Hà Nội trước sức ép quá tải về giao thông, đô thị
VOV.VN - Hà Nội vẫn đứng trước nhiều thách thức như gia tăng dân số, hạ tầng đô thị, giao thông quá tải.
Hà Nội sau 3 năm liên tiếp triển khai “Năm trật tự văn minh đô thị” với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của người dân bộ mặt Thủ đô có chuyển biến tích cực. Cảnh quan đô thị có nhiều thay đổi rõ nét.
Chung cư Đại Thanh vi phạm trật tự xây dưng.
Công tác quy hoạch được đẩy mạnh cả về chất lượng và số lượng, thành phố đã duyệt 26/35 đồ án quy hoạch phân khu, 29/33 đồ án quy hoạch chung. Quản lý trật tự xây dựng được tăng cường, các địa phương gắn trách nhiệm người đứng đầu xã, phường nên bước đầu đã hạn chế vi phạm. Số công trình được cấp phép tăng, thanh tra quản lý trật tự xây dựng, xử lý vi phạm đô thị được tăng cường. Những công trình siêu mỏng, siêu méo được xử lý và hạn chế phát sinh mới. Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư trọng điểm đồng bộ, hiện đại theo nhu cầu phát triển của Thủ đô. Công tác điều hành giao thông, chống ùn tắc đem lại hiệu quả.
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn đứng trước nhiều thách thức như gia tăng dân số, hạ tầng đô thị, giao thông quá tải. Trước hết là tình trạng xây dựng sai phép, không phép vẫn xảy ra trên địa bàn các quận, huyện nhưng chưa xử lý dứt điểm. 9 tháng 2016 phát sinh thêm 2.149 công trình, mới xử lý 1.553 công trình, còn tôn đọng 596 công trình.
Hệ lụy của các dự án không phép sai phép, sai quy hoạch, nhất là tại các tòa nhà chung cư cao tầng tạo nên gánh nặng lớn cho hạ tầng giao thông.
Theo quy định các công trình được xây dựng cấp phép phải tuân thủ quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, tình trạng điều chỉnh giấy phép vượt quy hoạch rất khó hiểu của cơ quan chức năng đã tạo nên sự “bất ổn” cho hạ tầng.
Điển hình phải nhắc đến chung cư Đại Thanh do Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu làm chủ đầu tư có những vi phạm hết sức nghiêm trọng. Dự án này không chỉ xây dựng không phép mà còn vi phạm xây dựng vào vị trí quy hoạch dải cây xanh. Mới đây, UBND thành phố đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan điều tra của Công an thành phố thụ lý, điều tra và xử lý truy tố theo quy định của pháp luật.
Một trường hợp khác khiến dư luận không kém phần bức xúc với cơ quan quản lý đối với chung cư Yên Hòa – Thăng Long, tổ 50 phường Yên Hòa quận Cầu Giấy, Hà Nội do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư. Công trình này được cấp phép 17 tầng, chủ đầu tự ý xây 27 tầng, sau khi được Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội điều chỉnh giấy phép, chủ đầu tư tiếp tục xây thêm 3 tầng.
Một sai phạm nghiêm trọng khác là vi phạm TTXD trên đất nông nghiệp vẫn diễn ra phổ biến, gây bất bình trong nhân dân. Dư luận đặt câu hỏi, những vi phạm này có hay không việc bật đèn xanh của chính quyền cơ sở. Vì một công trình to như con voi chứ đâu phải cây kim mà chính quyền không nắm được.
Người dân cho rằng, việc cấp phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền tuyệt đối tuân thủ theo quy hoạch. Người dân xây nhà có làm sai một chút ngay lập tức bị thanh tra xây dựng lập biển bản. Chính quyền ra quyết định dỡ bỏ. Thế nhưng, tình trạng nhà xây vượt tầng so với giấy phép vẫn tồn tại. Vậy trách nhiệm của người đứng đầu phường, xã nơi để xảy vi phạm thế nào họ có bị kỷ luật hay không. Thành phố đã có quy định rõ ràng người đứng đầu cấp chính quyền để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng không phép, sai phép phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố thế nào thì cần phải cụ thể, công khai để dân biết.
Đi tìm nguyên nhân gây ùn tắc giao thông
Các chuyên ra chỉ ra rằng, nguyên nhân gây ùn tắc tại Hà Nội không hẳn là do sự mất cân đối giữa phương tiện giao thông cá nhân với tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Chính sự bất cập trong quy hoạch sử dụng đất, phát triển đô thị với mật độ dân số tập trung rất cao tại một số khu vực mà không tính đến năng lực đáp ứng của hạ tầng mới là nguyên nhân chính.
Tổ chức trông giữ ô tô gây cản trở giao thông, lấn chiếm điểm dừng xe buýt. |
Năm 2016, Hà Nội đã xóa chỉ còn 41 “điểm đen” ùn tắc giao thông; trong đó, 20/44 “điểm đen” tồn đọng từ năm 2015. Tuy nhiên, lại phát sinh thêm 17 “điểm đen” mới.
Theo các chuyên gia hơn một nửa số điểm thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng tại Hà Nội là do ảnh hưởng ở gần các khu đô thị lớn.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, Hà Nội rất nỗ lực giảm ùn tắc giao thông, trong đó ưu tiên dành nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, triển khai các giải pháp tổ chức giao thông mang tính tổng thể. Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được triển khai, hoàn thành và đưa vào sử dụng 10 cầu vượt kết cấu thép lắp ghép tại một số nút giao trọng yếu như: Lê Văn Lương – Láng, Đại Cồ Việt – Trần Khát, Chân Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái… nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm cho việc chống ùn tắc.
Để giao thông thuận lợi an toàn, giảm tối thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông Hà Nội còn đưa ra nhiều giải pháp để thực thi. Một trong số đó là giải pháp khoa học sắp xếp hợp lý các luồng tuyến, hạn chế các tuyến xuyên tâm, tuyến có nguy cơ ùn tắc. Các giải pháp chống ùn tắc giao thông Hà Nội đưa ra được người dân luôn đồng tình chấp hành ủng hộ.
Hiện nay, tổng diện tích giao thông tĩnh trên địa bàn TP là 91,16ha, chiếm 0,21% đất xây dựng đô thị, đáp ứng được 8 -10% nhu cầu đỗ xe. Trước áp lực về bãi đỗ cho phương tiện cá nhân, Hà Nội đã cho phép tổ chức trông giữ phương tiện ô tô trên một số tuyến phố. Người dân sinh sống ở tuyến phố có bãi đỗ xe cho rằng, bố trí trông giữ ô tô dưới lòng đường là chưa hợp lý, gây ùn ứ giao thông và nguy hiểm cho các phương tiện khác. Hơn nữa, các bãi xe này thường xếp xe vi phạm diện tích được cấp phép khiến xe buýt không thể đỗ đúng vị trí đón trả khách khiến lòng đường đã hẹp lại càng thêm hẹp hơn mỗi khi có xe buýt đỗ dừng.
Chấn chỉnh quản lý trong lĩnh vực văn minh đô thị thành công, trước hết phải được xác định rõ trong ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu chính quyền cơ sở./. Hà Nội: “Năm trật tự và văn minh đô thị 2016” có đạt được mục tiêu?