Hạn hán và câu chuyện chuyển đổi cây trồng ở Ninh Thuận
VOV.VN - Hai năm liên tiếp, do ảnh hưởng bởi hạn hán, tình trạng thiếu nước sản xuất diễn ra trên diện rộng ở Ninh Thuận.
Chính quyền và người dân Ninh Thuận buộc phải tìm nhiều biện pháp ứng phó, ổn định cuộc sống. Trong đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp đang được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực.
Ninh Thuận là một số các địa phương chịu thiệt hại nặng nề do hạn hán. Thiếu nước sản xuất, nhiều nơi đã bỏ ruộng hoang đến 5 vụ. Ở vùng hạn, nếu cứ mãi trồng lúa, sẽ không thể đảm bảo đủ nước. Do vậy, tỉnh Ninh Thuận quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, chuyển từ lúa sang các loại cây ngắn ngày sử dụng ít nước, mang lại hiệu quả.
Đoàn cán bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến khảo sát mô hình trồng đậu xanh thay lúa của Ninh Thuận. |
Được sự hỗ trợ về giống và kỹ thuật của ngành nông nghiệp, gia đình ông Bay Thanh Nếu ở thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn vụ này không trồng lúa mà chuyển sang trồng đậu xanh. Sau gần 2 tháng xuống giống và chăm sóc, giờ đây 6 sào đậu xanh của gia đình đã cho ra quả, chuẩn bị thu hoạch.
Ông Nếu cho biết: “Vì hạn hán nắng gắt quá, không có tưới, mình chuyển qua trồng cây đậu xanh cho nó tiết kiệm nước. Còn cây lúa, nếu mà trồng thì mùa này đâu có đủ nước.”
Cũng nằm trong vùng hạn nặng, năm ngoái 2 héc-ta đất lúa của gia đình ông Quầy Phúc Hỷ ở thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, không đủ nước tưới thiệt hại nặng. Năm nay, ông quyết định không sản xuất lúa nữa để tránh thiệt hại.
Ông Quầy Phúc Hỷ nói: “Vụ này chuyển đổi qua trồng cây đậu xanh. Ngoài 1 héc-ta đậu xanh, tôi còn chuyển đổi trồng cỏ nữa. Chuyển như vậy với mục đích giảm được lượng nước tưới tiêu cho nó phù hợp, sản xuất ổn định cuộc sống lâu dài.”
Nông dân Ninh Thuận trồng đậu xanh trên đất trồng lúa để khắc phục tình trạng hạn hán. |
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Ninh Thuận đã chuyển đổi hơn 1.300 héc-ta đất lúa đông xuân và đất màu kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả cao và sử dụng ít nước như: đậu xanh, bắp lai và cỏ chăn nuôi. Trong đó, có đền 1.000 hécta đậu xanh. Năng suất đậu xanh vụ này đạt từ 1,5-1,6 tấn/hécta, giá hiện tại 28.000 đồng/kg, trừ chi phí, nông dân trồng đậu xanh thu về khoảng 35 triệu đồng/hécta, có lãi hơn trồng lúa.
Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Sử dụng các loại cây trồng chịu hạn ngắn ngày, thì rõ ràng lượng nước tưới giảm khoảng 80% so với trồng lúa. Thứ hai nữa, chúng ta không bỏ đất trống, duy trì sản xuất, kiếm nguồn thu nhập cho bà con nông dân trong điều kiện nắng hạn. Nhà nước đỡ phải cứu đói giáp hạt. Cùng với đó, chúng ta tận dụng được phụ phẩm đó sau thu hoạch để chăn nuôi gia súc.”
Mới đây, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến thăm quan một số mô hình chống hạn ở Ninh Thuận. Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao mô hình chuyển đổi cây trồng: “Mô hình này, chúng tôi cho rằng ngoài việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thì đã có bước chuyển hơn. Tức là biến cái khó khăn thành cái lợi thế. Chúng tôi rất mong muốn bà con nông dân tiếp tục nhân rộng mô hình này ra trong thời gian tới.”
Hiện lượng nước tích trữ tại 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chỉ còn khoảng 50 triệu m3, xấp xỉ 26% dung tích thiết kế. Dự kiến trong vụ hè thu 2016, 10 hồ thủy lợi trên địa bàn sẽ cạn. Trước tình hình này, tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục triển khai giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần giúp nông dân vùng hạn có thể sản xuất trong điều kiện nắng hạn, ổn định cuộc sống./.