Hà Nội xử lý lấn chiếm vỉa hè, chính quyền phường vẫn chống lưng?
VOV.VN - Tại Hà Nội, nhiều vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nghiêm trọng nhưng lực lượng chức năng của phường sở tại bỏ qua.
Lan tỏa theo hiệu ứng giành lại vỉa hè cho người đi bộ của quận 1, TP HCM, Thành phố Hà Nội thực hiện chiến dịch ra quân lập lại trật tự hè phố không khoa trương rầm rộ nhưng tỏ rõ sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Đối tượng mà lực lượng chức năng của chính quyền nhắm đến là những hộ kinh doanh hàng quán và những người bán rong lấn chiếm vỉa hè lòng đường, đặc biệt là những cá nhân, tổ chức trông giữ phương tiện ô tô, xe máy sai phép và không phép.
Người dân ở 12 quận nội thành Thủ đô không thể ngờ lòng đường, vỉa hè chỉ sau một ngày ra quân (10/3) lại phong quang đến thế. Điều mà trước đó 3 năm liên tiếp Hà Nội thực hiện chủ đề “Năm trật tự văn minh đô thị” mà chưa làm được.
Trên khắp các tuyến phố đường chính, các trường hợp nhà dân xây bục bệ lấn chiếm vỉa hè, dựng mái che, mái vẩy, biển hiệu mất mỹ quan đô thị đều bị lực lượng chức năng tiến hành tháo dỡ.
Nơi nào chính quyền làm quyết liệt, quán hàng của hộ nào đó chỉ cần một cái bàn nhô ra trước cửa đều bị cảnh sát trật tự, dân phòng bê đi. Không có chỗ ngồi, không có chỗ để xe… khách không đến, thu nhập giảm mạnh, họ không khỏi lo lắng cho tương lai. Nhiều người đi thuê cửa hàng mặt phố không thể làm ăn đã chấp nhận phá hợp đồng, chịu lỗ trả lại cửa hàng cho chủ nhà.
Đa số những hộ kinh doanh có lấn chiếm đều chấp thuận chủ trương chung giải tỏa vỉa hè của thành phố, nhưng cũng bày tỏ mong muốn chính quyền có hướng tạo điều kiện cho người dân được kinh doanh trước cửa nhà mình sao cho hài hòa nhất, để đảm bảo có thu nhập ổn định cuộc sống.
Điểm trông giữ xe máy phố Bùi Thị Xuân, một số cá nhân chiếm bãi trông xe của Công ty khai thác điểm đỗ xe đê trông giữ xe máy dưới lòng đường và trên vỉa hè. |
Thực tế phần lớn kinh tế hộ gia đình mặt phố thu nhập trông chờ vào việc bám vỉa hè kinh doanh để sinh sống, trang trải chi phí nuôi con cái ăn học, đóng tiền điện, nước...
Người dân cũng chia sẻ và cho rằng, các lực lượng chức năng của UBND phường xuống đường giải tỏa vỉa hè cũng làm quá đà. Nhiều bậc tam cấp lối vào nhà đành rằng khi xây dựng có lấn ra ngoài phạm vi sổ đỏ, có nghĩa là lấn ra đất công. Tuy nhiên, sai phạm không phải là lớn, không cản trở phần hè của người đi bộ, cũng chẳng mất mỹ quan đường phố, họ chỉ đua ra 20-30 cm để lên xuống vì cốt nhà cao. Nay chính quyền đập phá đi là đúng, người dân đồng thuận.
Ở một góc nhìn khác, những hộ dân ở phố Xã Đàn thuộc địa bàn một số phường Phương Liên, Nam Đồng bị phá dỡ bậc tam cấp trước cửa nhà cho hay: "Ở đây chúng tôi không hề có ý thức xây bậc tam cấp thế này là lấn chiếm. Khi chúng tôi xây nhà phải có bản vẽ thiết kế được UBND quận cấp phép, trong giấy phép cũng ghi rõ cốt nhà cao hơn mặt đường, hoặc vỉa hè là bao nhiêu phân.
Vì thế đương nhiên chúng tôi xây phải chấp hành theo giấy phép nếu sai sẽ bị xử phạt. Trước cửa nhà thì phải có lối đi dẫn vào nhà nay chính quyền ra tay đập phá về pháp lý có gì đó không ổn”.
Người dân cũng cho rằng cách thực thi giải tỏa ở mỗi phường, mỗi quận lại rất khác nhau, thiếu thống nhất nơi làm quá khốc liệt, nơi có sự nương tay không hề nhẹ, bỏ lọt vi phạm. Cụ thể, trường hợp xử lý vi phạm của lực lượng chức năng phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng sáng 10/3, khiến người dân cho rằng thiếu sự công bằng.
Lực lượng chức năng phường Lê Đại Hành phá dỡ một bạc tam cấp trên phố Đại Cổ Việt. |
Theo phản ánh của người dân, lực lượng chức năng phường Lê Đại Hành do bà Tạ Thị Thanh Huyền, Chủ tịch phường Lê Đại Hành chỉ đạo xử lý vi phạm lấn chiếm sáng 10/3 tại khu vực phố Cao Đạt và Đại Cổ Việt. Lực lượng chức năng đã tổ chức phương tiện tháo dỡ và yêu cầu người dân tự tháo dỡ toàn bộ phần mái vẩy, mái hiên lấn chiếm, biển hiệu quảng cáo gây mất mỹ quan đô thị.
Một chủ cửa hàng ở đây nói: “Chỉ một bậc thềm lối bước chìa ra ngoài khoảng 25 phân cũng bị lực lượng chức năng khoan đục dỡ bỏ. Vì là cửa hàng đi thuê nên chúng tôi không biết chủ nhà có vi phạm hay không. Nhà thì thường phải có ban công, có thềm để bước vào nhà.
Trong khi thềm thì không vượt quá ban công nhô ra đập đi như thế đúng sai thế nào không biết. Tuy nhiên, cùng dãy phố chỉ cách 2-3 số nhà. Người ta xây nhà lấn chiếm đất công nhô ra cả mét đất.
Chúng tôi là người dân, không có chuyên môn như thanh tra xây thì cũng biết là sai phép cả mét thì lực lượng chức năng, trong đó có cả thanh tra xây dựng đứng đó cũng “phớt lờ” coi như không nhìn thấy. Chúng tôi thắc mắc thì vị nữ chủ tịch phường trả lời sẽ cho kiểm tra.
Chúng tôi cũng đã phản ánh đến vài cơ quan báo, đài sau đó họ cũng hồi âm cho chúng tôi nói rằng, chính quyền phường đang rà soát kiểm tra.
Từ đó đến nay gần 10 ngày qua đi trường hợp sai phạm này vẫn ngang nhiên tồn tại chiếm đất công. Phải chăng ở đây có sự chống lưng của chính quyền nên sai phạm được bỏ qua”.
Một điểm trông giữ trên phố Đê Tô Hoàng gây cản trở, khó khăn cho người đi bộ. |
Theo thực địa của phóng viên VOV phản ánh của người dân là hoàn chính xác, không chỉ riêng ở trường hợp này. Tại một số nơi khác trên địa bàn phường này cũng có một vài trường hợp lấn chiếm thềm nhà kinh doanh cà phê thì bị xử lý nhưng phần cơi nới mất mỹ quan đô thị, chiếm dụng hàng mét vỉa hè ở số 1 Hoa Lư nhẽ ra cần xử lý thì bỏ qua. Có vẻ như chính quyền có sự phân biệt. Vi phạm của người dân thì bị xử lý nặng, còn đơn vị nhà nước vi phạm thì bỏ qua.
Bên cạnh đó, nhiều nơi trên địa bàn thành phố nhiều bãi xe sai phép, không phép lực lượng công an phường ra quân dẹp bỏ như bãi xe trước cửa Công ty công viên cây xanh đường Nguyễn Đình Chiểu. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các bãi xe hoạt động trở lại ngay sau khi chính quyền phường rút đi như bãi trông xe trên vỉa hè Trần Xuân Soạn, trước cửa chợ Hôm – Đức Viên (thuộc phường Ngô Thì Nhậm).
Điểm trông xe máy ngay sát bên phải Bệnh viện Mắt Trung ương trên phố Bùi Thị Xuân, phường Bùi Thị Xuân bị một số cá nhân chiếm diện tích được cấp phép trông giữ ô tô của Công ty khai thác điểm đỗ xe để trông xe giữ xe máy không phép chèo kéo khách gây mất an ninh trật tự. Hay có bãi xe chiếm mặt cống thoát nước tại ngõ 27 Đê Tô Hoàng, phường Cầu Dền sau trường THCS Tô Hoàng gây cản trở đi lại của người dân./. Hà Nội lấy lại vỉa hè cho người đi bộ: Cần có sự công bằng