Hà Nội vẫn yếu kém trong thoát nước và chống ngập úng
VOV.VN - Trận mưa to vào tối qua đã khiến nhiều tuyến phố của Hà Nội chìm sâu trong nước. Sự việc này cho thấy công tác ứng phó rủi ro của Thủ đô còn hạn chế.
Mặc dù quãng đường từ chỗ làm việc về đến nhà chưa đến 3km, nhưng tối qua, anh Trần Huy Thành đã phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ ở trên đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội vì ngập lụt và tắc đường. Đến giờ, anh vẫn chưa hết bàng hoàng.
“Các nhà quản lý về giao thông hay bên quản lý đường cống cần làm thế nào cho hết ngập lụt, tắc cống rãnh, chứ trận mưa hôm qua ùn tắc cả tiếng đồng hồ. Từ 9 giờ đến 11 giờ đêm còn tắc. Chúng tôi đi rất sợ, rất nguy hiểm”, anh Thành cho biết.
Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ngập nước và ùn tắc. (Ảnh minh họa: KT) |
Hôm nay, người dân ở phố Ao Sen, phường Mộ Lao, quận Hà Đông tranh thủ ngày nghỉ cọ rửa nhà cửa, đồ đạc, bơm nước từ bể ngầm chứa nước sinh hoạt ra để vệ sinh bể. Đây là hậu quả của trận mưa đêm qua, do mưa lớn gây ngập đường, nước mưa từ ngoài tràn vào nhà quá nhanh khiến người “dân trở tay không kịp”.
Chị Nguyễn Thúy Hà (ở phố Ao Sen, quận Hà Đông) cho biết, nhiều đồ đạc không kịp di chuyển như tủ lạnh, kệ ti vi đã bị hỏng vì ngấm nước. Người dân không ngờ trận mưa lại lớn đến thế. Ngập lụt cũng là nỗi lo của hàng triệu người dân Thủ đô khi mùa mưa đang đến.
“Tôi ở đây lâu rồi cũng không thấy có hiện tượng ngập nhanh như thế. Sau khi các khu đô thị phía trong mọc lên, do làm cống thoát nước không tốt nên sau mỗi trận mưa to là có hiện tượng ngập, ảnh hưởng đến người dân, rất khổ. Chúng tôi kiến nghị lên thành phố có biện pháp sửa sang lại đường sá, làm lại cống mà vẫn không thấy cải thiện, thậm chí tình trạng ngập ngày càng nặng hơn”, chị Hà nói.
Ngập lụt là thực trạng đáng báo động tại thành phố Hà Nội. Chỉ trong hơn 1 tiếng mưa to mà thành phố đã ngập nặng như vậy là điều đáng báo động. Theo quan sát của phóng viên, ngay trong lúc mưa to, sông Tô Lịch không đầy nước, các cống thoát nước ra sông này cũng không đầy. Điều đó chứng tỏ hệ thống cống không bị quá tải và đường thoát nước vẫn đủ để thoát nước. Vấn đề ở đây là các miệng thoát nước bị tắc.
Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng ngập úng tại thành phố này là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, trong khi hạ tầng không đáp ứng được với tốc độ phát triển đô thị. Dọc các tuyến đường chính của quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai… các tòa nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều. Hàng trăm tuyến kênh, mương thoát nước đã bị lấp hoặc xây cống hộp, ảnh hưởng đến việc thoát nước mỗi khi có mưa to.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội, lượng mưa đo được tại khu vực Hà Đông là 112,6mm, tại Cầu Giấy là 111,4mm. Mưa to nhất tại khu vực Mễ Trì, lên đến 138,6mm.
Sau trận mưa to kéo dài hơn 1 tiếng, thành phố Hà Nội đã chìm trong biển nước. Những điểm ngập nặng, kéo dài như: Lý Thường Kiệt, Minh Khai, Giải Phóng, Nguyễn Chính, Phạm Văn Đồng, đường Láng, Hoàng Cầu, Nguyễn Xiển, Thái Hà...
Bà Nguyễn Kim Chi (ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, do cống thoát nước chưa được khơi thông, có quá nhiều rác và bùn đất trong đó gây cản trở dòng chảy, nước mưa vừa chảy vào cống đã dềnh lên mặt đường, vừa bẩn, vừa hôi. Mặc dù đã nút miệng cống trong sân nhưng nước trên mặt đường vẫn tràn vào khiến cả nhà phải vất vả tát nước. Hiện tượng này thường xuyên xảy ra trong mùa mưa.
Mưa lớn khiến nhiều nhà dân bị nước tràn vào (Ảnh minh họa: KT) |
“Thấy nước mấp mé là tôi phải chuyến hết đồ đạc, nhất là các đồ dễ bị ngấm nước lên cao ngay. Nếu hôm qua mà mưa thêm nữa thì nước ngập vào nhà phải lên đến 40 cm. Cống ở ngoài đường lâu không thông nên bị tắc, không rút được. Chúng tôi đã đề nghị thông cống rồi mà kêu nhiều vẫn không thấu. Hiện người dân trong xóm đang vận động các gia đình góp tiền làm lại cống thoát nước chứ không cứ mưa ngập thế này thì dân chết”, bà Chi bức xúc.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, những trận mưa cục bộ trong phạm vi hẹp như trận mưa hôm qua là rất khó dự báo. Trận mưa to cục bộ và ngập lụt đó có thể coi là rủi ro về thiên tai.
Để công tác chống ngập có hiệu quả, các nhà khoa học và người dân cho rằng, thành phố Hà Nội cần rà soát lại toàn bộ hệ thống thoát nước, các điểm ngập thường xuyên và có những biện pháp cụ thể để chống ngập úng cho từng khu vực. Công tác kiểm tra hệ thống thoát nước của Hà Nội trước mùa mưa được thực hiện chưa tốt.
Mặc dù hiện đã là mùa mưa, nhưng hệ thống cống thoát nước của Thủ đô vẫn chưa được vận hành thông suốt. Các đường ống thoát nước đổ ra sông Nhuệ và sông Tô Lịch không được kiểm tra kỹ, dẫn đến bị tắc sau trận mưa to. Trong lúc mưa, việc tổ chức lực lượng, phương tiện và phương án để ứng phó với ngập lụt của thành phố còn chưa kịp thời và hiệu quả.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Trọng Hồng cho rằng, ngoài việc nước tự tiêu, cần phải có biện pháp tiêu cục bộ để đảm bảo giao thông.
“Sau trận mưa này, thành phố Hà Nội cần họp lại, rút kinh nghiệm và cam kết với dân không để ngập. Lâu nay chúng ta chỉ nói mưa ngập như vậy, thành phố sẽ có biện pháp tiêu thoát nước, nhưng nếu trận mưa sau cũng như vậy thì có cam kết là giải quyết được hay không?”, ông Vũ Trọng Hồng đặt câu hỏi.
Ở góc nhìn khác, các chuyên gia và nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân ngập úng ở Hà Nội hiện nay là do triển khai quy hoạch chắp vá và không có sự kiểm soát. Người xây nhà sau xây nền cao hơn người xây trước, dồn hết nước cho khu vực trũng thấp.
Khu vực nội thành có nhiều dòng sông tiêu thoát nước như Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ nhưng nơi thì bị lấn chiếm, nơi chưa được khơi thông thành ra ùn ứ, nước không tiêu thoát kịp. Việc lấp hồ lấy đất làm nhà, cứng hóa kênh thoát nước để làm đường, nơi đỗ xe cũng là nguyên nhân cần được kể đến. Thực trạng này đòi hỏi thành phố Hà Nội cần có những giải pháp cụ thể và hiệu quả hơn trong công tác chống ngập, góp phần xây dựng Thủ đô hiện đại trong tương lai./.
Hà Nội: Mưa lớn, phố phường biến thành sông, giao thông tê liệt