đồng đều có nơi chỉ 200-300 m2, có nơi diện tích2,5-3 sào. Vì thế nơi nào diện tích sản xuất nhiều có thể bán được hàng hóa, còn không chỉ để làm lương thực cho gia đình ăn.
Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, ông Hoàng Thanh Vân, cho biết Trên ngành Nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện xong công tác quy hoạch nông nghiệp, trong đó có quy hoạch trồng sản xuất lúa. Theo đó, trên tổng số 112 xã với 121 điểm sản xuất lúa theo hướng vùng sản xuất hàng hóa. Với tiêu chí 100 ha liền vùng liền thửa, đến nay sản xuất vượt kế hoạch chỉ tiêu của thành phố với mức bình quân 8.000 ha/năm, trong diện trực tiếp của đề án này.
“Theo dự kiến của chúng tôi, đến cuối năm nay sẽ đạt 32% diện tích vụ mùa sản xuất lúa chất lượng cao”, ông Vân nói.
Bên cạnh đó, Trung tâm phát triển cây trồng đã phối hợp với doanh nghiệp và các ngành hữu quan xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu “Gạo Thủ Đô” – gạo sản xuất ở vùng ngoại thành Hà Nội. Ngoài ra còn có những loại nhãn hiệu gạo khác như “Gạo Bồ Nâu” của Thanh Oai và tới đây sẽ xây dựng gạo thêm một số nhãn hàng, thương hiệu khác của một số huyện. Gạo Hà Nội với đặc trưng chất lượng cao và được mua qua các cơ sở thu mua của nông dân theo “chuỗi” - liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ có nhãn mác, chỉ dẫn địa lý, tên tuổi cụ thể bán ra thị trường. “Tuy nhiên, số lượng gạo này chưa nhiều, lượng sản xuất chưa đáp ứng cho thị trường và đại đa số nông dân sản xuất lúa chất lượng cao phần nhiều để ăn còn bán ra thị trường có mức độ”- ông Vân cho biết.
“Chúng tôi kỳ vọng, đề án này thành công sẽ không dừng lại ở 40% diện tích giống lúa chất lượng cao mà sẽ tăng lên 60-70%. Có sự tham gia của doanh nghiệp tên tuổi gạo Hà Nội sẽ được phổ biến và sử dụng rộng rãi”- ông Vân nói.
Thủ đô sẽ có thịt bò thương hiệu riêng
Với những diện tích không hiệu quả còn lại chuyển đổi thế nào đang là bài toán hết sức sôi động, theo ông Vân. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thành phố diện tích không hiệu quả này, chuyển đổi theo 3 mục tiêu: Chăn nuôi lấy thịt, tối ưu nhất là trồng cỏ để làm nguồn thức ăn chăn nuôi. Thực tế, nếu trồng cỏ để chăn nuôi bò thịt thu thu 1 tỷ đồng/ha, trong khi đó cây ăn quả làm giỏi thì được 1 tỷ đồng, nếu không chỉ thu 400 triệu đồng-600 triệu đồng/ha; trồng rau biến động từ 250 triệu đồng-400 triệu đồng/ha.
Chuyển đổi sang nuôi cá nhưng theo công nghệ không đào ao mà áp dụng theo hướng chỉ tôn cao bờ ruộng để nuôi nếu không thành công cào lại bờ để trồng lúa hoặc cây ăn quả. Phát triển cây ăn quả, hiện Thành phố 4.600 ha rừng đệm và 26.000 ha diện tích nằm dọc triền các con sông rất có điều kiện trồng rau, cây ăn quả.
Hiện nay, trên cả nước Hà Nội là địa phương độc quyền tinh giống bò của Bỉ. Phấn đấu cuối năm nay sẽ phối được 10.000 con bò giống Bỉ để có thể sang năm tới phổ biến thịt bò Bỉ trên địa bàn thành phố. “Chúng tôi sẽ xây dựng thương hiệu bò thịt Hà Nội, theo hướng lai tạo giống bò của Bỉ và bò Úc”, ông Vân tiết lộ.
Nông dân sẽ không phải đốt rơm rạ sau thu hoạch
Liên quan đến việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch, hiện nông dân không sử dụng rơm rạ làm chất đốt như trước nên cây rơm trở nên dư thừa, mỗi vụ theo lý thuyết trên địa bàn Thành phố có trên 1 triệu tấn rơm. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi nông hộ cũng đang giảm nên nông dân ít mang rơm rạ mang rơm về để làm phân chuồng nữa. Nên thường xử lý đốt ngay tại chỗ. Mặt khác nhiều cơ sở đăng ký mua ro rơm rạ để làm nguyên liệu quan trọng để sản xuât rau an toàn, cùng với ý thức chưa cao của nông dân chấp hành giữ gìn môi trường nên tùy tiện trong việc đốt rơm bừa bãi.
Để hạn chế vấn đề đốt rơm này, chúng tôi đang tuyên truyền tới nông dân công nghệ của Hàn Quốc. Theo đó sẽ thu mua rơm phối trộn cùng sản phẩm cỏ và một số men vi sinh lên men trong buồng kín,… chế biến thức ăn cho đại gia súc. Dự kiến sẽ triển khai lắp đặt 6 máy chế biến tại 6 xã vào cuối năm.
Hướng thứ hai, giới thiệu tới nông dân các loại vi sinh để rắc vào rơm mới thu hoạch, sau 25 ngày rơm sẽ mủn ra thành phân bón ruộng.
Nếu 2 phương pháp này thành công sẽ góp phần làm giảm lượng khí thải do đốt rơm rạ sau thu hoạch góp phần giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp và bảo đảm hiệu quả bền vững cho sản xuất./.