Không phải Hà Nội, TP.HCM, Tập đoàn Sembcorp Industrial Parks của Singapore đã chọn Bình Dương, hợp tác với Tổng Công ty Becamex IDC, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc UBND tỉnh Bình Dương để phát triển mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ đầu tiên trên cả nước. Năm 1997, Khu công nghiệp (KCN) VSIP với tổng diện tích 500ha được khởi công ở huyện Thuận An (nay là thành phố Thuận An) cũng mở đầu cho giai đoạn mới trong phát triển công nghiệp, thu hút vốn đầu tư FDI của Bình Dương.

Ông Nguyễn Minh Đức, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương (1997-2004) nhớ lại: Mô hình KCN VSIP hình thành dựa trên ý tưởng hợp tác giữa Việt Nam và Singapore, do Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề xuất với Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong từ năm 1996. Với phương án ưu tiên số 1 là Hà Nội, thứ hai là TP.HCM và thứ 3 là do doanh nghiệp tự quyết định. Trong năm 1996, sau khi khảo sát một số địa phương, Tập đoàn Sembcorp Industrial Parks đã lựa chọn Bình Dương.

Tách tỉnh Sông Bé để tái thành lập tỉnh từ ngày 1/1/1997, Bình Dương được biết đến là một tỉnh nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chuyên sản xuất thủ công mỹ nghệ gốm sứ, sơn mài. Tiếp nối chủ trương "trải chiếu hoa" mời gọi đầu tư của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé (giai đoạn 1991-1996), nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, đến nay Bình Dương đã trở thành một hiện tượng kinh tế công nghiệp của cả nước với 29 KCN, tổng diện tích là 13.670ha.

Không chỉ thu hút hơn 53.000 doanh nghiệp trong nước đầu tư với vốn đăng ký 515.000 tỷ đồng, Bình Dương còn là điểm đến của 65 quốc gia, vùng lãnh thổ với 4.109 dự án, có vốn đầu tư gần 40 tỷ USD. Riêng thu hút vốn FDI, nhiều năm liền, Bình Dương đứng thứ 2 cả nước, sau TP.HCM..

         Để trở thành một “hiện tượng” kinh tế công nghiệp của cả nước, là điểm sáng trong “tứ giác kinh tế” ở phía Nam (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu), Bình Dương đã thực hiện nhiều chủ trương đột phá trong cải cách hành chính. Thủ tục đầu tư của doanh nghiệp chỉ giải quyết trong 5-7 ngày. Bình Dương là địa phương đầu tiên đề xuất xây dựng mô hình một cửa tại Việt Nam và là địa phương thứ 2 trên cả nước có mô hình Ban Quản lí KCN, đầu mối giải quyết tất cả giấy tờ cho doanh nghiệp.

        Không có lợi thế về sân bay, cảng biển nên Bình Dương phải rất chú trọng trong xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ kết nối Vùng, đặc biệt là với TP.HCM. Năm 1997, Bình Dương mạnh dạn xin nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 13 từ 2 làn xe lên 6 làn xe bằng nguồn lực xã hội hóa. Song câu trả lời của Bộ Giao thông-Vận tải lúc đó là: Chính phủ đã thông qua chủ trương mở rộng Quốc lộ 13 vào năm 2015 và yêu cầu Bình Dương không “đá lộn sân”.

        Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng Trung ương cũng đã đồng ý cho Bình Dương giao cho Tổng Công ty Becamex IDC huy động nguồn lực xã hội theo hình thức BOT để mở rộng Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn tỉnh lên 4 làn xe và theo từng giai đoạn. Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ. Cũng chính từ quyết định này giúp hệ thống giao thông của Bình Dương từng bước hoàn thiện, tạo động lực phát triển kinh tế, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư. 

            Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Becamex IDC (chủ đầu tư nhiều KCN ở Bình Dương) cho biết: "Ngay từ ngày mới thành lập KCN, Bình Dương đã thấy được sự cần thiết của hạ tầng giao thông. Cũng vì vậy, Bình Dương đã nhanh chóng quy hoạch hạ tầng giao thông gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch KCN. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vận chuyển, lưu thông hàng hóa đến các cảng biển, sân bay quốc tế".

        Ngày 19/3/2022, Bình Dương đã khởi công xây dựng KCN VSIP 3 với quy mô 1.000 ha với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo trung ương và địa phương. VSIP 3 được thiết kế để tích hợp công nghệ thông minh, hiện đại. Điểm nổi bật của VSIP 3 là trang trại năng lượng mặt trời tại chỗ rộng 50 ha, mang lại lợi ích và tính bền vững trong cung cấp điện cho các khách hàng lớn. 

        KCN xanh VSIP 3 đã thu hút Tập đoàn LEGO tìm đến đầu tư và ngày 3/11/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik dự lễ khởi công nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới của Tập đoàn LEGO. Với mức đầu tư 1,3 tỷ USD, nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời mái nhà và cánh đồng năng lượng mặt trời để bảo đảm nhà máy trung hòa về khí thải carbon. Dự án tỷ đô của Đan Mạch đầu tư vào Bình Dương cho thấy những bước chuyển mình trong chiến lược thu hút vốn FDI của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thăm, kiểm tra tiến độ xây dựng VSIP III và nhà máy của Tập đoàn Lego

        Cũng chuyển hướng phát triển theo mô hình KCN xanh, Tổng công ty Becamex IDC đang đẩy nhanh triển khai KCN khoa học và công nghệ theo lộ trình thực hiện Đề án “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương” tại KCN Bàu Bàng và KCN Bàu Bàng mở rộng. Nơi đây cũng thu hút nhiều dự án mới hàng trăm triệu USD như: Dự án Nhà máy 2 Công ty TNHH Paihong Việt Nam (Samoa); Công ty TNHH A.J. Plast Việt Nam (Thái Lan); Nhà máy Công ty TNHH DSR Vina Bàu Bàng (Hàn Quốc)…

Dạy nghề đáp ứng nhu cầu lao động cho doanh nghiệp

         Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, việc phát triển mô hình KCN đơn thuần sang mô hình KCN xanh là định hướng quan trọng để đón dòng vốn chất lượng. Mặc dù việc phát triển kinh tế xanh của tỉnh mới chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu, không ít thách thức nhưng việc đặt mục tiêu tăng trưởng xanh từ sớm sẽ giúp Bình Dương tiếp tục định hướng trong thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ và giám sát hiệu quả các hoạt động của doanh nghiệp. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững, ngày càng được tín nhiệm hơn.

           Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trọng tâm phát triển trong những năm tới của Bình Dương là ưu tiên phát triển có chất lượng, hiệu quả. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường để tạo nên sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng xanh, góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương và Vùng đổi mới sáng tạo trở thành cực phát triển mới, phù hợp với xu hướng của quốc tế.

        Với định hướng phát triển công nghiệp bền vững gắn với đô thị thông minh, tỉnh Bình Dương đang hình thành các KCN xanh nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư “sạch”, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh.

        "Quả ngọt" từ thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, uyển chuyển của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, cùng sự đồng thuận của người dân. Giờ đây, Bình Dương đang trở thành nơi đáng sống với sự phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh cũng cao nhất nước. Địa phương không còn hộ nghèo theo tiêu chí trung ương và đứng thứ 3 về thu ngân sách nội địa.

Các doanh nghiệp FDI sản xuất

Thứ Ba, 07:00, 04/07/2023