Hàng nghìn công nhân ngộ độc thực phẩm mỗi năm
VOV.VN - Các vụ ngộ độc thực phẩm là do độc tố chiếm hơn 10%, nhiễm vi sinh chiếm gần 42%
Trung bình mỗi năm, tại các Khu công nghiệp- khu chế xuất trong cả nước xảy ra hơn 14 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 1.000 công nhân phải đi nhập viện. Trong đó, số công nhân bị ngộ độc thực phẩm ở vùng Đông Nam bộ chiếm gần 43% so với cả nước.
Đây là thông tin nêu ra tại hội thảo đảm bảo an toàn thực phậm bếp ăn tập thể tại các Khu công nghiệp- Khu chế xuất trong toàn quốc, diễn ra ở tỉnh Tiền Giang ngày hôm nay (29/10). Hội thảo do Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế kết hợp với Sở Y tế Tiền Giang tổ chức.
Điều trị công nhân bị ngộ độc thực phẩm tại Tiền Giang. |
Cả nước hiện có 256 khu công nghiệp, khu chế xuất phân ở ở 61 tỉnh, thành. Hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất ở nước ta đều có bếp ăn tập thể phục vụ cho công nhân. Tuy nhiên, theo các ngành chức năng việc tổ chức bếp ăn tập thể cho công nhân còn nhiều bất cập như: giá thành mỗi suất ăn còn thấp, chất lượng dinh dưỡng của suất ăn chỉ đáp ứng 89% nhu cầu năng lượng của công nhân. Đặc biệt là vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp khu chế xuất chưa được quan tâm đúng mức. Trung bình mỗi năm, ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trong cả nước xảy ra 14 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 1.000 công nhân phải nhập viện điều trị. Đáng lưu ý là số người bị ngộ độc thực phẩm ngày càng gia tăng. Ở khu vực Đông Nam bộ có số vụ ngộ độc thực phẩm chiến gần 43% so với tổng số vụ trong cả nước, nhiều nhất là ở các tỉnh: Trà Vinh, Long An, Tiền Giang…
Qua phân tích tại hội thảo cho thấy: các vụ ngộ độc thực phẩm là do độc tố chiếm hơn 10%, nhiễm vi sinh chiếm gần 42% và khoảng 40% số vụ chưa rõ nguyên nhân…
Để đảm bảo sức khỏe công nhân, ổn định tình hình sản xuất của các doanh nghiệp ở các khu chế xuất, khu công nghiệp trong thời gian tới các đại biểu dự hội nghị đề nghị các doanh nghiệp cần chấn chỉnh những bất cập tại các bếp ăn tập thể như: tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát các bếp ăn, xử lý nghiêm các bếp ăn gây ra ngộ độc thực phẩm.
Về vấn đề này ông Võ Phúc Hậu, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Tiền Giang nói: “Lo ngại lớn nhất đối với các bếp ăn tập thể là thói quen của người trực tiếp tham gia chế biến, thói quen rất khó thay đổi dù họ có kiến thức. Chính vì điều đó phải tăng cường công tác giám sát khâu chế biến. Nguồn thực phẩm đầu vào phải có nguồn gốc rõ ràng và có xác nhận của các cơ quan chức năng về kiểm dịch. Đặc biệt là các sản phẩm từ thịt và các sản phẩm nông nghiệp”./.