Hàng loạt kỷ lục mới trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam
VOV.VN - Dù phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19, nhưng 2020 vẫn là năm y tế Việt Nam tạo ra nhiều bứt phá trong lĩnh vực ghép tạng.
Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành Y tế Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có. Tuy nhiên, đây cũng là năm ghi dấu ấn về lĩnh vực ghép tạng tại nước ta với vô số những kỷ lục đáng chú ý như: Ghép gan cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất, ghép 23 tạng trong 13 ngày, lần đầu tiên ghép ruột từ người cho còn sống và kỷ lục ghép gan 7 ngày ghép 5 gan…
Ghép gan cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất
Trong hai ngày 24 -26/2, Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện thành công 2 ca ghép gan cho hai bệnh nhi nhỏ tuổi. Cả hai đều bị bệnh gan giai đoạn cuối do các biến chứng nặng của bệnh teo đường mật bẩm sinh, nguy cơ thiệt mạng cao.
Bệnh nhi đầu tiên được ghép là bé T.H.A. (nữ, 20 tháng tuổi, nặng 9,5kg, trú tại Phú Thọ, ghép ngày 24/2) và bé T.G.B. (nam, 9 tháng tuổi, nặng 7,5kg, trú tại Quảng Ngãi, ghép ngày 26/2). Trong đó bé T.H.A. (9 tháng tuổi) là ca ghép gan cho người nhỏ tuối nhất Việt Nam.
Các bệnh nhi đều có dị tật bẩm sinh nặng ở hệ thống đường mật, gây tổn thương đường mật trong và ngoài gan, khiến sự dẫn mật bị ứ trệ, gây hậu quả xơ gan mật và các biến chứng nặng nề. Bệnh nhi có thể thiệt mạng do xuất huyết tiêu hóa nặng hoặc hôn mê gan.
TS.BS Cao cấp Nguyễn Phạm Anh Hoa - Trưởng khoa Gan Mật cho biết, cả hai bệnh nhi đều có tình trạng xơ gan nặng và nhiều biến chứng nặng đe dọa thiệt mạng như: xuất huyết tiêu hóa do ăng áp lực tĩnh mạch cửa, nhiễm trùng đường mật tái diễn, suy chức năng gan…
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương hội chẩn và đưa ra quyết định ghép gan là biện pháp duy nhất có thể cứu sống 2 bệnh nhi.
Theo GS.TS Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, ghép gan là phẫu thuật khó, do cấu trúc giải phẫu phức tạp, tình trạng bệnh nền nặng, yêu cầu trình độ cao về phẫu thuật, gây mê hồi sức và chăm sóc trước trong và sau mổ.
Cả hai trường hợp được nhận gan từ bố mẹ đẻ. Bbé T.H.A., nhận gan từ mẹ, bé T.G.B. nhận gan từ bố. Ca mổ đầu tiên diễn ra trong 9 giờ và ca thứ hai kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ. Tình trạng sau mổ ổn định, các bệnh nhân được chăm sóc tích cực sau phẫu thuật.
13 ngày ghép thành công 23 tạng
Sáng 16/9, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông báo lần đầu tiên trong 13 ngày (từ 30/8 - 12/9), bệnh viện ghép thành công 23 tạng gồm: 3 tim, 4 gan, 16 thận (trong đó 8 thận từ người cho sống, 15 tạng từ người cho chết não). Sau ghép, tất cả các bệnh nhân và tạng đều rất tốt.
Ngoài kỷ lục trên, chỉ trong 10 ngày (từ 28/8 - 8/9), đơn vị tư vấn và điều phối Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng lần đầu tiên vận động thành công 4 gia đình hiến tạng. Số tạng được hiến gồm 3 tim, 4 gan, 8 thận, 20 mạch máu, 2 van tim và 2 giác mạc.
Đáng chú ý, chỉ trong 2 ngày 11/9 và 12/9, bệnh viện thực hiện thành công liên tiếp 2 ca ghép tim.
Anh N.Q.T., 33 tuổi, ở Thanh Hóa có tiền sử suy tim giai đoạn cuối trên nền bệnh cơ tim giãn. Anh T. bị bệnh cơ tim giãn kéo dài 5 năm, đã điều trị tại bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, quá trình điều trị, anh T. nhiều lần xuất hiện loạn nhịp nguy hiểm phải sốc điện, nguy cơ thiệt mạng cao. Anh chỉ có 1 cơ hội sống duy nhất là ghép tim.
Người cho tạng là trường hợp chấn thương sọ não nặng, có biểu hiện chết não và gia đình mong muốn được hiến đa tạng (tim, gan, 2 thận).
Ca phẫu thuật ghép tim thành công, kéo dài trong 6 giờ. Sau mổ, bệnh nhân hồi phục tốt, được rút máy thở, giảm dần thuốc trợ tim, tiếp tục được theo dõi điều trị tích cực.
15h ngày 12/9, sau ca ghép tim ngày 11/9, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp tục bước vào ca ghép tim thứ 2 cho bệnh nhân N.Đ.D., 52 tuổi, ở Thanh Hóa, tiền sử bị suy cơ tim giãn nhiều năm.
Người hiến tạng là nam thanh niên hơn 30 tuổi, bị tai nạn giao thông không còn khả năng cứu chữa. Gia đình anh đã đồng ý hiến tim, gan, 2 thận. Ca phẫu thuật sau đó đã tiến hành thuận lợi, đạt kết quả tốt.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân D. tỉnh táo, được rút máy thở, có thể ngồi dậy, ăn uống và nói chuyện, tiếp tục được theo dõi điều trị tích cực.
Cho đến nay, việc ghép thành công 23 tạng trong 13 ngày của Bệnh viện Việt Đức vẫn là kỷ lục ghép tạng của Việt Nam. Nhờ thành công này, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã vinh dự nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tiếp nối thành công, ngày 28/9, bệnh viện tiếp tục xác lập kỷ lục mới với ca ghép thận thứ 1.000 cho nam bệnh nhân 49 tuổi, ở Hà Nội, có tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối.
Kỷ lục ghép gan: 7 ngày ghép 5 ca
Ngày 19/12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, chỉ trong 1 tuần, các bác sĩ đã thực hiện thành công 5 ca ghép gan.
Trung tướng, TTND Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin, 2 ca ghép cấp cứu, 2 trường hợp theo kế hoạch và một người được ghép cấp cứu khẩn cấp. Các bệnh nhân này chỉ có một cơ hội sống duy nhất là ghép gan.
Trong số 5 ca ghép gan, 2 trường hợp rất đặc biệt. Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân được ghép gan từ người cho ở Bệnh viện Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Trong 20 giờ, các bác sĩ hoàn tất các công đoạn đánh giá chức năng tạng, nhận tạng và gấp rút chuyển về Hà Nội để có thể ghép trong thời gian ngắn nhất.
Trường hợp thứ 2 là cha hiến gan cho con trai mới 13 tuổi. Bệnh nhi bị suy gan cấp, bệnh Wilson. Đây là rối loạn di truyền hiếm gặp khiến đồng bị tích tụ trong gan, não và một số cơ quan quan trọng khác của cơ thể. Do tới viện ở giai đoạn muộn, nên ghép gan là cơ hội duy nhất để kéo dài sự sống cho bệnh nhi.
Khi biết tin con cần ghép gan, bố của bệnh nhi đã quyết định hiến gan cho con. May mắn, ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi. Sau ghép, các bệnh nhận được chăm sóc theo chế độ đặc biệt suốt 24 giờ. Sức khỏe của các bệnh nhân diễn biến ổn định và được theo dõi, đánh giá chặt chẽ.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trong 3 năm thực hiện kỹ thuật ghép gan, tính đến đầu tháng 12, bệnh viện đã ghép 60 ca. Riêng trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đơn vị vẫn đảm bảo ghép gan 40 ca.
Lần đầu tiên ghép ruột từ người cho còn sống
Ngày 31/10, Học viện Quân y cho biết vừa thực hiện thành công kỹ thuật ghép ruột cho bệnh nhân từ người cho còn sống.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân Nguyễn Văn D., 42 tuổi, có tiền sử phẫu thuật ổ bụng 5 lần vì viêm phúc mạc do thủng đại tràng, tắc ruột, điều trị tại nhiều bệnh viện.
Quá trình điều trị, bệnh nhân phải phẫu thuật cắt ruột khối lượng lớn (chiều dài ruột non hiện tại của bệnh nhân chỉ còn lại 80cm) vào tháng 5/2007.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Lò Văn T., 26 tuổi. Đầu tháng 9/2020, bệnh nhân bị viêm phúc mạc do hoại tử gần như toàn bộ ruột non. Bệnh nhân được Bệnh viện huyện Than Uyên (Lai Châu) phẫu thuật cấp cứu cắt gần hoàn toàn ruột non (chiều dài ruột non hiện tại của bệnh nhân chỉ còn 20cm).
Sau khi tiếp nhận 2 bệnh nhân trên, Học viên Quân y thăm khám, xét nghiệm và mời các chuyên gia trong nước hội chẩn. Hội đồng kết luận cả 2 bệnh nhân đều có chỉ định tuyệt đối về ghép ruột.
Ngày 27/10, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 phối hợp với chuyên gia từ Bệnh viện Đại học Tohoku (Nhật Bản) thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Lò Văn T. Người hiến ruột là mẹ đẻ của bệnh nhân (47 tuổi).
Tiếp nối thành công trên, ê kíp phẫu thuật tiếp tục thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Nguyễn Văn D. vào ngày 28/10. Người hiến ruột là em trai của bệnh nhân (40 tuổi).
Sau mổ, 2 bệnh nhân đều sức khỏe ổn định. Ruột mới ghép đang được theo dõi, các chỉ số sinh tồn đều ổn định, các bệnh nhân đang được điều trị tích cực.
GS Trung tướng Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y cho biết, với thành công này Việt Nam đã ghi danh vào trong số 22 nước thực hiện được kỹ thuật ghép ruột thành công trên thế giới. Đây là thành công lớn trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam.
Đến nay, trên thế giới thực hiện được thành công khoảng 1.000 ca ghép ruột.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá, việc thực hiện thành công ca ghép ruột non đầu tiên của Việt Nam là mốc son đánh dấu bước tiến trong khoa học của ngành y nước nhà./.