Hải Phòng khẳng định vị thế

5 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của TP. Hải Phòng có nhiều khởi sắc. Vị thế, vai trò của thành phố Cảng được nâng cao, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước.

Thành công đó tạo nền tảng vững chắc để Hải Phòng tự tin phấn đấu hoàn thành mục tiêu cơ bản trở thành thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng biển theo hướng văn minh, hiện đại vào năm 2015.

Trước thềm Đại hội XIV Đảng bộ TP. Hải Phòng, phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thuận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố về những mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới.

** Ông đánh giá như thế nào về kết quả đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ TP. Hải Phòng, nhiệm kỳ 2005 - 2010 đề ra?

Ông Nguyễn Văn Thuận

Ông Nguyễn Văn Thuận: 5 năm qua, Đảng bộ, quân và dân TP. Hải Phòng đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực, quyết tâm cao trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Đại hội XIII Đảng bộ thành phố (TP). Do đó, những kết quả đạt được khá toàn diện.

GDP bình quân trong 5 năm đạt tốc độ tăng trưởng 11,15%. Tuy không đạt mục tiêu ĐH đề ra (12-13%/năm), song vẫn gấp 1,5 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Nhiều chỉ tiêu đạt cao, về trước kế hoạch từ 1 đến 3 năm như: sản lượng hàng hoá thông qua cảng, thu ngân sách trên địa bàn, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiên tiến. Tỷ trọng GDP của các nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng từ 87% năm 2005 lên 90% năm 2010 (trong đó dịch vụ tăng từ 50,8% lên 53%).

Về kinh tế: Công nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ lực, chiếm 31% trong GDP của TP, góp phần quan trọng hàng đầu vào tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu, thu hút lao động. Kinh tế dịch vụ phát triển đa dạng, đúng định hướng, chất lượng và hiệu quả được nâng lên, góp phần đưa Hải Phòng từng bước trở thành một trong các trung tâm dịch vụ lớn của vùng duyên hải Bắc bộ. Kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng CNH - HĐH và bảo đảm an ninh lương thực. Các ngành kinh tế biển truyền thống tiếp tục được đầu tư, nâng cao năng lực, có tốc độ phát triển nhanh, cải thiện sức cạnh tranh. Vai trò Hải Phòng là một trong những trọng điểm kinh tế biển của cả nước được khẳng định rõ hơn.

Về văn hóa - xã hội: Giáo dục đại học phát triển cả về quy mô và chất lượng, thu hút sinh viên từ 55 tỉnh, TP theo học, bước đầu thể hiện vai trò là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của cả nước. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 65%. Trong đó, lao động qua đào tạo nghề đạt 43%. Bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho 44.600 lượt người. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm. Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn tăng đáng kể. Chương trình giảm nghèo đạt hiệu quả cao. Số hộ nghèo giảm còn 3,86% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010). Đời sống của các tầng lớp nhân dân tiếp tục được cải thiện.

** Bài học kinh nghiệm Hải Phòng rút ra sau 5 năm thực hiện Nghị quyết ĐH XIII Đảng bộ thành phố là gì?

Ông Nguyễn Văn Thuận: Nghị quyết ĐH XIII Đảng bộ TP được triển khai thực hiện trong điều kiện có những thuận lợi cơ bản. Sau 5 năm thực hiện NQ ĐH, Hải Phòng rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là: Kiên trì thực hiện đường lối, mục tiêu đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Đoàn kết, quyết tâm cao, quyết liệt trong tổ chức thực hiện mô hình, mục tiêu phát triển TP đã xác định. Phát huy toàn diện, đồng bộ và có hiệu quả lợi thế của TP Cảng. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả tăng trưởng và phát triển bền vững, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.

Hai là: Nhất quán trong nhận thức và thực tiễn lãnh đạo. Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng và phát triển văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần xã hội. Đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu. Thường xuyên coi trọng gắn kết giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đảm bảo thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là: Coi trọng kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Việc điều hành của các cấp chính quyền phải kiên quyết, sáng tạo, sát thực tiễn; nhạy bén, dự báo đúng tình hình, đồng thời coi trọng việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Đúc rút kinh nghiệm, mô hình mới và kịp thời đề ra các chủ trương, giải pháp phù hợp, khả thi. Phát huy sức mạnh hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Bốn là: Chăm lo củng cố, xây dựng các tổ chức Đảng có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao; gắn bó mật thiết với nhân dân; phát huy hiệu lực quản lý của Nhà nước, tính chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, “tự diễn biến” trong nội bộ các tổ chức Đảng...

** Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015 của TP. Hải Phòng?

Ông Nguyễn Văn Thuận: Hải Phòng xác định mục tiêu phát triển thành phố đến năm 2015 là: phấn đấu tỷ trọng GDP của Hải Phòng trong GDP của cả nước đạt mức 5,1 - 5,2%; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 13 - 13,5%/ năm. Tốc độ tăng bình quân GDP ngành dịch vụ đạt khoảng 14 - 14,5%/năm; CN - XD tăng 13,2 - 13,8%/năm; nông - lâm - thủy sản tăng 4,8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH - HĐH với tỷ trọng dịch vụ 56%, CN - XD 37%, nông- lâm- thuỷ sản 7%. Giải quyết việc làm cho 255.000 lao động trong giai đoạn 2011-2015. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì mức 4%, phấn đấu nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn đạt 85%; tỷ lệ dân số đô thị đạt 75%. 30% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (theo Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới)…

** Để thực hiện thành công mục tiêu trên, khâu nào được Hải Phòng xác định là đột phá?

Ông Nguyễn Văn Thuận : Hải Phòng xác định 3 khâu đột phá, đó là: Thứ nhất, tập trung xây dựng, tạo sự phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị. Chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, chủ đầu tư dự án để đẩy nhanh việc thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, có tác động quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển TP. Phát triển mạnh tuyến đường sắt nối với cảng biển và cảng bốc dỡ nội địa. Tập trung nguồn lực đẩy mạnh xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải gắn với đẩy mạnh xúc tiến đầu tư lấp đầy các KCN đã xây dựng; đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã phê duyệt theo lộ trình phù hợp.

Thứ hai, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ.

Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính. Tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện dân chủ ở cơ sở.

** Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên