Hai bệnh nhi nguy kịch vì mắc bệnh dại do bị chó cắn
VOV.VN - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, các bác sĩ đang tích cực điều trị cho bệnh nhi mắc bệnh dại tình trạng nguy kịch.
Theo đó, một bé trai 8 tuổi, ngụ Gia Lai và một bé trai 13 tuổi, ngụ Đắc Nông, được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng não tổn thương nặng, viêm não, tính mạng nguy kịch nhưng không xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Người nhà bệnh nhi cho biết, các bé không có biểu hiện chó, mèo cắn. Tuy nhiên, gần nhà có chó chết bất thường.
Từ thông tin này, các bác sĩ sau khi xét nghiệm phát hiện 2 bệnh nhi đều mắc bệnh dại. Các bác sĩ đã tích cực điều trị, lọc máu. Đồng thời, hội chẩn cùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP HCM). Tuy nhiên, do tình trạng bé trai 13 tuổi nguy kịch nên đã chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp tục điều trị. Riêng bé trai 8 tuổi nhập viện sau vẫn đang được lọc máu.
BS.CK2 Đỗ Châu, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bệnh dại do virus dại (Rhabdovirus) gây nên, lây từ động vật sang người qua chất tiết, thường là nước bọt. Thời gian ủ bệnh từ 2-8 tuần, ngắn thì khoảng 10 ngày và dài có khi 1-2 năm, tùy lượng virus và độ nặng vết thương. Người bệnh sẽ nhiễm virus cấp tính tại hệ thần kinh trung ương.
Triệu chứng khởi đầu của bệnh này gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt, cảm giác sợ hãi... Bước vào giai đoạn viêm não, người bệnh thường có biểu hiện như mất ngủ, tăng cảm giác kích thích (sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió). Mức độ nguy hiểm nhất là rối loạn thần kinh thực vật với đồng tử giãn, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, rối loạn huyết động…
Nguồn lây bệnh dại là động vật hoang dã và cả động vật sống gần người (chó, mèo…). Phương pháp để xác định bệnh dại là xét nghiệm PCR virus dại trong nước bọt.
BS Đỗ Châu Việt khuyến cáo, phụ huynh chủ động phòng tránh cho con trẻ khỏi bệnh dại, cụ thể như hướng dẫn cho trẻ hiểu và khai báo sớm nếu có động vật làm bị thương. Cần rửa sạch và sát trùng vết thương, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để chích vaccine, huyết thanh kháng dại, chích ngừa uốn ván theo chỉ định của nhân viên y tế nếu có.
Cần chích ngừa dại cho vật nuôi và diệt ổ bệnh khi phát hiện, theo dõi sát những vật nuôi chưa phát bệnh trong ổ. Với những người tiếp xúc thường xuyên với động vật như nhân viên thú y, kiểm lâm… cũng cần chích ngừa định kỳ.