Hà Nội:Ưu tiên hàng đầu cho công tác tiêu úng

Tại buổi làm việc với các sở ban ngành tối 2/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thành phố trực thuộc tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên hàng đầu cho công tác tiêu úng, đặc biệt là khu vực nội thành.

Bên cạnh việc bơm tiêu úng qua trạm bơm Yên Sở, phải huy động tất cả các phương tiên để bơm hút nước từ các điểm ngập úng cục bộ; thậm chí có thể dùng máy bơm cơ động để bơm ngược nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng. Ở những vùng ngập úng nặng trong nội đô, cần khoanh vùng để tiến hành bơm chuyển nước. Có thể tận dụng vùng thu nước ở Đông Mỹ (Thanh Trì) làm điểm bơm trung chuyển.

Theo ông Đỗ Xuân Anh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, trận mưa lớn kỷ lục những ngày qua trên địa bàn Hà Nội, với lượng mưa đo được tại Láng là 473,3mm, Hà Đông 669,7mm, Nhà hát Lớn 475,7mm, Long Biên 5231,1 mm, Đồng Bông 686 mm. Riêng khu vực Mễ Trì, Đồng Bông và Từ Liêm là trận mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua. Nếu so với công suất thiết kế của Dự án thoát nước giai đoạn 1 là 172mm/2ngày thì trận mưa trên lớn gấp 3,4 lần. Tổng lượng nước tính trên toàn bộ khu vực của Dự án 77,5 km2, khoảng 45,4 triệu m3.

Hiện tại sức chứa của hệ thống thoát nước Hà Nội là 22,8 triệu m3, bao gồm 4 con sông và mương là 3 triệu m3, các hồ là 5 triệu m3 (kể cả hồ Tây), trạm bơm hồ Yên Sở là 4,3 triệu m3. Như vậy sẽ còn tối thiểu khoảng 19,2 triệu m3 nước phải bơm qua trạm bơm Yên Sở ra sông Hồng. Chưa kể lượng nước nói trên thì trạm bơm Yên Sở còn phải thoát nước một phần của lưu vực sông Nhuệ do lượng nước của khu vực Hà Đông chảy qua các khu đô thị mới, đường Quốc lộ 70 vào nội thành. Trạm bơm Yên Sở với công suất 45m3/s trong 24h chỉ bơm được 4,088 triệu m3 nước ra sông Hồng nên gây ra nhiều điểm úng ngập ở khu vực nội thành. Với lượng nước như trên thì cần bơm trong khoảng 5 ngày Hà Nội mới hết úng ngập.

Trong hai ngày mưa vừa qua, Sở Xây dựng đã huy động Công ty thoát nước Hà Nội với trên 1.600 cán bộ CNV ứng trực trên toàn bộ địa bàn thành phố và khu vực trạm bơm Yên Sở. Riêng tại khu vực Yên Sở, huy động hơn 2,2 vạn bao tải đất với hơn 400 m3 và hàng trăm lượt xe ô tô để giải quyết vận chuyển vật liệu máy móc, thiết bị cần thiết, phục vụ cho việc bảo đảm vận hành trạm bơm được an toàn.

Ngay từ sáng 1/11, UBND thành phố và các Sở, ngành cùng TCty UDIC, TCty điện lực Hà Nội và lực lượng địa phương với trên 500 người đã thường xuyên ứng trực, triển khai các giải pháp trọng yếu ưu tiên như: đắp bờ bao, bơm nước để hạ mực nước trong và ngoài nhà bơm và trạm điện, nhà quản lý điện để duy trì vận hành an toàn 11 máy bơm đạt công suất 45m3/s. Tại đây, thành phố còn huy động gần 300 cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô tham gia vận chuyển đất, đắp bổ sung bờ vây. Với các giải pháp tích cực và do mưa giảm dần, đến 19h30 cùng ngày mực nước tại khu vực trạm bơm giảm 10 cm (+5.66m xuống +5.56m), nhiều điểm úng ngập tại các quận nội thành Hoàn Kiếm, Ba Đình, một phần quận Hai Bà Trưng như Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, Thụy Khuê, Hàng Chuối...đã rút hết. Riêng khu vực quận Đống Đa, Thanh Xuân và khu vực quận Hoàng Mai nước rút chậm, cụ thể là các đường Nguyễn Trãi, Thái Hà, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Lương Định Của, Trương Định, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, do ở cuối nguồn, địa hình thấp.

Được biết theo chỉ đạo của Thành phố, đến nay, tất cả các trạm bơm tiêu ra sông Nhuệ đã ngừng bơm. Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 74 trạm với 591 máy bơm các loại do các công ty thủy lợi và khai thác công trình thủy lợi quản lý đang vận hành; trong đó có 2 máy x 25.000m3/h, 44 máy x 8000 m3/h... Riêng trạm bơm Yên Sở đang chạy 11/11 máy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên