Hà Nội sẽ xây mới 5 công viên, chỉnh trang và nâng cấp 50 công viên, vườn hoa
VOV.VN - UBND TP đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo do 1 Phó Chủ tịch Thành phố làm trưởng ban để tập trung chỉ đạo thực hiện đầu tư xây dựng mới 6 công viên; cải tạo chỉnh trang 5 công viên và cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, năm 2023 UBND Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính
Phát biểu tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu HĐND TP và cử tri quan tâm tại phiên chất vấn, tái chất vấn Kỳ họp thứ 10 HĐND TP khóa XVI chiều 9/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, phục vụ kỳ họp, UBND TP đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung xử lý, giải quyết kịp thời, thỏa đáng 357 ý kiến, kiến nghị của đại biểu HĐND Thành phố và cử tri Thủ đô trước và sau Kỳ họp thứ 7 HĐND TP.
Hà Nội có Ban chỉ đạo để xây mới và chỉnh trang các công viên
Theo ông Nguyễn Sỹ Thanh, thông qua nắm bắt, giải quyết kiến nghị cử tri, các cơ quan chức năng của Thành phố đã có chuyển biến tích cực trong việc tháo gỡ những bức xúc trong thực tiễn, những vướng mắc và bất cập trong cơ chế quản lý, điều hành, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân Thủ đô
Điển hình là UBND TP đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo do 1 Phó Chủ tịch Thành phố làm trưởng ban để tập trung chỉ đạo thực hiện đầu tư xây dựng mới 6 công viên; cải tạo chỉnh trang 5 công viên và cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa để phục vụ nhu cầu của Nhân dân. UBND TP cũng đã chỉ đạo dừng việc bán vé vào cửa từ ngày 1/1/2023 và hạ thấp hàng rào công viên Thống Nhất để tạo không gian mở với khu vực đường Trần Nhân Tông và phố Nguyễn Đình Chiểu.
Trong năm 2022, UBND TP đã chuẩn bị 72 nội dung trình các kỳ họp của HĐND TP cơ bản đảm bảo quy trình, chất lượng và tiến độ, được đồng thuận cao của cử tri và Nhân dân. Trong đó có nhiều nội dung quan trọng về cơ chế chính sách, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội, chủ trương đầu tư, giao dự toán ngân sách, phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền, quy định các mức thu, mức chi…, là cơ sở pháp lý để thu hút và khơi thông nguồn lực, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế, đầu tư hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và đảm bảo an sinh xã hội.
Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, siết chặt kỷ cương hành chính
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cũng cho biết, còn một số khó khăn, tồn tại mà cử tri và Nhân dân đã có kiến nghị và tại phiên chất vấn ngày hôm nay một số vị đại biểu đã đề nghị Thành phố cần quan tâm, khắc phục.
Đó là, kỷ cương hành chính có chuyển biến nhưng chậm và chưa đạt yêu cầu; Chuyển đổi số còn chậm; Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên vẫn thấp so với mục tiêu đề ra; Tổng thu ngân sách tăng khá cao so cùng kỳ và ước cả năm vượt dự toán, tuy nhiên kết quả một số khoản thu, khu vực thu còn thấp so với dự toán và giảm so với cùng kỳ; Thực hiện các khâu đột phá còn nhiều khó khăn, nhất là về phát triển kết cấu hạ tầng; tình hình tai nạn giao thông và cháy nổ trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp…
Đối với những tồn tại nói trên, ông Trần Sỹ Thanh cho biết: “UBND Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, cùng với thực hiện chủ đề năm 2023 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, … để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Chuyển đổi số phục vụ đổi mới quản lý, điều hành trên toàn thành phố
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định, năm 2023 kinh tế - xã hội, khó khăn có thể còn nhiều hơn năm 2022.
Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong điều kiện nguồn lực của Thành phố có hạn, Chủ tịch UBND TP cho biết, UBND TP đã xác định cần tiếp tục quyết liệt đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; Tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp, khắc phục triệt để hạn chế tồn tại đã chỉ ra năm 2022.
Thành phố sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số để cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí; hình thành trục mô hình “chính quyền số - công dân số” nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.
Chỉ đạo đưa vào ứng dụng, vận hành đồng bộ các phần mềm phục vụ đổi mới công tác quản lý, điều hành của UBND Thành phố để chính thức áp dụng trên toàn địa bàn Thành phố từ đầu năm 2023 như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung Thành phố; Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố với 171 thông số báo cáo; Hệ thống quản lý, theo dõi, đôn đốc nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố giao; Hệ thống theo dõi giải quyết kiến nghị cử tri, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.../.