Hai cơn bão mới ít có khả năng ảnh hưởng đến nước ta

Hiện, hai cơn bão này đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và nhiều khả năng sẽ trở thành siêu bão trong khoảng 2 - 3 ngày tới.

Trong khi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên chưa khắc phục xong hậu quả cơn bão số 9 gây ra thì ngoài khơi Thái Bình Dương xuất hiện 2 cơn bão là Parma và Melor, cách Philippines khoảng 1.100km về phía Đông với cường độ mạnh trên cấp 8, giật cấp 10. Hiện, hai cơn bão này đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ từ 25 km - 30 km/h và sẽ trở thành siêu bão trong khoảng 2 - 3 ngày tới.

Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương về những ảnh hưởng của 2 cơn bão này đối với nước ta:

PV: Thưa ông, ông có nhận định như thế nào về sự hình thành cũng như đường đi của 2 cơn bão mới này?

Ông Lê Thanh Hải: Vùng bão Tây Bắc Thái Bình Dương mà Việt Nam chịu ảnh hưởng là vùng bão rất đặc biệt, chiếm đến 31% tổng số bão trên toàn thế giới. Đây là vùng mà bão hình thành và hoạt động nhiều nhất trong 7 vùng bão trên toàn thế giới. Vào giai đoạn dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh, dồn dập thì thông thường trên dải hội tụ nhiệt đới có thể xuất hiện 3 - 4 cơn bão, hoặc áp thấp nhiệt đới. Việc một lúc có 3 cơn bão, cơn bão số 9, và 2 cơn bão mới hình thành ngoài Thái Bình Dương đều ở mức độ bão mạnh, chúng tôi cho là bình thường.

Theo quy luật tháng 9, tháng 10 vẫn là những tháng nhiều bão nhất của mùa bão. Cho đến giờ này 2 cơn bão vẫn còn ở xa. Chúng ta chưa khẳng định được là nó có vào biển Đông hay không. Nếu có vào thì phải từ 3 - 4 ngày nữa mới có khả năng đi vào được. Nếu đi vào được cũng rất ít khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

PV: Ông có thể đưa ra những dự báo 2 cơn bão này ảnh hưởng như thế nào đến nước ta?

Ông Lê Thanh Hải: Hai cơn bão này đều xuất hiện ở mức độ tương đối gần nhau, nên cũng có tương tác với nhau, có khả năng tạo ra những tình huống phức tạp. Hiện nay cả 2 cơn bão chưa có khả năng đi vào biển Đông. Nhưng nhìn chung rất ít khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Nhưng hậu quả của hai cơn bão này có lẽ ở dưới dạng là khi có nhiều bão hoạt động thì gió mùa Tây Nam bị kích thích và hoạt động mạnh lên. Chính vì thế, Tây Nguyên và Nam Bộ vẫn tiếp tục có mưa, và đặc biệt là Tây Nguyên, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 9 và trong vài ngày tới vẫn đang là thời kỳ có mưa nhiều. Chính vì thế, chúng ta phải đề phòng lũ quét và sạt lở đất tại Tây Nguyên và miền đông Nam bộ, cũng như tiếp tục ngập úng.

PV: Cảm ơn ông

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên