Hai chữ “trách nhiệm” của người làm phát thanh
VOV.VN - Sự phát triển của radiovietnam.vn là hướng đi mới góp phần xứng đáng với sự ghi nhận của UNESCO.
Cách đây 1 năm (13/2/2013), những người trong ngành phát thanh xúc động đón nhận thông tin: Tổ chức UNESCO chính thức vinh danh Ngày Phát thanh thế giới. Từ đây, những người làm phát thanh Việt Nam vinh dự mang thêm trọng trách và sứ mệnh của ngành phát thanh nước nhà… Trong sắc xuân đang ngập tràn trên khắp mọi miền của Tổ quốc, hòa chung cánh sóng của Đài TNVN, 2 chữ “trách nhiệm” ấy cứ luôn day dứt không chỉ trong tâm trí bản thân tôi mà ngay cả trong lòng các đồng nghiệp - những người làm phát thanh hôm nay.
Sự phát triển của radiovietnam.vn là hướng đi mới |
Radiovietnam.vn - 1 năm nhìn lại
Còn nhớ cách đây hơn một năm, tất cả cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ phát thanh - VOVas (Đài TNVN) luôn trong tâm trạng lo âu khi nhận quyết định từ Bộ Thông tin và Truyền thông về việc: giao trách nhiệm xây dựng mô hình điểm hội tụ phát thanh nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho loại hình báo nói truyền thống bằng việc ứng dụng các công nghệ hiện đại nhất hiện nay, phục vụ công tác quản lý và mở ra hướng mới cho ngành phát thanh Việt Nam.
Với tinh thần trách nhiệm cao, không đầy 2 tháng, một hệ thống mạng internet được gấp rút xây dựng, hoàn thiện. Để rồi ngày 13/2/2013 (tức mùng 4 Tết Quý Tỵ), Radiovietnam.vn chính thức ra mắt khán thính giả với sự quy tụ 63 đài phát thanh các tỉnh, thành trong cả nước trên internet và các thiết bị cầm tay khác như Iphone, Ipad...
Ngoài việc mở ra một hướng đi mới cho ngành phát thanh, điều đặc biệt của Radiovietnam.vn chính là việc xây dựng thành công kho dữ liệu âm thanh khổng lồ mà ở đó thính giả có thể vừa được nghe trực tiếp, vừa được nghe lại các chương trình phát thanh của các đài phát thanh trong cả nước. Cũng từ khâu đột phá này, hàng loạt những tiện ích khác như xem bản đồ hành trình trên Vtis; cập nhật thông tin kinh tế - xã hội mang tính chuyên biệt về các tỉnh, thành; nghe tường thuật các trận bóng đá giải ngoại hạng Anh… được thiết lập nhằm phục vụ khán thính giả một cách hữu hiệu nhất.
Ngoài ra, Radio Việt Nam còn tập hợp được 23 chương trình phát thanh các tiếng dân tộc ở Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số.
Có thể nói, Radiovietnam.vn đã xóa nhòa đi khái niệm về không gian và thời gian, phục vụ hàng triệu bà con Việt kiều đang sinh sống và làm việc trên khắp thế giới theo đúng tôn chỉ “Tiếng nói không giới hạn”, đồng thời góp phần quảng bá về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Từ những thành công bước đầu, Radio Việt Nam đã chính thức mở ra nhiều quan hệ hợp tác liên danh liên kết mang tính đột phá trên mọi phương diện như kinh tế, công nghệ… có giá trị. Điển hình như hợp tác với Công ty Cổ phần Then và Hãng Samsung để ứng dụng phát triển cho các thiết bị Samsung chạy phiên bản hệ điều hành Android; Triển khai cung cấp ứng dụng thông tin giao thông đến người sử dụng điện thoại di động Samsung cũng như các thính giả của VOV Giao thông; Tích hợp cài đặt sẵn ứng dụng trên điện thoại di động Samsung cho phép tiếp cận ngay đến hàng triệu người sử dụng điện thoại Samsung; Ứng dụng có mặt trên kho ứng dụng Google Play và Samsung Store cho phép người dùng tải về sử dụng miễn phí; Ứng dụng phần mềm “VOV Bản đồ giao thông” trên SamSung; Ứng dụng tích hợp nghe radio trực tuyến và tích hợp hướng dẫn bằng giọng nói; Ứng dụng hiện tại cho phép người sử dụng chia sẻ thông tin, hình ảnh hiện trường gửi về trung tâm điều hành VOV cập nhật về tình trạng giao thông tức thời, cập nhật lộ trình và vị trí cá nhân, chia sẻ hình ảnh chụp bản đồ… là tiền đề cho lộ trình phát triển “Mạng xã hội giao thông” tại Việt Nam.
Xu thế khu biệt phát triển của đài phát thanh khu vực
Chúng ta luôn tự hào về sự lớn mạnh của ngành phát thanh Việt Nam. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, phát thanh Việt Nam luôn sát cánh cùng quân dân cả nước chống lại hàng trăm chiến dịch tâm lý chiến thâm độc của đế quốc; là hiệu lệnh của Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến… Thời bình, phát thanh Việt Nam luôn là một trong những đơn vị xung kích trên mặt trận tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; Đấu tranh không khoan nhượng đối với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; Chống lại âm mưu diễn biến hòa bình ở Việt Nam; Tuyên truyền cổ động cả nước vững bước trong thời kỳ hội nhập quốc tế…
69 năm - 69 mùa xuân đã lướt qua trên từng cánh sóng phát thanh. Chúng ta có quyền tự hào về ngành phát thanh Việt Nam hôm nay. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập quốc tế, phát thanh Việt Nam đang đứng ở đâu so với phát thanh thế giới cả về công nghệ lẫn phương thức? Bước đi kế tiếp của phát thanh Việt Nam trong những năm tới thế nào? Phát thanh Việt Nam hôm nay có còn phù hợp với thực tại?... Đó là những câu hỏi, những trăn trở của những người đã và đang làm phát thanh Việt Nam.
Trong giai đoạn phát triển kinh tế hội nhập quốc tế hiện nay, việc nắm bắt thông tin một cách đầy đủ, chính xác, phù hợp với đối tượng, phù hợp với mục đích… được đánh giá là yếu tố then chốt quyết định. Ở Việt Nam, với hơn 700 đầu báo bao gồm báo hình, báo nói, báo điện tử, báo in, tạp chí, chuyên san… nhưng lại đang trở thành “thiếu và yếu” đối với việc cung cấp thông tin cần thiết đến đúng đối tượng. Bài học nhãn tiền gần đây cho thấy rõ điều đó.
Xin được ví dụ cụ thể về việc trồng cây cao su ở huyện Đắk R’lấp thuộc tỉnh Đắk Nông. Do thiếu thông tin về các điều kiện sinh trưởng, tồn tại của cây cao su... nên hàng trăm hécta cây cao su buộc phải bị chặt bỏ do sản lượng quá thấp. Và đó là hệ quả tất yếu của việc thiếu thông tin, phát triển trồng cây theo phong trào của người dân, tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng. Hay việc người dân tỉnh Bến Tre đồng loạt phá bỏ hàng trăm hécta cây ca cao do năng suất thấp cũng là một trong những nguyên nhân khởi nguồn từ việc không nắm bắt thông tin một cách đầy đủ. Và điệp khúc trồng - chặt - trồng sẽ vẫn còn tiếp diễn trên nhiều vùng quê, hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng sẽ còn tiếp tục bị chôn sâu vào đất, người nông dân nghèo vẫn hoàn nghèo… tất cả đều xuất phát từ việc thiếu thông tin kịp thời đến người dân.
Trước thực tế đó, để giúp người dân cũng như doanh nghiệp kịp thời nắm bắt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; kịp thời phổ biến kiến thức một cách sâu rộng và toàn diện cho người nông dân trong phát triển kinh tế nông - lâm - thủy hải sản..., ngành phát thanh cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ, táo bạo, quyết liệt trên mọi phương diện, từ công nghệ, kỹ thuật, phương thức tuyên truyền cho đến con người..., thậm chí là cả mô hình phát thanh mới để phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu thông tin của thính giả. Do đó, việc thay đổi cung cách quản lý cũng như mô hình hoạt động mới của ngành phát thanh Việt Nam là điều tất yếu nếu không muốn bị tụt hậu.
Xin đơn cử ngay tại Đài TNVN, để xứng tầm với sự tôn vinh của UNESCO, Đài TNVN - người anh cả của ngành phát thanh Việt Nam - cần có sự tiên phong chuyển đổi một cách toàn diện, phù hợp với yêu cầu của thực tế, nghĩa là phát triển theo hướng đài phát thanh khu vực dựa trên nền tảng các cơ quan thường trú của Đài. Vậy điều kiện nào cho việc phát triển theo hướng các Đài phát thanh khu vực?
Một trong những điều kiện đặc biệt thuận lợi của Đài TNVN là hoạt động phủ sóng dày đặc toàn bộ các khu vực, từ Tây Bắc, Tây Nguyên, miền Trung, TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm tới 98,9% cả nước. Bản thân cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thường trú của Đài là người bản địa nên hiểu và nắm bắt sâu sắc tâm lý vùng miền trên địa bàn quản lý. Trong xu thế cạnh tranh thông tin giữa các loại hình báo chí thì việc nắm bắt vấn đề địa phương hóa, tâm lý vùng miền… là một trong những điều kiện tiên quyết cho sự thành công trong công tác tuyên truyền, thu hút khán thính giả.
Thứ hai, đối chiếu với loại báo hình, truyền hình đã phát triển lên tới hàng trăm kênh được số hóa hay truyền hình theo dạng phát analog… Còn Đài TNVN mới khiêm tốn ở con số 5 kênh phát thanh chính yếu. Nếu phát triển theo hướng Đài phát thanh khu vực, chúng ta có thể phát triển với số lượng hàng chục, thậm chí cả trăm kênh, trong đó nhiều kênh mang tính chuyên biệt, phục vụ đúng cho từng đối tượng, từng vùng miền kinh tế, nâng cao hiệu quả thông tin tới thính giả.
Thứ ba, khi phát triển sang mô hình đài phát thanh khu vực, bản thân chúng ta sẽ hạn chế và dần tiến tới độc lập tự chủ về tài chính, không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước bởi nền kinh tế báo cũng theo đó mà phát triển với số lượng tài trợ, quảng bá không ngừng tăng theo số lượng các kênh phát thanh đặc thù.
Tuy nhiên, mô hình đài phát thanh khu vực cũng bộc lộ một số hạn chế như: vấn đề về đào tạo nâng cao nguồn nhân lực phù hợp với tính đặc thù của từng kênh phát thanh chuyên biệt; về kỹ thuật phải xây dựng thành một thể thống nhất có sự hỗ trợ từ xa với việc ứng dụng công nghệ một cách triệt để. Nghĩa là chúng ta phải xây dựng một mô hình truyền dẫn chuyên biệt quản lý, hỗ trợ thành một thể thống nhất giữa trung tâm kỹ thuật và trung tâm âm thanh…
Có thể nói, với hệ thống công nghệ chưa phù hợp thực tế, cách thức thông tin cũ kỹ thiếu tiện ích… để xứng tầm và đáp ứng xu thế chung của thời đại thì buộc chúng ta phải thay đổi, chuyển đổi một cách toàn diện và triệt để.
Thành lập Hiệp hội Phát thanh Việt Nam
Đài TNVN hiện là thành viên của Hiệp hội Phát thanh - Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU). Chúng ta tự hào về điều đó! Bởi là thành viên của ABU nghĩa là có nhiều cơ hội tiếp cận với những công nghệ tiên tiến trên thế giới, những công trình nghiên cứu có giá trị quốc tế, phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay.
Nhưng để làm tốt điều này, bản thân chúng ta cũng cần phải xây dựng mô hình chuyên trách để hướng tới hợp tác liên danh liên kết với các tổ chức, các doanh nghiệp quốc tế; đi sâu nghiên cứu công nghệ, ứng dụng công nghệ, chỉ ra những phương thức mới, công nghệ mới… có thể ứng dụng hiệu quả ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tế trong khu vực và trên toàn thế giới. Muốn vậy, chúng ta phải đệ trình lên Chính phủ cùng các bộ ngành hữu quan về phương án xây dựng Hiệp hội Phát thanh Việt Nam sao cho xứng tầm.
Việc ra đời Hiệp hội Phát thanh Việt Nam chính là nơi quy tụ 63 đài phát thanh địa phương để cùng có tiếng nói chung, thống nhất của ngành phát thanh Việt Nam.
365 ngày, Radio Việt Nam tròn 1 tuổi, cũng là thời điểm đánh dấu mốc sự kiện tròn một năm UNESCO công nhận Ngày Phát thanh thế giới. Chúng ta hân hoan đón chào năm mới - Xuân Giáp Ngọ, và hy vọng sẽ là một năm “mã đáo thành công” của ngành phát thanh nói chung, Đài TNVN nói riêng. Sự phát triển của chúng ta chính là một hướng đi mới, ý tưởng mới góp phần xứng đáng với sự ghi nhận của UNESCO về Ngày Phát thanh thế giới - 13/2 hàng năm./.