Đài TNVN phủ sóng biển Đông:

Hải đăng trong bão

Phản ánh của phóng viên VOV tại Thanh Hoá về hiệu quả của dự án này trong việc đối phó với cơn bão số 7 vừa qua

>> Người bạn tin cậy

>> Quân và dân hải đảo vui mừng với dự án phủ sóng biển Đông

>> Đài Tiếng nói Việt Nam phủ sóng biển Đông

Cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chính thức bấm nút phát sóng các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam trên biển Đông. Từ đây ngư dân hoạt động nghề cá trên biển và cán bộ chiến sỹ ở ngoài đảo xa có thêm một phương tiện tin cậy để nắm bắt những thông tin về kinh tế xã hội, đặc biệt là về diễn biến các cơn bão. Chính quyền các tỉnh ven biển và ngư dân chủ động triển khai công tác phòng chống thiên tai.

Cơn bão số 7 tuy đã suy yếu, nhưng gió vẫn gầm gào. Tại cửa Lạch Trường, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, hàng trăm tàu đánh bắt xa bờ đang neo đậu an toàn. Anh Nguyễn Trọng Hùng, chủ tàu TH 90299 cùng các thuyền viên đang chuẩn bị ngư cụ và nhu yếu phẩm cho chuyến đi biển tiếp theo. Ông Hùng cho biết: Khi đang lái tàu ra đến gần vùng biển đánh cá chung, nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam thông tin dự báo cơn bão số 7, tàu của ông và nhiều tàu khác nhanh chóng về đây để tránh bão. Gần đây, ông Hùng và nhiều ngư dân vui mừng vì thường xuyên nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam ở vùng biển ngoài khơi xa.

Ông Nguyễn Trọng Hùng nói: “Chúng tôi rất phấn khởi vui mừng biết dự án phát sóng biển Đông của Đài Tiếng nói Việt Nam rất hợp lý đối với sản xuất nghề cá, phù hợp đối với công tác phòng chống thiên tai, vì khi phát sóng tần số biển Đông này, tất cả bà con và phương tiện đánh bắt cá đều có ý thức trang bị radio, nối liền tần số đó, kịp thời nắm bắt diễn biến thời tiết trên biển để phòng tránh kịp thời. Tôi thấy rằng dự án có tính nhân văn rất cao”.

Thực tế nhiều năm qua, trong công tác phòng chống thiên tai ở các tỉnh ven biển nói chung, Thanh Hóa nói riêng, việc chủ động triển khai các biện pháp đối phó trước khi bão vào là hiệu quả nhất. Muốn làm được điều này nhất thiết phải có thông tin kịp thời về diễn biến cơn bão, để các phương tiện đánh bắt nhanh chóng vào nơi trú ẩn an toàn hoặc di chuyển khỏi vùng bị ảnh hưởng. Trên các tàu thuyền đều có máy Ecom để liên lạc với đất liền, chi phí mua máy rất đắt mà chỉ bắt được ở vùng biển gần bờ cách khoảng 50 hải lý. Thế nhưng giờ đây trên khắp lãnh hải của Việt Nam trên biển Đông, ngư dân chỉ cần có chiếc radio là nghe được sóng phát thanh của Đài Tíếng nói Việt Nam, trong đó cập nhật thông tin dự báo bão.

Ông Phạm Bá Oai, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa nhận xét: “Phủ sóng phát thanh trên biển Đông có hiệu quả rất lớn, trong khi trang bị đài Ecom không phải lúc nào cũng bắt được liên lạc, thu được tín hiệu. Vì vậy khi phủ sóng trên biển Đông rồi, các phương tiện có Radio có thể nắm được thông tin diễn biến các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, đặc biệt các tàu đánh bắt xa bờ có hiệu quả rất rõ rệt. Tận ngoài biển Đông ở vùng đánh cá chung, chúng ta vẫn nắm được thông tin bão. Tôi cho rằng đây là nỗ lực rất lớn của Nhà nước trong việc đảm bảo an ninh và phòng chống thiên tai”.

Thanh Hóa hiện có hơn 5.000 tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Cơn bão số 7 vừa qua, các lực lượng chức năng đã kịp thời kêu gọi và hướng dẫn toàn bộ vào nơi trú ẩn an toàn, trong đó có nhiều tàu đang đánh bắt xa bờ đã nghe được Đài Tiếng Việt Nam và chủ động tránh trú vào đảo Cô Tô, Cát Bà, Bạch Long Vĩ. Ông Trịnh Văn Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Phó trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa đánh giá: “Với các tỉnh ven biển như Thanh Hoá, chúng tôi đã từng nghĩ đến việc này nhưng lực của tỉnh có giới hạn. Giờ đây được Đài Tiếng nói Việt Nam triển khai, dự án phát sóng biển Đông có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống”.

Nhiều ngư dân đã ví làn sóng của Đài TNVN trên biển Đông như ngọn hải đăng trong bão./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên