Hà Nội: Tắc đường lỗi đâu chỉ của xe máy?

VOV.VN - Nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông không chỉ do lượng phương tiện cá nhân tăng mà còn xuất phát từ hạ tầng giao thông, quy hoạch đô thị…

Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, thành phố Hà Nội đã đưa ra đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố”. Trong đề án đưa ra lộ trình hạn chế tiến đến cấm xe máy lưu thông vào nội thành Hà Nội. 

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông không chỉ do lượng phương tiện cá nhân tăng mà còn nhiều vấn đề như phát triển giao thông công cộng, hạ tầng giao thông và quy hoạch đô thị.

Phương án cấm xe máy ngoại tỉnh được cho là không khả thi

Xe buýt hiện là phương tiện công cộng duy nhất của Hà Nội với hơn 1.200 xe và đã phát triển tới ngưỡng tối đa với mạng lưới hạ tầng giao thông hiện nay. Phương tiện giao thông công cộng này chỉ đảm bảo được khoảng 15% nhu cầu đi lại của người dân.

Như vậy, 85% nhu cầu đi lại của người dân phải thực hiện bằng phương tiện cá nhân. Do đó, sự tăng trưởng của phương tiện cá nhân là xe máy và ô tô là đương nhiên, đồng thời việc này cũng tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông. Nếu hạn chế dần tiến tới cấm đối với xe máy thì người dân sẽ đi lại bằng gì?

Anh Phan Hải Hà, một người dân ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nói: “Cấm phương tiện cá nhân là xe máy thì tôi cũng đồng ý. Nhưng chúng tôi rất băn khoăn khi cấm phương tiện cá nhân thì người dân biết đi bằng gì? Hiện nay lựa chọn duy nhất có thể nhìn thấy được là xe buýt thì lại đang quá tải”.

Việc phát triển thêm các hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân cũng diễn ra rất chậm. Một chuyên gia giao thông nhận xét “Hà Nội đi trước nhưng vẫn về sau” khi các dự án giao thông công cộng như tuyến buýt nhanh (BRT) đường sắt đô thị… được triển khai đầu tiên trong cả nước nhưng tiến độ vẫn “ì ạch” trong nhiều năm.

Ở các đô thị lớn trên thế giới, diện tích đất dành cho giao thông thường chiếm 20 -25%. Trong khi đó, tại Hà Nội, hạ tầng giao thông chỉ chiếm 7-9% diện tích đô thị, nên ùn tắc giao thông là khó tránh khỏi. Trong khi đó, hầu hết các dự án giao thông của thành phố đều chậm tiến độ vài năm.

Tuyến đường vành đai 1, vành đai 2 và vành đai 3 đều chưa hoàn thiện. Hai dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội, dự án xe buýt nhanh BRT cũng dang dở nhiều năm…

Tiến sỹ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng: thành phố Hà Nội cần có những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, thay thế các ban quản lý dự án yếu kém để cải thiện việc thi công các công trình dự án giao thông.

“Ùn tắc giao thông ngày càng nhiều, Hà Nội cần có cái nhìn lại trong cách triển khai, quản lý dự án giao thông, ảnh hưởng rất nhiều chứ không riêng gì về tiến độ công trình đó. Chúng ta phải thay đổi cách làm, có những công trình dự án của Bộ Giao thông Vận tải, của thành phố Hà Nội chúng ta nâng cao ý thức trách nhiệm, ban quản lý nào làm không được chúng ta thay đổi, kỷ luật” – ông Phạm Sanh nhấn mạnh.

Về quy hoạch đô thị của Hà Nội, phát triển các dự án bất động sản cũng đang tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông. Những khu đô thị với mật độ lớn được hình thành nằm ngay trong trung tâm thành phố. Cụ thể, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai trước đây có dân số gần 14.000 người, nhưng sau 5 năm khi các khu chung cư liên tiếp mọc lên thì đã tăng lên gần 32.000 người.

Tương tự như vậy, ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng sau khi dự án khu đô thị Times City hoàn thành thì số dân ở đây là gần 40.000 người. Những “siêu phường” ở Hà Nội hình thành với số dân cư tập trung khổng lồ, trong khi đó, hạ tầng giao thông khu vực các đô thị mới không có thêm một con đường mới.

Theo Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, quy hoạch đô thị mới gây ra căng thẳng giao thông: “Xây nhà cao tầng trong đô thị là việc nâng cao mật độ sử dụng đất đai, nhưng phải đi đôi với việc cân đối với hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Những việc này phải dựa theo quy hoạch chứ không phải có đất là cấp. Ví dụ nhà máy Cơ khí Hà Nội chuyển đi, họ bán đất vào làm một khu đô thị Royal City, nghĩa là mật độ dân số lớn nhưng xung quanh không có những con đường mới thế thì chỉ có ùn tắc”.

Như vậy, việc tăng phương tiện cá nhân của Hà Nội không phải là nguyên nhân chính tăng ùn tắc giao thông, vấn đề cốt lõi là quản lý đô thị. Khi quá nhiều dự án đô thị lớn trong thành phố làm tăng mật độ dân cư, hạ tầng giao thông sẽ không theo kịp sự phát triển này.

Việc tổ chức triển khai các dự án giao thông mới chậm, phương tiện công cộng không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân mới là những nguyên nhân chính của ùn tắc giao thông. Nếu hạ tầng giao thông được cải thiện, phương tiện giao thông công cộng tốt, tiện lợi, người dân sẽ dần lựa chọn những phương tiện công cộng, và thành phố Hà Nội sẽ không cần đến những biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cấm xe máy trong nội thành Hà Nội từ năm 2025: Liệu có khả thi?
Cấm xe máy trong nội thành Hà Nội từ năm 2025: Liệu có khả thi?

VOV.VN - Một số người dân đồng tình với phương án hạn chế phương tiện cá nhân, cấm xe máy trong nội thành Hà Nội từ năm 2025.

Cấm xe máy trong nội thành Hà Nội từ năm 2025: Liệu có khả thi?

Cấm xe máy trong nội thành Hà Nội từ năm 2025: Liệu có khả thi?

VOV.VN - Một số người dân đồng tình với phương án hạn chế phương tiện cá nhân, cấm xe máy trong nội thành Hà Nội từ năm 2025.

Hà Nội xem xét cấm xe máy cá nhân từ năm 2025
Hà Nội xem xét cấm xe máy cá nhân từ năm 2025

Thành ủy Hà Nội nêu định hướng đến năm 2025 có thể dừng hoạt động của xe máy cá nhân trong nội đô.

Hà Nội xem xét cấm xe máy cá nhân từ năm 2025

Hà Nội xem xét cấm xe máy cá nhân từ năm 2025

Thành ủy Hà Nội nêu định hướng đến năm 2025 có thể dừng hoạt động của xe máy cá nhân trong nội đô.

Hà Nội sẽ cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội đô
Hà Nội sẽ cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội đô

VOV.VN -Từ năm 2021, Hà Nội sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội ô (đường vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày.

Hà Nội sẽ cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội đô

Hà Nội sẽ cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội đô

VOV.VN -Từ năm 2021, Hà Nội sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội ô (đường vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày.