Hà Nội với Nam Bộ kháng chiến!

Từ Thủ đô Hà Nội, từng đoàn quân Nam tiến khẩn trương lên đường vào Nam. 47 chiến sĩ tự vệ Hà Nội đã gia nhập đoàn quân giải phóng của Chi đội 3, chiến đấu ở Sài Gòn ngay từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến

Đúng 0 giờ ngày 23/09/1945, chỉ sau 21 ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Thực dân Pháp được sự giúp đỡ của quân Anh - Ấn đã nổ súng đánh chiếm hàng loạt mục tiêu quan trọng trong thành phố Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Chúng hy vọng nhanh chóng bình định Nam Bộ để làm bàn đạp đánh chiếm tiếp miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Nhưng chúng đã lầm.

Rạng sáng ngày 23/9/1945, trước âm mưu đánh chiếm Nam Bộ của thực dân Pháp, Đảng ta tổ chức Hội nghị liên tịch giữa Xứ uỷ, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban kháng chiến và đại diện của Tổng bộ Việt Minh tại số nhà 107, đường Cây Mai (Chợ Lớn) hạ quyết tâm chiến đấu và thông qua bản hiệu triệu của Uỷ ban Kháng chiến Nam Bộ, kêu gọi toàn quân, toàn dân Nam Bộ đứng lên chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp.

Kể từ ngày đó (ngày 23/9/1945), nhân dân Nam Bộ đứng lên kháng chiến với lời nguyền “Mùa thu này ngày hai ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến...” và luôn luôn xứng đáng với danh hiệu “Nam Bộ thành đồng đi trước về sau”.

Trung đội học sinh Hà Nội trong đoàn quân Chi đội 3 Quân giải phóng Nam tiến

Trong Hồi ký “Những chặng đường lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tái hiện lại không khí những ngày đầu của Nam Bộ kháng chiến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại chuyến vào Nam công tác của ông để truyền đạt quyết tâm lớn của Trung ương cần phải đẩy mạnh kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ, giành cho được những thắng lợi quan trọng. Đồng thời nhân dân cả nước phải chuẩn bị thật tích cực cho một cuộc kháng chiến lâu dài, đề phòng kẻ thù mở rộng chiến tranh.

Đại tướng nhớ lại hình ảnh những đoàn quân Nam tiến hồi đó: “Dọc đường, gặp nhiều đoàn quân Nam tiến. Những con người của miền Bắc, miền Trung vẫn tiếp tục ra đi. Cán bộ, chiến sĩ nhiều lứa tuổi khác nhau. Hầu hết các chiến sĩ mặt trẻ măng. Với số đông, đây là lần đầu đi chiến đấu. Và chắc đây cũng là lần đầu, nhiều người được đi tới những miền xa xôi của đất nước. Những giờ phút quan trọng này đối với cuộc đời của mỗi con người, chắc chắn sẽ trở thành những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt. Trên đường tới các sân ga, các chiến sĩ với súng đạn, hành lý trĩu nặng trên vai, vừa đi vừa hát. Những đoàn tàu tốc hành chở bộ đội ầm ầm chạy về phía Nam, mang theo tiếng hát, tiếng cười và những bàn tay vẫy gọi. Những ngày vui ra trận đang sống lại trong đời sống của dân tộc. Nhiều lần, tôi dừng xe lại dọc đường, nói chuyện với anh em các đoàn quân Nam tiến…”.

Từ Thủ đô Hà Nội, từng đoàn quân Nam tiến khẩn trương lên đường vào Nam, phối hợp với quân và dân Nam Bộ chiến đấu. 47 chiến sĩ tự vệ Hà Nội đã gia nhập đoàn quân giải phóng của Chi đội 3, chiến đấu ở Sài Gòn ngay từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến.

Ông Nguyễn Tiệp, Đại tá, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô là chiến sĩ tự vệ Hoàng Diệu trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và là Trung đội trưởng Trung đội chiến sĩ Hà Nội gia nhập đoàn quân Nam tiến đầu tiên. Nhớ lại những ngày thu hào hùng, ông kể: Ngày 7/9, có một phái viên của Chính phủ đến gặp gỡ anh em tự vệ thành Hoàng Diệu chúng tôi và chọn cả phân đội 32 người vào Đội tuyên truyền vũ trang, mà nòng cốt là Chi đội 3 Quân giải phóng, đi tuyên truyền từ Bắc vào Nam. Sau này, chúng tôi mới được biết đó là đoàn quân Nam tiến đầu tiên vào chi viện cho mặt trận miền Nam. Trung đội chúng tôi hầu hết là thanh niên, thường được anh em gọi là trung đội học sinh (có hai đồng chí: Vũ Ngọc Tố và Trần Bưởi mới 16 tuổi, người lớn tuổi nhất mới chỉ khoảng 21, 22 tuổi).

Đêm mồng 9, rạng ngày 10/9, đơn vị bí mật hành quân ra ga Hàng Cỏ lên tàu vào Thanh Hóa. Chúng tôi tập kết ở khu vực đồi thông làng Ngò (Ngô Xá), huyện Triệu Sơn và được Chính trị viên Chi đội Nguyễn Văn Rạng giảng giải một số vấn đề cơ bản về tình hình trong nước và thế giới, chủ trương chính sách của Đảng, Mặt trận Việt Minh... Về huấn luyện quân sự, lần đầu anh em chúng tôi được tiếp cận với vũ khí (chiến lợi phẩm), chưa ai biết cách sử dụng. Chúng tôi tập hợp những anh em giỏi tiếng Pháp, dịch giáo trình huấn luyện ra tiếng Việt. Vừa dịch vừa thực hành, tập trung huấn luyện cho cán bộ trước rồi từng tổ tự huấn luyện cho nhau. Trung đội học sinh Hà Nội tiếp thu rất nhanh và tham gia huấn luyện cho những đồng chí khác.

Sáng 26/9, Chi đội 3 làm lễ xuất phát tại một ngôi chùa ở Thanh Hóa, rồi hành quân bộ ra ga. Nhân dân thị xã Thanh Hóa nô nức mang quà bánh ra ga tiễn đưa đoàn quân. Đến trưa, tàu chuyển bánh. Chúng tôi ai nấy đều háo hức và tự hào hát vang những bài ca hùng tráng: "Tiếng súng vang sông núi miền Nam/ Tiếng súng vang dậy khắp non sông, giục ta tranh đấu...".

Vào đến Vinh, đồng chí Nguyễn Văn Rạng được lệnh ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Nam Long (tên thật là đoàn Văn Ưu, người dân tộc Tày, quê ở Cao Bằng, là một trong số 34 chiến sĩ giải phóng quân đầu tiên, là người phụ trách tiểu đội bảo vệ Bác Hồ) vào thay thế.

Trưa ngày 28/9, tàu dừng ở ga Huế, đồng chí Nguyễn Chí Thanh ra đón đoàn quân và tặng đồng chí Nam Long một thanh kiếm tượng trưng cho sức mạnh đoàn quân quyết tâm đánh giặc. Ở Huế cũng có một trung đội tự vệ học sinh gia nhập đoàn quân Chi đội 3 Quân giải phóng. Chúng tôi hòa đồng rất nhanh vì cùng là học sinh, cùng trang lứa, cùng chung ý chí, lòng nhiệt tình, yêu nước và lại cùng hát vang điệp khúc: "Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi/ Dù có gian nguy nhưng lòng không nề/ Ra đi ra đi, bảo toàn sông núi/ Ra đi ra đi, thà chết chớ lui...".

Đến ga Diêu Trì (Bình Định), quân Nhật ra ngăn cản. Lúc này, chúng tôi đã được biết nhiệm vụ vào Nam chiến đấu và được quán triệt tránh xung đột, để bảo toàn lực lượng vào chi viện cho quân dân Nam Bộ đánh thực dân Pháp. Mặc dù anh em vô cùng bức xúc, xong vẫn cố kiềm chế. Sau một giờ cán bộ ta thương thuyết, cuối cùng bọn lính Nhật đành để cho đoàn tàu chuyển bánh. Vào đến Phan Thiết, chúng tôi phải hành quân bộ vì tuyến đường sắt ở đây bị phá hỏng, chưa được khôi phục. Ủy ban Kháng chiến miền Đông Nam Bộ đã huy động hàng chục ô-tô ra đón chúng tôi.

Ngày 7/10, chúng tôi đã vào đến Thủ Đức, ngoại ô Sài Gòn. Đồng chí Nam Long trực tiếp đi trinh sát thực địa và triển khai trận đánh phá cầu Bình Lợi, không cho địch di chuyển quân sang bờ bắc sông Sài Gòn. Đây là cây cầu sắt, có trục quay ở giữa, có thể điều khiển cho cầu quay dọc sông khi có tàu thuyền qua lại, là tuyến đường xe lửa Bắc Nam. Máy điều khiển quay cây cầu lại đặt ở bờ Nam. Địch chốt giữ rất đông. Chúng tôi được lệnh triển khai lực lượng đánh chặn địch từ Sài Gòn ra cầu Bình Lợi.

Mấy ngày sau ta đã chiếm được bờ bắc cầu Bình Lợi. Cuộc chiến đấu gay go quyết liệt giữa ta và địch hai bên bờ sông Sài Gòn diễn ra suốt bốn ngày. Đến 15/10, địch tập trung hỏa lực mạnh hơn, huy động 3 ca-nô và hàng nghìn quân thiện chiến, chiếm lại bờ bắc cầu Bình Lợi. Chúng tôi được lệnh rút quân để bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Bốn ngày chiến đấu trận Cầu Bình Lợi của Chi đội 3 Quân giải phóng Nam tiến đã làm nức lòng người dân Sài Gòn.

Nhớ lại những giờ phút hào hùng ngày đó, thật vinh dự, tự hào, chúng tôi, những người lính Thủ đô đã có mặt ngay từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, sống và chiến đấu, chia lửa cùng đồng bào Sài Gòn - TP HCM hôm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên