Hạ tầng giao thông đô thị - Cần bước dài và đi lên cao

Khi mà những con đường trên cao là điều bắt buộc phải nghĩ đến, dường như đã đến lúc cần có sự tập trung ưu tiên thỏa đáng cho việc này

Chuyện chống ùn tắc, tai nạn giao thông ở các đô thị lớn của nước ta như Hà Nội, TP HCM là câu chuyện dài kỳ. Có ý kiến quay lại chủ đề xe chẵn đi ngày chẵn, xe lẻ đi ngày lẻ. Tuy nhiên, đó không phải là cách để giành chiến thắng trong cuộc chiến giao thông.

Tắc đường tại nút giao thông Ngọc Khánh - Giảng Võ chiều 11/5

Hết thời “võ vặt”

Trong vòng 20 năm qua, hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư cho giao thông đô thị mỗi năm để có được những vành đai giao thông, rồi những con đường xuyên tâm, hướng tâm… Nhưng kết quả thì sao? Các thành phố lớn của chúng ta vẫn là tập hợp của những ngã tư đường ùn tắc. Khả năng mở đường của Hà Nội, hay TP HCM đều không thể theo kịp tốc độ phát triển, và nhu cầu nhân lực cho quá trình phát triển đó. Khi bế tắc, những giải pháp cho giao thông đô thị giống với đòn thế của những đấu sĩ bị bịt mắt. Khi đó, chỉ có những miếng võ vặt được đưa ra, chống đỡ và chống đỡ.

Cho đến thời điểm này, dù đã cố hết sức mở rộng hệ thống đường bộ nhưng ở Hà Nội cứ trung bình 1km đường phải gánh chịu 6.500 chiếc ô tô và xe máy các loại. Sự quá tải ấy đã được dự báo, đã và luôn được coi là mối quan tâm hàng đầu.

Giải bài toán ùn tắc giao thông chỉ có một lối đi là đầu tư cho hạ tầng. Song, quỹ đất đô thị không là vô tận, nên việc đầu tư hạ tầng cần có nhiều tư duy khoa học hơn là chạy theo những chỉ số thành tích.

Bước dài và đi lên cao

Câu chuyện quy hoạch giao thông đô thị đã đến lúc phải nhìn theo một hướng khác, khả thi hơn.

Nhìn lại dự thảo Luật Thủ đô, người ta thấy được vấn đề tăng dân số cơ học do dòng người nhập cư được xác định là nguyên nhân số một khiến việc đi lại ở đô thị bị quá tải. Song, hạn chế dòng người nhập cư bằng những quy định khắt khe, và trái tự nhiên như những điều kiện của luật này không phải cách làm khả thi.

Để hạn chế dòng người nhập cư, thay vì xây tường cao, hào sâu quanh biên giới, các nước phát triển đầu tư vào các chương trình phát triển để dòng người đó yên tâm ở lại đất nước của mình. Câu chuyện hạn chế người nhập cư vào các đô thị của chúng ta cũng nên nhìn theo hướng đó.

Một hệ thống hạ tầng giao thông thuận tiện sẽ giúp các địa phương xa xôi hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư. Việc làm của người lao động, và nhu cầu nhân lực cũng sẽ ở cách xa những trung tâm hành chính, giữ dòng người di cư dừng lại ở nơi mình sinh ra. Những bước đi quanh quẩn dọc ngang cần được thay thế bằng những bước đi dài, những con đường vươn xa khỏi đô thị sẽ khiến đô thị rộng rãi hơn khi áp lực dân số được giảm bớt.

Đối với vấn đề của nội đô, điều đầu tiên cần xác định là quỹ đất dành cho giao thông không thể nhiều hơn được. Vì vậy, giải pháp tối ưu vẫn là đi lên cao. Những dự án đường sắt trên cao cũng đã được khởi động. Tuy nhiên, cho đến giờ những dự án đó cũng mới chỉ được bàn đến như là sự thí điểm, với những bước đi dò dẫm chứ không phải là một chiến lược tổng thể và rõ ràng. Đường trên cao, không chỉ đường sắt mà cả đường bộ đều cần được coi là một biện pháp hữu hiệu cho bài toán giao thông đô thị.

Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết A64 tuyên bố “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ 2011-2020”, trong đó có Việt Nam là thành viên soạn thảo và cam kết thực hiện. Mục tiêu của Thập kỷ hành động là nhằm ổn định và giảm số lượng TNGT dự tính trên toàn thế giới vào năm 2020. Đây cũng là cơ hội để các cá nhân, tổ chức trong cộng đồng thể hiện sự ủng hộ và cam kết hành động của mình vì một môi trường giao thông an toàn, văn minh.

Khi mà các đô thị lớn của chúng ta đã quá tải với hệ thống hạ tầng giao thông ngang dọc thì chúng ta phải sẵn sàng trả giá để có thể đi lên bầu trời trong thành phố. Vì khát vọng đi lên bầu trời trong thành phố mà ở quận Daiba, một vùng đô thị mới của Tokyo, tất cả những tòa cao ốc đều được liên kết với nhau bằng những con đường ở trên cao. Đường sắt, đường đi bộ, thậm chí quảng trường ở trên không, giữa các tòa nhà. Điều đó đòi hỏi các nhà thầu phải tuân thủ những quy ước chung của cộng đồng trên quy hoạch tổng thể khi xây dựng những tòa nhà đó.

Sự tuân thủ, chấp hành luật chơi chung luôn là điều khó khăn trong xây dựng ở nước ta. Song, khi luật chơi đó được thiết lập dựa trên khát vọng của cộng đồng, và khát vọng đó được chế định bởi những nguyên tắc không thể thay đổi, thì người ta không thể không tuân thủ nếu muốn tồn tại. Và, điều mấu chốt ở câu chuyện này vẫn là người áp đặt luật chơi.

Áp đặt luật chơi để tập trung nguồn lực

Áp đặt luật chơi là quyền của kẻ mạnh. Nhưng hãy nhìn nhận điều này ở khía cạnh tích cực, đó là không có điều gì mạnh mẽ hơn là khát vọng của cộng đồng. Khi chúng ta mong muốn giảm tải cho thành phố thì việc trải thảm đỏ kêu gọi đầu tư không thể tùy tiện và tràn lan như những năm qua. Và các đặc khu công nghiệp sẽ không còn là những địa phương kề cận TP HCM hay Hà Nội như Bình Dương, Đồng Nai, hay Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Khi các trọng điểm công nghiệp ở xa hơn, hạ tầng giao thông cũng sẽ có những bước đi dài hơn. Những con đường vươn xa không còn là mong muốn của địa phương mà còn là mong muốn của chính nhà đầu tư.

Đối với hạ tầng giao thông đô thị, những năm qua chúng ta đã tiêu quá nhiều tiền cho những dự án mang tính đối phó. Số tiền khổng lồ đổ vào các đề án tăng cường năng lực giao thông chỉ để xoay trở các ngã tư và mua sắm đèn đường đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Khi mà những con đường trên cao là điều bắt buộc phải nghĩ đến, dường như đã đến lúc cần có sự tập trung ưu tiên thỏa đáng cho việc này!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên