Hàng không giải quyết hành khách ứ đọng sau bão số 9

Các hãng hàng không tăng chuyến, giải quyết lượng khách tồn đọng trong những ngày vừa qua.

>> Miền Trung khắc phục hậu quả sau bão số 9

Ngay sau bão, sân bay quốc tế Đà Nẵng và sân bay quốc tế Phú Bài- TT Huế đã hoạt động bình thường, phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.

Bắt đầu từ sáng ngày 30/9, ngay sau khi sân bay quốc tế Đà Nẵng mở cửa trở lại, hãng hàng không Jetstar Pacific đã tổ chức các chuyến bay như thường lệ. Theo đó, có 6 chuyến với 12 chặng bay từ TP HCM, Hà Nội đến Đà Nẵng và ngược lại, góp phần vận chuyển khoảng 2000 lượt khách mỗi ngày.

Trong khi đó, để giải tỏa hành khách bị kẹt lại ở thành phố Đà Nẵng và Huế, vì bão số 9, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Airline đã tăng cường 2 chuyến bay từ Hà Nội cũng như TP HCM đến 2 địa phương này, đồng thời nâng cấp máy bay nhỏ lên máy bay lớn để tăng tải, đảm bảo nhu cầu đi lại rất lớn trong những ngày này.

Văn phòng Khu vực Miền Trung, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam Airline đã khẩn trương thông báo lịch bay bằng phương thức nhắn tin và gọi điện trực tiếp đến đến các số máy cá nhân của khách sau 2 ngày bị gián đoạn.

Theo thông báo của Vietnam Airlines, hành khách đã đặt chỗ và mua vé trên các chuyến bay bị hủy trên sẽ được chuyển đổi hành trình bay, đổi ngày bay theo nhu cầu mà không phải trả thêm bất kỳ khoản lệ phí nào. Tuy nhiên, từ 7h30 đến tận 13h30 ngày 30/9, mạng điện thoại của Văn phòng Khu vực Miền Trung, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam Airline bị gián đoạn khi các đơn vị xử lý cây xanh làm đứt cáp điện thoại. Mặc dù đơn vị đã xử lý tình huống bằng cách sử dụng điện thoại không dây để liên lạc với khách, nhưng 1 số chuyến bay trong buổi sáng và đầu giờ chiều vẫn còn ghế trống. (Hải Sơn)

** Sau bão số 9 đường bộ đường sắt vẫn chưa thông

Sau cơn bão số 9, chỉ có duy nhất đường hàng không hoạt động trở lại, còn nhiều tuyến đường bộ, đường sắt đến miền Trung vẫn bị ách tắc bởi ngập úng và sạt lở.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, do ảnh hưởng của bão số 9, đến trưa ngày hôm nay, nhiều công trình cầu đường trên một số tuyến quốc lộ bị ngập úng, sạt lở, giao thông đi lại khó khăn. Đến thời điểm này, thiệt hại ước tính khoảng 48 tỷ đồng.

Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị tập trung lực lượng hót đất đá sụt taluy, rào chắn các đoạn taluy âm bị sạt, đắp đất hoàn trả nền mặt đường bị xói lở và làm kè đá bảo vệ nền đường. Các đơn vị tổ chức gác 24/24 giờ tại những vị trí nguy hiểm, làm việc với các lực lượng chức năng của địa phương để tổ chức điều hành giao thông đảm bảo an toàn, thông suốt.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: do miền Trung vẫn còn ngập sâu nên hôm nay, Tổng Công ty cắt giảm 3 đôi tàu, chỉ cho chạy 2 đôi SE3/4 và SE7/8 xuất phát từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi chạy đến đoạn từ Bắc Huế đến ga Mỹ Chánh (Thừa Thiên Huế) khoảng 27 km và đoạn từ thành phố Quảng Ngãi đến ga Trị Bình (Quảng Ngãi) khoảng 40 km, hành khách phải xuống đi bằng ôtô.

Về kế hoạch chạy tàu ngày mai, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quyết định cho 3 đôi tàu SE3/4, SE5/6 và TN1/2 chạy suốt từ Bắc tới Nam và ngược lại. Tuy nhiên, do nhiều toa xe còn đang nằm kẹt ở các ga vùng lũ nên ngành đường sắt phải gom nhiều toa xe ở các tuyến khác để thay thế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên