Hà Nội: Xử lý dứt điểm lấn chiếm đất đai ở trường Tiểu học Hoàng Diệu

VOV.VN - Chủ tịch quận Ba Đình khẳng định, trong tháng 8 sẽ giải quyết xong vụ việc lấn chiếm đất đai, khiếu nại tố cáo kéo dài tại trường Tiểu học Hoàng Diệu.

Sáng 5/6, tại phiên giải trình HĐND thành phố, liên quan đến thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại theo Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”, đại biểu Nguyễn Thế Vinh, quận Đống Đa nêu, theo Báo cáo số 83 ngày 8/4/2020 của UBND TP về các vụ việc phức tạp theo Nghị quyết 15 của Thành ủy, tại quận Ba Đình còn vụ việc phức tạp liên quan đến việc xử lý vi phạm lấn chiếm đất đai tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu, phường Cống Vị: Gia đình bà Nguyễn Thị Phương có hành vi lấn chiếm, đặt contener tại khuôn viên trường từ năm 2015 song đến nay vụ việc lấn chiếm này chưa được xử lý dứt điểm. Cũng trên địa bàn quận, còn 8/12 vụ việc theo Nghị quyết 15 của Thành ủy chưa được giải quyết xong.

Đại biểu dự phiên giải trình HĐND thành phố sáng 5/6.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thế Vinh, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, liên quan đến vụ việc lấn chiếm đất đai tại trường Tiểu học Hoàng Diệu thuộc địa bàn quận Ba Đình: “Chúng tôi xác định đây là vụ việc rất phức tạp về an ninh trật tự. Năm 2016, UBND quận đã tiến hành tổ chức cưỡng chế. Tuy nhiên, trong quá trình cưỡng chế đối tượng vi phạm là bà Nguyễn Thị Phương đã huy động rất nhiều trẻ em, phụ nữ, kể cả đối tượng xã hội như người đi xe ba bánh giả danh thương binh cản trở chống đối các lực lượng thi hành. Do chuẩn bị chưa tốt nên cuộc cưỡng chế năm 2016 không được thành công”.

Từ năm 2017 đến năm 2019, bà Phương liên tục có các đơn thư, khiếu nại, tố cáo gửi đến các cấp. “Để khẳng định cơ sở pháp lý cho việc cưỡng chế vi phạm này, chúng tôi đã thuê các đơn vị chuyên môn, xác định chính xác tọa độ chính xác của container nơi bà Phương đặt lấn chiếm đất đai. Qua ý kiến của Sở Tài nguyên-Môi trường khẳng định vị trí đặt container nằm trong thửa đất đã được cấp cho trường Tiểu học Hoàng Diệu từ năm 2005. Phía bà Nguyễn Thị Phương cũng đã đưa ra những tài liệu chứng minh ràng bố mẹ bà Phương đã được ông Trần Duy Hưng - Chủ tịch Uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội cấp đất. Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ này không khẳng định được vị trí thửa đất được cấp ở đâu.

Cũng theo tài liệu bà Phương cung cấp, có thể khẳng định nếu như mảnh đất ông Trần Duy Hưng cấp cho bố mẹ bà Phương (là vị trí đặt container) thì năm 1954 bố mẹ bà Phương đã hiến đất này vào Hợp tác xã nhỏ Cống Vị, sau đó, HTX giải thể.

Theo quy định của Luật Đất đai không xem xét hồi tố lại trong trường hợp loại đất này. UBND quận cũng phối hợp với Thanh tra Sở TN-MT, Thanh tra thành phố có báo cáo được UBND thành phố chấp thuận. Trên cơ sở đó,  UBND quận cũng cố hồ sơ, tài liệu pháp lý sau khi khẳng định đủ cơ sở pháp lý đã có văn bản báo cáo TP. 

Ngày 29/4/2020, TP cũng có văn bản số 3608 chấp thuận cho UBND quận Ba Đình cưỡng chế. Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn quận cũng có rất nhiều sự kiện, do đó chúng tôi sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để tổ chức cưỡng chế". Chủ tịch quận Ba Đình khẳng định, trong tháng 8 sẽ giải quyết xong vụ việc này.

Đối với nội dung 8/12 vụ việc của Nghị quyết 15 chưa được giải quyết, trong đó có vụ việc lấn chiếm đất ở trường Tiểu học Hoàng Diệu. 7 vụ việc còn lại, trong đó có vụ cưỡng chế sai phạm ở công trình 8B Lê Trực. Hiện nay, tiến độ xử lý vi phạm tại tầng 18 công trình đang diễn ra theo đúng kế hoạch, đơn vị thi công đã tháo dỡ xong toàn bộ trang thiết bị bên trong tầng 18, phần tường, vách kính và hiện đã cắt thử mái ô sàn.

Dự kiến trong tháng 8 sẽ hoàn thành việc cắt toàn bộ tầng 18; Bên cạnh đó là các vụ việc số 24 Điện Biên Phủ đã xong giai đoạn 1, hiện còn giai đoạn 2 đang xử lý vi phạm trật tự xây dựng; vụ việc GPMB làm cầu vượt Vành đai I, vụ cống hóa bãi xe Đại Yên đã đủ cơ sở pháp lý để cưỡng chế; việc di dời các hộ dân tại các chung cư nguy hiểm cấp độ D đạt gần 50%... 

Cũng liên quan đến giải quyết khiếu nại của công dân kéo dài, Chánh Thanh tra Thành phố Nguyễn An Huy trả lời về khiếu nại của 2 gia đình tại thôn Đông Chi, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, thực tế đã sử dụng đất trước ngày 5/10/1993 nhưng trong quá trình sử dụng có vi phạm pháp luật, có đơn tố cáo của công dân.

UBND huyện Gia Lâm đã ban hành quyết định thu hồi đất của 2 hộ nhưng họ có khiếu nại lên TP, nên Chủ tịch thành phố Hà Nội đã ban hành 2 quyết định 6571 và 6541 tháng 11/2016 yêu cầu UBND huyện điều chỉnh lại quyết định thu hồi đất của mình và thực hiện việc thu hồi đất với 2 hộ.

Từ tháng 2/2019-2/2020 Thanh tra TP đã có 4 văn bản đôn đốc. Tuy nhiên, UBND huyện vừa có báo cáo TP về khó khăn gặp phải, do các hộ đã sử dụng đất rất lâu, xây dựng nhà kiên cố, nên đề xuất xử lý theo hai phần: Với trường hợp nằm trong quy hoạch, đề xuất cấp giấy chứng nhận theo Điều 22 Nghị định 43, với phần nằm ngoài quy hoạch thì đề xuất cho đăng ký và sau đó khi thực hiện quy hoạch thì xem xét thu hồi.

“Với vai trò tham mưu, Thanh tra Thành phố sẽ tích cực hơn việc giám sát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại và kết luận giải quyết tố cáo, để đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật phải bị xử lý và mọi quyết định giải quyết khiếu nại phải được thực hiện, để giữ an ninh trật tự trên địa bàn TP. Với riêng 2 trường hợp này, trong tuần sau chúng tôi sẽ có văn bản tham mưu cho UBND TP để chỉ đạo huyện Gia Lâm”, ông Huy nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên